Bí quyết học Tiếng Anh, Văn - Sử - Địa, Toán - Lý - Hóa cùng các thủ khoa đại học.
Mai Thi
Trị môn Anh văn như thế nào?
Từ trước đến giờ, môn Anh vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều bạn học sinh, vậy đối với những bạn chọn khối D làm khối thi đại học, nỗi ám ảnh đó sẽ được giải quyết thế nào đây?
Liên lạc với bạn Trần Thị Mai Thi, thủ khoa khối D1, trường ĐH Sư Phạm TP.HCM với số điểm 25.5, trong đó môn Anh văn, bạn xuất sắc đạt điểm 9. Thi chia sẻ cho cho chúng mình các kinh nghiệm học thi hiệu quả như sau:
Cấu trúc ngữ pháp là yếu tố cực kì quan trọng, phải nắm thật vững, làm thành thạo các dạng bài tập có liên quan, thường xuyên trau dồi và rèn luyện khả năng tư duy đề tài môn học.
Học từ vựng là điều chính yếu thứ hai, vì đó là cơ sở giúp bạn có thêm được vốn từ phong phú để dễ dàng ứng phó với các dạng bài tập đọc, viết. Học từ vựng bạn đừng ngại bẩn, hãy cứ viết ra bất cứ nơi nào bạn có thể, viết lên tay, lên giấy, lên stick treo đầy lên tường nhà… Học nói, đừng ngại ai nói bạn điên, có lẩm bẩm nói một mình cũng chẳng sao, miễn là ta thấy hài lòng với cách nói của mình là được.
Các bạn cũng có thể làm theo cách mà Thi hay làm: mình rất hay đọc truyện “Ông già và biển cả” cho cả phòng nghe, vừa đọc vừa hát, biến thể thành tất tần tật các loại hình từ thơ, nhạc, họa… chúng bạn cứ bảo mình bị dở hơi, nhưng không sao, hãy xem đó như một trò thư giãn khi học Anh.
Phải biết chọn lọc, làm bài tập thường xuyên và chốt lại những vấn đề quan trọng thường hay bắt gặp trong các kì thi. Nhớ, học Ngoại ngữ thì lúc nào cũng phải có sẵn một cuốn sổ tay ghi chú từ vựng và cấu trúc.
Học Văn, Sử, Địa nhẹ nhàng như Thủ khoa ĐH Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn TP.HCM
Văn, Sử, Địa là các môn đòi hỏi khả năng thuộc bài cao, vậy phải làm như thế nào để trị được chúng một cách ngon lành đây? Gặp gỡ Trần Nữ Vi Linh, Thủ khoa ĐH KHXH&NV TP.HCM với số điểm đáng kể là 26.5, cách học hiệu quả mà cô nàng sử dụng mà chúng mình tìm hiểu được nè:
Học Văn không phải chỉ cần học thuộc là đạt điểm cao, để đạt được con điểm 8,Vi Linh cần phải có một hệ thống kiến thức vững nhất định. “Mình đã tưởng tượng mình giống như Mỵ hay như người đàn bà làng chai, đau đớn lắm, mỗi lần cảm tưởng bị đánh là thấy run, thế nhưng nhờ vậy mà văn viết ra không bị khô, có tình cảm và tự nhiên”.
Hãy cho mình làm nhân vật, nhưng đừng quá đắm vào nhân vật, vì ngòi bút sẽ bị gò, và đôi khi đi quá xa so với đề tài. Học Văn nên phân theo từng chuyên đề riêng, truyện ra truyện, thơ ra thơ, giai đoạn nào ra giai đoạn đó. Lối viết tự nhiên và trôi chảy, nhưng cốt yếu vẫn là ý chính của bài. Nếu đủ ý dù diễn đạt hơi thô, điểm của bạn cũng sẽ không lệch đi là mấy".
Vi Linh
Sử vốn là môn khó nuốt, hãy học các sự kiện, ngày tháng theo cách đặt nó vào một mối quan tâm của bạn. Học Sử thì đừng ngại đám đông, hãy cứ vấn đáp thoải mái, để biết xem mình đã có được những gì trong đầu. Vừa học vừa viết, vừa tưởng tượng mình đi đánh trận, đó là cách ghi nhớ sự kiện hiệu quả mà cô nàng thủ khoa đã áp dụng.
Địa chắc là môn học dễ nhất nhỉ? Chỉ cần một cuốn Atlat thôi, bạn đã có thể mang cả quyển sách giáo khoa Địa và trong trí nhớ. Hãy tưởng tượng mình là một hướng dẫn viên du lịch, dắt đoàn khách nước ngoài đi thưởng ngoạn và giới thiệu về đất nước mình.
Tư duy hình ảnh là lối tư duy rất hiệu quả, nó giúp bạn học môn Địa một cách trơn tru và nhẹ nhàng nhất, tiết kiệm được thời gian đáng kể luôn đó.
Làm thơ cùng Toán, Lí, Hóa
Học theo giai đoạn, đừng học dồn hết tất cả mọi thứ trong một thời gian nhất định trước ngày thi. Phải học có hiệu quả, vừa học vừa chơi, đừng ép não ta làm việc một cách kém khoa học, khi thì rỗng tuếch, khi thì nhồi nhét thật nhiều, như vậy sẽ không hiệu quả.
Vũ Tuấn Anh, chàng thủ khoa Đại Học Cảnh Sát TP.HCM với số điểm 29 (Toán 10, Lí 10, Hóa 9), chia sẻ bí quyết học các môn tự nhiên sao cho hiệu quả. Đối với các môn học như Toán, Lí, Hóa có thực hành bằng bài tập và các công thức, hãy cố gắng nhớ nó ngay khi còn trên lớp. Việc này sẽ tiết kiệm được một khoảng thời gian đáng kể cho việc học lại bài và làm bài tập ở nhà cho các môn trong khối thi đã lựa chọn.
Tuấn Anh
Đối với các môn này, bạn hoàn toàn có thể chế ra các công thức nhất định mang dấu ấn của mình cho dễ nhớ, không thì có thể học lỏm từ thầy cô hay trên mạng. Mình học hóa trị này:
“Ê 2, Bu 4, Pro 3
Pen 5, Hex 6, 7 là Heptan
Thứ 8 tên là Octan
Nonan thứ 9, Đecan là 10”
Trong quá trình học, hãy cố gắng làm nhiều các dạng bài tập thông qua các bộ đề thi trên mạng cũng như từ thầy cô. Quan trọng, việc làm đề cũng cần phải chọn lọc kĩ lưỡng, tránh việc lún sâu vào các phần ngoài chương trình, dẫn đến mất thời gian một cách vô ích. Hãy cố gắng va chạm thật nhiều vì nó giúp ta phản xạ nhanh hơn khi gặp các dạng tương tự... Hãy nhớ là học phải đi đôi với hành.
Giai đoạn học thi này cực kì quan trọng, bạn đừng nên lơ là. Tuy nhiên, đừng học một lối quá máy móc và o ép mình phải đạt được cái này, đạt được cái kia, nên học thoải mái, vừa học vừa rèn, học có phương pháp thì chắc chắc sẽ hiệu quả gấp đôi.
GD&TĐ - Dù điều kiện học tập có phần hạn chế nhưng, Dương Đình Thanh người dân tộc Tày vẫn sở hữu điểm số ba môn Toán, Vật lí và tiếng Anh vô cùng ấn tượng.