Ôn tập mùa dịch: Vào mùa ôn tập

GD&TĐ - Trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, việc ôn tập trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được các nhà trường, địa phương quan tâm với những giải pháp linh hoạt, sáng tạo để bảo đảm chất lượng.

Cô trò Trường Lômônôxốp (Hà Nội) trong giờ học.
Cô trò Trường Lômônôxốp (Hà Nội) trong giờ học.

Dạy học, ôn tập không gián đoạn

Để thích ứng với tình hình dịch bệnh, nhiều giải pháp đồng bộ đã được Trường THPT Nam Đàn (Nghệ An) thực hiện để bảo đảm hoàn thành chương trình theo kế hoạch. Theo chia sẻ của cô Hiệu trưởng Trịnh Thị Diệu Thúy, nhà trường duy trì hình thức dạy học vừa trực tiếp, vừa trực tuyến. Học sinh F0, F1 được học trực tuyến đồng thời với các bạn trên lớp qua Zoom. Giáo viên là F0, F1 nếu bảo đảm sức khỏe vẫn ở nhà dạy online cho học sinh trên lớp. Với những lớp quá nhiều học sinh F0, F1 thì chuyển sang học online. Có giáo viên, tiết này dạy trực tiếp trên lớp, tiết sau lại xuống phòng chức năng để dạy online. Dù vất vả nhưng các thầy cô đều nhiệt tình vì công việc chung.

Riêng ôn thi tốt nghiệp THPT, cô Trịnh Thị Diệu Thúy cho biết được tiến hành ngay từ đầu năm học. Nhà trường phân công giáo viên có kinh nghiệm, năng lực để giảng dạy khối 12. Các tổ nhóm chuyên môn cũng họp từ đầu năm để thảo luận, phân tích đề thi của năm học 2020 - 2021, thống nhất đề cương ôn tập cho học sinh. Dựa vào học sinh từng lớp, giáo viên xây dựng kế hoạch ôn tập và tổ nhóm, trưởng bộ môn duyệt.

“Cuối học kỳ I vừa qua, nhà trường tổ chức thi khảo sát chất lượng lần một, qua đó nắm được năng lực của học sinh để điều chỉnh kế hoạch trong học kỳ II. Sau Tết, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, học sinh F0 và F1 nhiều, nhà trường đang cố gắng vừa thực hiện chương trình chính khóa, vừa hướng dẫn học sinh ôn tập, với nhiều hình thức: Online; gửi bài, chủ đề qua nhóm Zalo... Qua khảo sát, năm nay trường có 47/502 học sinh tham gia thi đánh giá năng lực. Nhà trường đã phân công ban chuyên môn nghiên cứu cấu trúc đề thi, hướng dẫn học sinh tiếp cận đề; đồng thời phân công giáo viên bộ môn theo dõi quá trình học tập để động viên các em kịp thời”, cô Trịnh Thị Diệu Thúy chia sẻ.

“Trường Lômônôxốp tổ chức 3 kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế IELTS tại trường, giúp học sinh có chứng chỉ xét tuyển thẳng vào một số trường đại học. Học sinh khối 9, 12 được tổ chức thi thử mỗi tháng 1 lần, giúp các em làm quen với các dạng kiến thức trong thi cử và cũng là cách “cuốn chiếu” lượng kiến thức đã học trong thời gian qua”, thầy Nguyễn Quang Tùng thông tin.

Tại Trường Lômônôxốp (Hà Nội), thầy Hiệu trưởng Nguyễn Quang Tùng cho hay: Học sinh khối 12 chịu tác động của dịch bệnh trong 3 năm học liền, khiến tâm lý, tinh thần, kiến thức bị ảnh hưởng khá nhiều. Do đó, sự tự tin, kỹ năng tham gia các kỳ thi cần được giáo viên chủ nhiệm, bộ môn hỗ trợ. Đặc biệt, với cách đổi mới phương thức tuyển vào đại học năm 2022, giáo viên phải định hướng cho học sinh rất nhiều về kiến thức các kỳ thi đánh giá năng lực, phương thức tuyển sinh của trường đại học khác nhau và vẫn phải thi tốt trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Cô Trương Thị Nguyện, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu (An Giang) thì thông tin: Nhà trường đã tổ chức họp rút kinh nghiệm, rà soát tài liệu ôn tập, công tác tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và bộ sản phẩm các chuyên đề, đề thi tham khảo của sở GD&ĐT (sản phẩm của giáo viên cốt cán, giáo viên các trường xây dựng) để xây dựng kế hoạch, tài liệu ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2022 phù hợp với điều kiện thực tế của trường, năng lực học tập của học sinh.

Tổ nhóm chuyên môn và giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp THPT xây dựng chi tiết nội dung tài liệu ôn tập, hệ thống câu hỏi phân loại rõ từng cấp độ nhận thức. Rà soát lại việc chọn môn tổ hợp của các học sinh 12 để phân hóa, tư vấn học sinh lựa chọn sao cho phù hợp với năng lực để tổ chức ôn thi đạt hiệu quả.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Thuận Thành số 1 (Bắc Ninh) trong giờ học Vật lý.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Thuận Thành số 1 (Bắc Ninh) trong giờ học Vật lý.  

Đặt chỉ tiêu để phấn đấu

Năm 2022, Bắc Giang đặt chỉ tiêu tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 97,5%. Ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang, cho hay: Ngành GD-ĐT đã đưa ra những giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và tỷ lệ tốt nghiệp THPT.

Theo đó, thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm việc dạy học và tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2020 - 2021, định hướng cho kỳ thi năm học 2021 - 2022. Hướng dẫn các trường khảo sát phân loại đối tượng học sinh để bố trí giáo viên bộ môn dạy phù hợp; tăng cường kiểm tra thường xuyên, định kỳ phát hiện những phần kiến thức học sinh còn rỗng để bổ sung kịp thời.

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi tham khảo sẽ tổ chức tập huấn giáo viên phân tích đề, xây dựng ma trận đề, ra đề tương tự để ôn tập, kiểm tra học sinh, đánh giá sự tiến bộ qua từng bài kiểm tra. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá; khai thác hiệu quả nền tảng Microsoft Teams và các phần mềm hỗ trợ khác để từng bước triển khai các hoạt động kiểm tra, đánh giá, thi trực tuyến, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Sở GD&ĐT hướng dẫn các nhà trường tổ chức thi thử theo tháng và theo môn lựa chọn, kết hợp với kết quả của năm học trước hoặc của kỳ liền kề để có kế hoạch phụ đạo, bổ sung kiến kiến thức, điều chỉnh phương pháp dạy học để học sinh tự tin bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đạt chỉ tiêu đề ra. Các đơn vị tăng cường bồi dưỡng, nâng cao chất lượng phụ đạo học sinh yếu kém.

Ông Bạch Đăng Khoa cũng cho biết: Sở GD&ĐT Bắc Giang dự kiến tổ chức 2 kỳ thi thử tốt nghiệp cho học sinh lớp 12; trong đó 1 kỳ thi thử đầy đủ các môn thi (dự kiến tháng 3) để đánh giá sơ bộ tỷ lệ tốt nghiệp THPT và 1 kỳ thi theo số báo danh, địa điểm xác định cho học sinh làm quen không khí trường thi (trước kỳ thi chính thức).

Tỉnh An Giang đã tổ chức Hội nghị chuyên đề công tác “ôn tập thi tốt nghiệp THPT” năm 2022, lãnh đạo Sở GD&ĐT trực tiếp chủ trì. Chia sẻ của Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Tuấn Khanh, hội nghị diễn ra trong 4 ngày (từ 15 - 24/2) dành cho tổ trưởng chuyên môn và giáo viên bộ môn dạy lớp 12 của 9 môn học (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân); nội dung là định hướng công tác xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài dạy để dạy học và ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Ngày 25/2 có hội nghị riêng cùng chủ đề cho đội ngũ cán bộ quản lý các trường THCS - THPT, trường THPT, cơ sở giáo dục thường xuyên. Nội dung xoay quanh công tác xây dựng kế hoạch, quản lý, tổ chức dạy học ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đáp ứng với tình hình dịch bệnh trong năm học 2021 - 2022, và học sinh lớp 12 được trở lại trường học trực tiếp từ ngày 14/2.

Trường THPT Võ Thị Sáu (An Giang) tổ chức chương trình hướng nghiệp cho học sinh.
Trường THPT Võ Thị Sáu (An Giang) tổ chức chương trình hướng nghiệp cho học sinh.

Đổi mới phương pháp phù hợp với thực tế

Dạy học trực tuyến được cho là giải pháp hữu hiệu trong mùa dịch khi học sinh không thể đến trường. Tuy nhiên, khi triển khai dạy học trực tuyến, cả học sinh và giáo viên đều gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, hiệu quả mang lại chưa được như mong đợi. Do đó, Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới là một thử thách đối với các sĩ tử. Chia sẻ điều này, thầy Trần Liên Quang, giáo viên Trường THPT Mỹ Quý, Đồng Tháp, cho rằng: Bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu đối với học sinh cần nỗ lực ôn luyện nhiều hơn nữa, quan trọng nhất là phải đổi mới phương pháp học tập cho phù hợp với tình hình thực tế.

Cùng với nhiều cách thức, phương pháp học tập khác, theo thầy Trần Liên Quang, học sinh cần phân chia quỹ thời gian còn lại của năm học thành từng giai đoạn để ôn tập. Mỗi giai đoạn tập trung hướng đến một mục tiêu nhất định nào đó, qua từng giai đoạn mục tiêu cũng sẽ được nâng lên từng bước. Chẳng hạn, giai đoạn đầu nên tập trung củng cố kiến thức cơ bản và giải quyết các bài tập ở mức độ nhận biết (câu hỏi dễ). Các giai đoạn tiếp sau nâng dần lên giải quyết bài tập ở mức độ hiểu, rồi vận dụng (câu hỏi khó). Tránh ôn tập ôm đồm, vội vàng cùng lúc giải quyết hết các dạng câu hỏi ở nhiều mức độ khi chưa củng cố vững những kiến thức nền.

Thời gian học trực tuyến vừa qua kéo dài, có thể học sinh ít có điều kiện để thảo luận, trao đổi bài học cùng bạn bè của mình. Nhắc lại câu “Học thầy không tày học bạn”, thầy Trần Liên Quang nhấn mạnh: Việc ôn tập với bạn bè rất hiệu quả. Tùy điều kiện thực tế, học sinh có thể tạo nhóm (nhóm chung hoặc nhóm theo từng bộ môn) khoảng 3 - 4 bạn để cùng học.

Nhóm có thể hoạt động theo hình thức trực tiếp hoặc kết hợp vừa trực tiếp vừa trực tuyến. Và để hoạt động hiệu quả, nhóm cũng cần đặt ra những mục tiêu, yêu cầu, nguyên tắc và phân công nhiệm vụ rõ ràng. Điều cần lưu ý là các nhóm nhất thiết phải có sự kết nối với giáo viên bộ môn thường xuyên, vì chính thầy cô sẽ là người định hướng tốt nhất để nhóm đi đúng hướng, nhất là khi gặp những vấn đề khó cần giải quyết.

Ôn tập tốt, nhưng quyết định lại ở thời điểm làm bài thi. Đưa lời khuyên, cô Lê Thị Quyên, giáo viên Trường THPT Minh Châu, Hưng Yên, lưu ý: Trong khi làm bài, thí sinh nên bình tĩnh, tự tin, không quá lo lắng, nhớ ghi đầy đủ các thông tin cá nhân trong bài làm (họ tên, ngày sinh, số báo danh, trường…).

Đọc kỹ đề, gạch chân những từ khóa trong câu dẫn để xác định đáp án dễ dàng hơn. Cần quản lý, sắp xếp thời gian hợp lý khi làm bài thi. Làm đến đâu, tô vào phiếu trả lời ngay đến đó, tránh trường hợp đến gần cuối giờ mới tô vào phiếu và tô không kịp. Nên làm theo trình tự câu dễ làm trước, khó làm sau, không dành quá nhiều thời gian cho 1 câu hỏi; đồng thời, đọc, kiểm tra kỹ lại bài trước khi nộp bài.

Song song với việc chia thời gian ôn tập theo từng giai đoạn, học sinh cần có kế hoạch vừa học tập trau đồi kiến thức mới, vừa bảo đảm bổ sung những kiến thức nhằm lấp đầy những “lỗ hổng” do học trực tuyến để lại. Các em cần rà soát và bổ sung kiến thức dù đó chỉ là những đơn vị kiến thức nhỏ. Việc bổ sung lỗ hổng kiến thức không bao giờ là dư thừa vì trong đề thi luôn có những câu “không ngờ đến”. Mỗi ngày một ít, nhưng nếu thực hiện đều đặn, sau một thời gian ngắn, học sinh sẽ trang bị đủ kiến thức cơ bản và tự tin để bước vào kỳ thi quan trọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.