Ổn định quy mô và nâng cao chất lượng dân số

GD&TĐ - Thái Bình là 1 trong số 33 tỉnh, thành phố có mức sinh thay thế cao.

Ông Nguyễn Văn Phỏng. Ảnh: Internet.
Ông Nguyễn Văn Phỏng. Ảnh: Internet.

Giải pháp then chốt

Ông Nguyễn Văn Phỏng- Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, xác định việc ổn định quy mô dân số; phấn đấu đưa mức sinh thay thế về mức 2 con/1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và nâng cao chất lượng dân số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của công tác dân số của tỉnh từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Vì vậy, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thái Bình đã thực hiện nhiều giải pháp và coi trọng tới công tác truyền thông, bao gồm truyền thông vận động, thay đổi nhận thức, huy động cộng đồng; trong đó truyền thông thay đổi nhận thức là then chốt. “Công tác truyền thông được chúng tôi tập trung vào đối tượng đích là các cặp vợ, chồng trong độ tuổi sinh đẻ; nam nữ thanh niên chưa kết hôn; học sinh, sinh viên; với nhiều hình thức đa dạng, phong phú” – ông Phỏng chia sẻ.

Để góp phần ổn định quy mô dân số, nâng cao chất lượng dân số, ông Phỏng nhấn mạnh, công tác phối hợp giữa ngành y tế, dân số với các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội... trong việc triển khai các hoạt động DS - KHHGĐ/chăm sóc sức khỏe sinh sản là rất quan trọng.

Tại Thái Bình, việc phối hợp giữa các ngành thành viên Ban chỉ đạo công tác dân số và phát triển cấp tỉnh, huyện, xã được thực hiện thường xuyên, theo quy chế của Ban chỉ đạo; trong đó ngành Y tế chủ trì, phối hợp cung cấp các dịch vụ DS/KHHGĐ/ sức khỏe sinh sản và nâng cao chất lượng dân số.

Các ngành thành viên theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, chính sách, pháp luật về dân số và phát triển, đồng thời phối hợp với ngành y tế cung cấp các dịch vụ DS/KHHGĐ/SKSS và nâng cao chất lượng dân số.

Hàng năm, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh ký hợp đồng trách nhiệm và hỗ trợ kinh phí cho các ngành thành viên Ban chỉ đạo công tác dân số và phát triển tỉnh và các đơn vị liên quan để triển khai các hoạt động dân số và phát triển, nổi bật là các đơn vị: Đài phát thanh truyền hình tỉnh; Báo Thái Bình; Ngành giáo dục; Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh; Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh; Hội Nông dân tỉnh; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh; Liên đoàn lao động tỉnh; Công đoàn ngành y tế; Hội KHHGĐ tỉnh; Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh...

“Kết quả của công tác truyền thông và sự phối hợp, lồng ghép hoạt động là nhận thức của nhóm đối tượng đích có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt trên 72%; Số sinh giảm dần qua các năm (2020: 25.175; 2021: 220203; 2022: 17022)” – ông Phỏng chia sẻ.

Chuyển trọng tâm sang dân số và phát triển

Theo các nhà nhân khẩu học, dân số phải được lồng ghép vào kế hoạch hóa phát triển. Đây là yêu cầu, cũng là giải pháp quan trọng khi chuyển trọng tâm chính sách dân số sang Dân số và Phát triển. Ông Phỏng cho rằng, đây là nhận định đúng đắn cho công tác dân số; đặc biệt khi công tác dân số chuyển trọng tâm sang dân số và phát triển.

“Theo tôi các chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, từng vùng, từng ngành, từng địa phương chỉ có thể có các mục tiêu, chỉ tiêu đúng, phù hợp và các giải pháp khả thi khi có sự lồng ghép, căn cứ trên các dữ liệu về dân số như: quy mô dân số (Nơi có dân số nhiều, ít; di biến động dân số...); về cơ cấu dân số đặc biệt là các yếu tố về độ tuổi lao động, độ tuổi phụ thuộc; người cao tuổi...)” – Ông Phỏng nêu ý kiến.

Cũng theo Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Thái Bình, chuyển trọng tâm chính sách dân số sang Dân số và Phát triển đòi hỏi phải có chiến lược, các quy hoạch, kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn phù hợp với đặc điểm tình hình của mỗi địa phương, mỗi ngành; gắn yếu tố dân số với phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng...; đảm bảo nhu cầu và lợi ích của các nhóm dân cư và mọi người dân được hưởng thành quả của phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy các yếu tố dân số phải được lồng ghép vào kế hoạch hóa phát triển cả nước, từng vùng, từng ngành, từng địa phương.

Cán bộ dân số tỉnh Thái Bình tuyên truyền thực hiện biện pháp kế hoạch hóa gia đình tại trạm y tế xã. Ảnh: Internet.

Cán bộ dân số tỉnh Thái Bình tuyên truyền thực hiện biện pháp kế hoạch hóa gia đình tại trạm y tế xã. Ảnh: Internet.

Theo ông Phỏng, một trong những yếu tố làm nên hiệu quả của các mô hình lồng ghép truyền thông dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản là cán bộ thực hiện truyền thông phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng; có tinh thần trách nhiệm; nhiệt tình, tâm huyết với công việc;

Để công tác truyền thông dân số nói chung và truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản nói riêng đạt hiệu quả, ông Phỏng cho rằng, cán bộ làm công tác truyền thông cần có kiến thức sâu rộng và thường xuyên cập nhật kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản; đồng thời phải có kỹ năng về truyền thông để chuyển tải kiến thức cho đối tượng; các kỹ năng tham mưu về hoạt động truyền thông, kỹ năng tổ chức truyền thông; kỹ năng huy động sự tham gia của cộng đồng;

Xác định được vai trò, tầm quan trọng của việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ làm công tác truyền thông, hàng năm Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh Thái Bình đã tổ chức tập huấn kỹ năng truyền thông cho đội ngũ làm công tác dân số các cấp.

Theo đó, trên 80% nhân viên y tế thôn, tổ dân phố kiêm cộng tác viên dân số được Chi cục tập huấn hàng năm; trên 90% cán bộ dân số tuyến huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn được giảng viên tuyến TW và giảng viên tuyến tỉnh tập huấn.

Hiện, Thái Bình thành lập và duy trì hoạt động 165 câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; 131 câu lạc bộ tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân; 62 mô hình phụ nữ và trẻ em gái; 48 câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên; 165 câu lạc bộ giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; 57 câu lạc bộ các bạn gái tiêu biểu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ