Ổn định Quy chế thi tốt nghiệp THPT: Thầy trò an tâm ôn luyện

GD&TĐ - Việc giữ ổn định Kỳ thi tốt nghiệp THPT và quy chế thi tạo sự yên tâm cho các nhà trường, thí sinh, đặc biệt việc dạy học diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Thí sinh tham gia trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh minh họa
Thí sinh tham gia trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh minh họa

Không ban hành mới quy chế

Ông Lê Mỹ Phong - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT - cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cơ bản ổn định như năm 2021 và vẫn áp dụng Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành theo Văn bản hợp nhất số 02/VBHN-BGDĐT ngày 4/5/2021 của Bộ GD&ĐT. Dự kiến, kỳ thi sẽ diễn ra trong tháng 7/2022. Các hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của kỳ thi sẽ được Bộ GD&ĐT gửi kịp thời cho các địa phương để chủ động chỉ đạo, tổ chức.

Trước thông tin này, ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau nêu quan điểm: Bộ GD&ĐT khi xây dựng và tổ chức kỳ thi theo phương thức mới, cần có một khoảng thời gian để kiểm tra tính hiệu quả. Vì vậy, phải giữ sự ổn định, có hiệu lực trong ít nhất 5 năm, để toàn ngành triển khai. Như vậy học sinh mới yên tâm, có định hướng rõ ràng trong quá trình học tập. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cơ bản giữ ổn định như năm 2021, nên Bộ GD&ĐT không ban hành Quy chế thi mới là phù hợp.

“Với việc giữ ổn định Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT chỉ cần ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức; Quy chế không ban hành mới là phù hợp. Như vậy sẽ tạo nhiều thuận lợi cho học sinh, nhà trường, vì hiện các hoạt động dạy học, ôn thi tốt nghiệp THPT đang được triển khai trên cơ sở quy chế thi hiện hành” - thầy Nguyễn Ngọc Hiền chia sẻ.

Cùng quan điểm, thầy Nguyễn Ngọc Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Đặng Trần Côn, Thừa Thiên - Huế, nhận định: Ngành Giáo dục giữ ổn định Kỳ thi tốt nghiệp THPT là hợp lý, bởi: Năm học 2021 - 2022 tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học của nhiều tỉnh thành.

Tương tự, thầy Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý (Đồng Tháp) cũng cho rằng: Trong điều kiện hiện tại, việc giữ ổn định Kỳ thi tốt nghiệp THPT là hợp lý để tránh những xáo trộn trong công tác dạy và  học ở các nhà trường.

Việc không sửa đổi quy chế sẽ giúp địa phương chủ động sớm xây dựng các phương án bảo đảm tổ chức thành công kỳ thi phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế, nhất là diễn biến của dịch Covid-19 tại địa phương. Từng cơ sở giáo dục sẽ có sự chuẩn bị ôn tập phù hợp, giúp giáo viên, học sinh chủ động, yên tâm hơn trong hoạt động dạy và học. Phụ huynh cũng sẽ đồng thuận và đồng hành cùng nhà trường trong thực hiện chương trình và ôn thi tốt nghiệp THPT.

Thầy trò Trường THPT Đặng Trần Côn, Thừa Thiên - Huế nỗ lực trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Thầy trò Trường THPT Đặng Trần Côn, Thừa Thiên - Huế nỗ lực trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Cân nhắc mức độ đề thi cho phù hợp

Năm học 2021 - 2022, dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp nên hình thức học của học sinh ở nhiều địa phương không giống nhau, có nơi trực tuyến, nơi trực tiếp. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục. Vì vậy, để bảo đảm kỳ thi công bằng, khách quan phù hợp với những tác động của dịch bệnh đối với ngành Giáo dục, thầy Nguyễn Ngọc Hiền đề xuất cần phân tích, nhận định về diễn biến tình hình dịch bệnh, xác định thời điểm phù hợp để tổ chức chung 1 đợt thi.

Ngoài ra, mặc dù Bộ GD&ĐT đã ban hành nội dung chương trình giảm tải, song với những học sinh phải tham gia học trực tuyến thời gian dài sẽ gặp khó khăn khi làm bài thi và thiệt thòi so với bạn được học trực tiếp. Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần cân nhắc mức độ yêu cầu của đề thi sao cho phù hợp. Cùng với đó, rà soát, khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong công tác chuẩn bị thi và coi thi.

Còn theo thầy Trần Văn Hân, Bộ GD&ĐT cần sớm quyết định có công bố đề thi minh họa hay không? Vì dù giữ ổn định về quy chế, nhưng năm học này ảnh hưởng của Covid-19 nặng nề, thời gian dài học sinh phải học trực tuyến và Bộ GD&ĐT cũng đã có hướng dẫn tổ chức dạy và  học thích ứng với tình hình dịch Covid-19. Nên việc công bố đề thi minh họa là cần thiết để  giáo viên và học sinh, phụ huynh học sinh yên tâm hơn, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.

Ông Lê Hoàng Dự thì nhấn mạnh việc cần giới hạn nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; không bao gồm các nội dung được tinh giản nhằm phục vụ dạy và học ứng phó dịch Covid-19 mà Bộ GD&ĐT đã công bố. Đề thi được xây dựng đáp ứng yêu cầu của kỳ thi, bảo đảm độ phân hóa phù hợp và hạn chế học tủ, học lệch, khuyến khích sáng tạo của thí sinh.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau cũng mong muốn Bộ GD&ĐT xây dựng cấu trúc, định dạng đề thi, công bố đề thi tham khảo; hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi để tổ hợp thành các đề thi bằng phần mềm chuyên dụng, cung cấp cho các địa phương tổ chức thi, bảo đảm cân bằng giữa các vùng miền, các tỉnh và giữa các đợt thi (nếu tổ chức nhiều đợt thi). Đồng thời, Bộ GD&ĐT cùng các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra tất cả khâu của kỳ thi để bảo đảm an toàn, nghiêm túc, thiết thực, khách quan, công bằng.

Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021 - 2022, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các sở GD&ĐT chuẩn bị sớm, đầy đủ điều kiện để tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022; xây dựng phương án bảo đảm an ninh, an toàn và dự phòng để xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thi, nhất là ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 (nếu có). Tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở trường phổ thông theo định hướng đánh giá năng lực, bảo đảm sự đồng bộ và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT… - Ông Lê Mỹ Phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.