Họp báo CP thường kỳ tháng 2/1010 |
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, tuy giá trị sản xuất công nghiệp trong tháng 2 giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái (nguyên nhân là do năm nay nghỉ Tết Nguyên đán tới 10 ngày), nhưng tính chung hai tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp vẫn tăng 13,6%, nông nghiệp ổn định, thương mại, dịch vụ tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 2 tháng đầu năm ước tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt vào dịp Tết Canh Dần đã thu hút lượng lớn khách du lịch cả trong và ngoài nước, bà con Việt Kiều về quê ăn Tết và tham dự các lễ hội. Riêng tại Hà Nội trong 3 ngày Tết đã có gần một vạn khách quốc tế nhập cảnh.
Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8.913 triệu USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2009. Nhập siêu 2 tháng đầu năm đạt 1.745 triệu USD, bằng 19,6% so với tổng kim ngạch xuất khẩu. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 năm 2010 tăng 1,96% so với tháng 1 năm 2010, tăng 3,35% so với tháng 12/2009,
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong phiên họp Chính phủ trước đó, các thành viên Chính phủ cũng tập trung phân tích, đề ra biện pháp xử lý việc giá cả tiêu dùng có dấu hiệu tăng. Do chịu ảnh hưởng của đợt tăng giá hàng hóa dịp Tết Nguyên đán, CPI tháng 2 tăng cao so với tháng 1. Nếu như trước Tết giá cả tương đối ổn định do nguồn cung hàng hóa vẫn đáp ứng đủ nhu cầu thị trường thì sau Tết, giá cả một số mặt hàng đã tăng, nhất là là các loại thực phẩm, hàng ăn.
Ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch UB Giám sát tài chính Quốc gia giải thích, việc tăng giá trong tháng Giêng, tháng Hai có thể gây băn khoăn cho dư luận, nhưng nếu xét về con số thì không có gì phải bàn.
Hai tháng đầu năm lạm phát ở mức 3,35%, chỉ vào mức ngang với lạm phát so với các năm trước đây. Bình thường, hai tháng đầu năm lạm phát thường chiếm tới 40 – 50% lạm phát cả năm. Từ đó có thể thấy chưa có gì đáng lo, cho dù chúng ta không thể chủ quan.
Vấn đề đáng quan tâm là trong tháng 3, lạm phát có thể tăng thấp hoặc giảm. Chúng tôi đáng giá, có thể tháng 3/2010, lạm phát sẽ tăng cao hơn bình thường các năm. Bộ Kế hoạch – Đầu tư dự đoán có thể lạm phát sẽ tăng tiếp 1%.
Nguyên nhân do chúng ta liên tục điều chỉnh tăng giá xăng tăng giá than (chỉ với lượng than bán cho ngành điện) và điện. Cùng đó, công tác quản lý giá, quản lý thị trường của chúng ta vừa qua là không tốt. Đó là những nhân tố chính có thể làm lạm phát gia tăng trong tháng 3/2010.
Ông Lê Đức Thúy cho biết thêm, theo tôi, mức tăng giá trong tháng 3/2010 có thể từ 0,5 – 1%. Cả năm lạm phát có thể là 8 – 9% nếu chúng ta điều hành không tốt. Cũng có thể là sát mức 7% như Quốc hội đã đề ra. Lúc này dư luận không nên quá hoang mang. Lạm phát vượt mức 1 cón số là điều khó có thể xảy ra.
Trước đó, trong phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ, kết luận phần đánh giá kinh tế - xã hội hai tháng đầu năm và công tác chỉ đạo điều hành trong những tháng tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Các bộ, ngành và địa phương cần thực hiện đồng bộ các biện pháp, chương trình bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo đó, đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư. Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất công nghiệp. Huy động mọi nguồn lực, tập trung chỉ đạo phòng chống cháy rừng, có biện pháp khắc phục tình trạng khô hạn, dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi, bảo đảm cho vụ Đông Xuân đạt được kết quả cao nhất; có biện pháp thu mua và thúc đẩy nông sản, nhất là tạo điều kiện để xuất khẩu cà phê.
Các địa phương, kịp thời có các biện pháp hỗ trợ cho các hộ nghèo, các hộ nông dân gặp khó khăn do hạn hán, thiên tai, tạo điều kiện ổn định sản xuất và cuộc sống của người dân sau Tết.
Tăng cường các hoạt động thương mại, khuyến khích việc sử dụng hàng nội địa, nhân rộng chương trình ”Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời, tăng cường việc tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường mới để đẩy mạnh xuất khẩu.
Điều hành thận trọng, linh hoạt lượng tiền cung ứng theo chỉ tiêu được duyệt thông qua công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết mức độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng phù hợp với mục tiêu đã xác định, diễn biến lạm phát và tăng trưởng kinh tế, bảo đảm khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, thường xuyên cập nhật thông tin trong và ngoài nước, kịp thời có những đánh giá và dự báo chính xác tình hình để có các biện pháp và điều chỉnh chính sách cho phù hợp với tình hình cụ thể. Tăng cường quản lý thị trường trong nước, chống đầu cơ, tăng giá tùy tiện nhằm bảo đảm ổn định thị trường giá cả, bảo đảm đời sống nhân dân.
Tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các địa phương tổ chức lễ hội tiết kiệm, an toàn, chống lãng phí, khắc phục tình trạng lộn xộn tại một số lễ hội, xử phạt nghiêm minh những hành vi tiêu cực tại các lễ hội. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, tăng cường truy quét tội phạm và các tệ nạn xã hội.
Để kiềm chế lạm phát, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu, bình ổn giá cả thị trường theo đúng Pháp lệnh giá, không để lạm phát cao quay trở lại.
Bộ Công Thương và các cơ quan thông tin truyền thông công bố rõ trong năm 2010 sẽ không tăng giá điện nữa. Giá than bán cho ngành điện có điều chỉnh, nhưng sẽ không tăng nữa, mặc dù giá than bán cho ngành điện mới chỉ bằng 51% giá than bán trên thị trường.
Bộ Tài chính và Bộ Công Thương thường xuyên trao đổi với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về thời điểm chỉnh giá sao cho hợp lý nhất, không để tạo ra tâm lý đối với người tiêu dùng về việc tăng giá xăng dồn dập nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tạo đà phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát chặt tỷ giá và biên độ lãi suất của các ngân hàng thương mại theo nguyên tắc của nền kinh tế thị trường.
Để kiểm soát nhập siêu, Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu những mặt hàng không thiết yếu. Các Bộ, ngành chủ động và kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng. Đồng thời các cơ quan thông tin đại chúng làm tốt hơn công tác thông tin, tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.
Trần Nhật