Ô tô vỏ Trung Quốc, ruột Nhật tăng tốc vào Việt Nam
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5/2018, có khoảng 98 chiếc xe dưới 9 chỗ ngồi của Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam. Nhưng chỉ 1 tuần đầu tháng 6/2018, từ ngày ngày mồng 1 đến ngày 7/6/2018, xe ô tô con nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam đã đạt 36 chiếc.
Chiếc xe SUV của hãng xe Trung Quốc về Việt Nam đang làm dậy sóng dư luận khi thiết kế đẹp mắt, giá rẻ lại có máy Nhật. Tuy nhiên, hiện doanh số bán xe Trung Quốc ở đại lý vẫn rất thấp.
Tuy nhiên, từ ngày mồng 8 đến ngày 16/6, lại chỉ có 8 chiếc xe tải Trung Quốc vào được Việt Nam.
Theo Tổng cục Hải quan, lượng xe nhập từ Trung Quốc về Việt Nam chủ yếu ở cảng Hải Phòng và TP.HCM đi đến các địa lý, showroom tại Hà Nội hoặc TP.HCM để bán cho người tiêu dùng.
Mặc dù lượng nhập xe dưới 9 chỗ từ Trung Quốc về Việt Nam có tăng song theo nhiều đại lý, showroom xe hơi Trung Quốc ở Hà Nội thì lượng doanh số của dòng xe này khá ít, chủ yếu là do doanh nghiệp đặt hàng hoặc được bán thí điểm.
Theo giới thiệu của các đại lý xe hơi, hầu hết các dòng xe của Trung Quốc đều được giới thiệu sử dụng máy móc, động cơ của các hãng Nhật Bản, Đức hoặc Thụy Điển. Đây là yếu tố có thể giúp người tiêu dùng an tâm về chất lượng xe và giá trị thương hiệu.
Tuy nhiên, theo nhận định của những người sành xe, điều này cũng chưa đủ để vực dậy niềm tin của đại bộ phận người dân vào xe Trung Quốc khi tại Việt Nam ô tô vẫn được coi là tài sản, chứ chưa được xem là phương tiện.
Đẹp, rẻ nhưng bán khó
Điểm yếu đối với xe Trung Quốc tại Việt Nam hiện nay chính là đại lý chính hãng và dây chuyền phụ trợ cho ô tô còn hạn chế khiến người tiêu dùng lo ngại khi sở hữu những chiếc xe giá rẻ mà không biết chất lượng và tuổi thọ ra sao để bảo hành, bảo dưỡng.
Hiện đa số xe Trung Quốc được bán ở Việt Nam dưới hình thức một đại lý bán nhiều loại xe như Baic, Zotye... Chính vì ít có đại lý độc quyền nên người mua xe rất sợ vì liên quan đến chế độ bảo hành, bảo dưỡng.
"Không nghĩ là cứ công nghệ Nhật, Mỹ hay EU đặt trên một chiếc xe có khung gầm, hệ dẫn động và nội thất là sẽ thành xe tốt được. Hệ thống khung gầm, máy xe là hai yếu tố quan trọng quyết định chất lượng xe, nên cần có thiết kế đi liền với nhau. Hiện trên thế giới đã có một số hãng xe nhỏ nhập máy móc của các hãng phát triển nhưng không thể nhập được công nghệ đúc khuôn, chính vì vậy không đồng bộ nên xuống nhanh", một chuyên gia về công nghệ xe hơi cho biết.
Mặc dù hơn 1 năm xâm nhập vào Việt Nam dưới hình thức những chiếc xe thế hệ mới, xe đẹp long lanh song một chi tiết dễ nhận ra là các hãng xe Trung Quốc không chủ tâm mở đại lý chính thức mà dường như chỉ đang thăm dò thị trường. Nếu chỉ sau vài năm khi không bán được ở Việt Nam, các hãng Trung Quốc thực hiện cú "rút chân" lần thứ 2 như hồi năm 2010 - 2012 của hãng Geely hay Lifan. Đây cũng là điều khiến tâm lý của người tiêu dùng Việt chưa mặn mà lắm với xe Trung Quốc.
Với những lý do nói trên, dù một số dòng xe con Trung Quốc nhập vào Việt Nam, song chỉ có tính chất thời điểm, còn lại thị phần xe Trung Quốc ở Việt Nam vẫn rất thấp và đang dần giảm mạnh về lượng tiêu thụ. Lượng tiêu thụ xe Trung Quốc chủ yếu chỉ mới tập trung vào các dòng xe tải.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan số lượng, hết 5 tháng đầu năm xe Trung Quốc về Việt Nam vào khoảng 342 chiếc, giá trị hơn 9,3 triệu USD. Xe Trung Quốc về Việt Nam đến gần 80% là xe tải, còn lại là xe dưới 9 chỗ ngồi trở xuống.
So với cùng kỳ năm trước, lượng xe Trung Quốc nhập về Việt Nam đã giảm 87% về lượng với trên 2.000 chiếc, trong đó chủ yếu là giảm ở phân khúc xe tải.