Khi lũ trẻ băng qua 4 quả đồi với những con dốc cheo leo cũng là lúc người mệt lả vì đói. Những hôm mưa gió, GV kiêm nhiệm vụ “xe ôm” đón các em đến lớp.
Đến trường từ tờ mờ sớm
Hơn 4 giờ sáng, hàng chục nóc nhà ở làng Kon Pia (xã Đắk Hà, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) đã sáng đèn. Tiếng cười đùa, nói chuyện rôm rả, vang vọng khắp nẻo đường. A Thái (HS lớp 5C, Trường Tiểu học xã Đắk Hà, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) ăn cơm nguội còn sót lại từ đêm qua trước khi lên đường đi tìm con chữ.
Nhà cách trường hơn 7km, đều đặn mỗi ngày cứ 5 giờ sáng, A Thái cùng các bạn hẹn nhau ở đầu làng để vượt dốc đến trường tìm con chữ. Lũ trẻ ra khỏi nhà khi trời vẫn còn chưa sáng tỏ. Cả nhóm hơn chục em chỉ có chiếc đèn pin đội đầu le lói sáng. Một số em thức dậy trễ vừa đi vừa ăn vội chiếc bánh mì khô khốc trên tay.
A Thái cho hay: “Cứ 5 giờ sáng mỗi ngày, em cùng các bạn đi bộ đến trường. Hôm nào không có đèn đội đầu, cả nhóm lò dò tìm đường trong bóng tối. Chúng em đi mãi cũng thành quen nên không sợ lạc đường. Những ngày mưa, chúng em mặc áo mưa đi bộ đến lớp. Có hôm đến trường người em ướt hết, thầy cô đưa chiếc áo để khoác rồi học bài”.
Gương mặt tái đi vì cái lạnh của cơn mưa rừng, cô bé Y Kiệt (lớp 4D) chỉ mặc trên mình chiếc áo mỏng và khoác chiếc áo mưa. Nói là áo mưa, nhưng nó được cắt từ túi nilong đã cũ mà bố mẹ em xin được. Y Kiệt cho biết: Hơn 5 giờ sáng, em cùng các bạn lội bộ hơn 7km từ làng Kon Pia để đến trường học con chữ. Chặng đường đến trường xa nên nhiều hôm em lả đi vì đói và lạnh.
“Bố mẹ bận đi làm nên trời mưa hay nắng em cũng tự đến trường. Nhà nghèo nên sáng đi học em ăn cơm nguội hoặc nhịn đói đến lớp. Hôm nay nhà không còn gì ăn nên em nhịn. Mệt quá, em đi được một đoạn rồi lại phải dừng chân nghỉ. Mỗi ngày đến lớp em vượt qua 4 con dốc cao nên có hôm đến lớp trễ. Dù có trễ giờ đến lớp, có đói, lạnh em vẫn muốn đi học để sau này đỡ nghèo, khổ”, Y Kiệt vừa nói vừa gạt giọt nước mưa đang lăn dài trên gò má.
Đến lớp với với bộ quần áo lấm lem, Y Yong (lớp 3B) co ro ngồi trong góc lớp. Y Yong kể: Em cùng anh trai đang học lớp 5 đi bộ gần 8km để đến trường. Nhà Y Yong có 6 anh chị em, em là con thứ 3 trong gia đình. Bố mẹ làm nông quanh năm nên kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn.
“Bữa ăn của gia đình chỉ có cơm trắng và rau. Đến mùa nhổ mì cả nhà mới có một bữa thịt để ăn. Có nhiều hôm đến trường chúng em phải nhịn đói. Em muốn cố gắng học thật giỏi, sau này làm nghề thợ mộc như bố”, Y Yong hồn nhiên chia sẻ.
Đón học trò ra lớp
Cô Nguyễn Thị Mỹ Liên, GV cụm Ngọc Leang– Trường Tiểu học xã Đắk Hà cho hay: HS nơi đây đa số là người Xê Đăng. Kinh tế của người dân phụ thuộc vào rẫy mì nên còn nhiều khó khăn. Phụ huynh cũng ít chú trọng đến việc học của con em.
Theo cô Liên, HS lớp 1 và 2 theo học ở điểm trường tại thôn. Tuy nhiên, từ lớp 3 trở đi các em phải ra điểm trường chính để học tập. Do đó, quãng đường đến trường của các em từ 4 – 8km. Hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ bận làm nương rẫy nên đa số các em đi bộ đến trường. Những hôm mưa lớn, các em đến lớp với bộ quần áo ướt sũng, lấm lem bùn đất.
“Nhìn học trò ngồi co ro trong lớp chúng tôi thấy thương vô cùng, vội lấy chiếc áo ấm cho các em khoác để có thể học con chữ”, cô Liên chia sẻ.
Nghĩ đến học trò, cô Dương Thị Anh chực trào nước mắt. Cô tâm sự: Các em chủ yếu đi bộ đến trường nên ngày mưa vắng học rất nhiều. Do đó, chúng tôi thường xuyên đến nhà vận động các em đến lớp để học con chữ. Những hôm mưa lớn, chúng tôi tranh thủ vào làng từ sáng sớm để chở các em ra lớp. Cuộc sống của bố mẹ các em đã khổ nên tôi mong các em được đi học đến nơi đến chốn. Có học các em mới có hy vọng thoát khỏi cái đói nghèo. Do đó, nếu có thể làm được điều gì giúp ích các em trong học tập, chúng tôi luôn sẵn lòng.
Cô Hồ Thị Thùy Vân – Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đắk Hà thông tin: Năm học 2020 - 2021 trường có 622 HS. Để đến trường, hơn 200 HS của trường ở các làng Kon Pia, Ngọc Leang, Đắk Hà, Đắk Pơ Trang phải vượt chặng đường từ 4 – 8km. Có những em không có áo ấm để đến lớp, mặt tái nhợt, đói lả người. Thương học trò, GV lại mang áo, bánh mì cho các em ăn để lấy sức học bài.