Ô nhiễm kháng sinh trong các dòng sông

GD&TĐ - Nồng độ chất kháng sinh trong một số dòng sông trên thế giới đã vượt quá ngưỡng an toàn tới 300 lần.

Ô nhiễm kháng sinh trong các dòng sông

Các nhà khoa học ở ĐH York (Vương quốc Anh) đã nghiên cứu nồng độ 14 loại kháng sinh phổ biến, lẫn trong nước các dòng sông thuộc khu vực 72 quốc gia trên 6 lục địa, trong đó có các sông: Danube, Mekong, Sein, Thames, Chao Phraya, Tiber, Tigris.

Các nhà khoa học cho biết, họ đã phát hiện chất kháng sinh trong 65% vị trí được khảo sát.

Loại kháng sinh được phát hiện nhiều nhất trong các sông là trimethoprim. Đây là kháng sinh thường được sử dụng trong điều trị nhiễm trùng bàng quang.

Một loại thuốc kháng sinh khác – ciprofloxacin, có nồng độ vượt quá ngưỡng an toàn, được phát hiện ở 51 nơi khảo sát. Tiếp đến là metronidazole – một loại kháng sinh dùng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn kỵ khí gây ra. Nồng độ của loại thuốc này trong một số dòng sông cũng vượt quá ngưỡng an toàn khá nhiều. Tại điểm khảo sát ở Bangladesh, nồng độ kháng sinh metronidazole, vượt mức an toàn tới 300 lần.

Các nhà khoa học cũng thấy rằng, hiện tượng nồng độ kháng sinh vượt quá mức an toàn thường xuất hiện trong các dòng sông ở châu Á và châu Phi, đặc biệt là ở các quốc gia như Bangladesh, Kenya, Ghana, Pakistan và Nigeria.

Nồng độ các chất kháng sinh cao nhất trong nước sông Thames là 233 nanogam/lít (ng/l). Chỉ số này ở Bangladesh lớn hơn 170 lần.

Các nhà khoa học cũng cho biết, các dòng sông ở châu Âu, châu Mỹ cũng không thoát khỏi vấn đề ô nhiễm kháng sinh. Các phân tích mẫu nước cũng cho thấy ô nhiễm kháng sinh trong nước sông thuộc 2 châu lục này cũng vượt quá ngưỡng an toàn.

Như vậy, nước sông bị ô nhiễm kháng sinh đã trở thành vấn đề mang tính toàn cầu.

Theo các nhà khoa học, những nơi bị ô nhiễm kháng sinh nhiều nhất thường là lân cận các đống rác thải, hệ thống xả nước thải từ các nhà máy…

Tiến sĩ John Wilkinson ở ĐH York cho biết, cho đến nay các chuyên gia mới kiểm tra dư lượng kháng sinh trong một số dòng sông ở châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc. “Nghiên cứu của chúng tôi bổ sung phần khuyết thiếu từ những quốc gia mà trước đó chưa được theo dõi về dư lượng kháng sinh trong nước sông” – ông Wilkinson cho biết.

Mức an toàn kháng sinh dao động từ 20.000 - 32.000 ng/l, tùy thuộc vào loại kháng sinh. “Dữ liệu mà chúng tôi có được cho thấy, ô nhiễm kháng sinh trong các dòng sông có thể làm gia tăng độ kháng kháng sinh” – Giáo sư Alistar Boxall ở ĐH York cho biết. Giáo sư Boxall cũng nhấn mạnh, giải pháp cho vấn đề này đòi hỏi sự đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng liên quan đến xử lý rác thải, làm sạch nước, cải thiện môi trường ở những nơi ô nhiễm…

Theo Nauka

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.