Ở đời biết thế nào là sướng! Biết đủ là cách sống mang lại hạnh phúc

Ở đời biết thế nào là sướng? Cái bình thường của người này có khi là sự thèm muốn, là mục tiêu phấn đấu của người khác. Vậy nên, biết đủ là đủ.

Ở đời biết thế nào là sướng! Biết đủ là cách sống mang lại hạnh phúc

Frederick Koening từng nói: “Chúng ta thường hay quên rằng hạnh phúc không phải do ta đạt được cái chúng ta không có, mà đúng hơn là do ta nhận biết và trân trọng những gì chúng ta đang có”.

Vậy ở đời biết thế nào là sướng?. Có người từng nói, cái bình thường của người này có khi là sự thèm muốn, là mục tiêu phấn đấu của người khác. Vậy nên, biết đủ là đủ. Nên hài lòng với những gì mình đang có. Hạnh phúc đâu xa. Hạnh phúc luôn ở quanh mình. Lòng ghen ghét, đố kỵ chỉ làm hạ thấp giá trị bản thân mỗi người.

Ngẫm câu chuyện dưới đây, bạn sẽ trả lời được cho câu hỏi rốt cuộc mình có phải là kẻ bất hạnh, vô phần hơn người khác?:

Hai vợ chồng nhà nọ nuôi một con trâu và một con chó. Con chó được ở trong nhà còn con trâu phải ở riêng ngoài chuồng. Mỗi ngày trâu ra đồng cày bừa từ sáng sớm đến chạng vạng tối mới về, còn chó chỉ việc nằm ở cổng rào canh chừng cửa.

Một hôm nọ trâu đi làm về, thấy chó nằm trước cửa nhà phe phẩy cái đuôi trông thật sướng, đang lúc mệt nhoài nó nổi cáu bảo:

- Không có ai sung sướng bằng mày, chỉ ăn rồi nằm. Thật là đồ vô tích sự!

Con chó nghe con trâu hậm hực nặng nhẹ mình thì buồn bã trong lòng, nghĩ trâu tuy to xác nhưng không có trí. Nó bèn nói với trâu:

- Anh trâu không hiểu đâu, tôi nào có sung sướng như anh tưởng. Anh tuy làm lụng nặng nhọc ngoài đồng nhưng có giờ có giấc ;sáng ra đồng, chiều lại về, tối còn được nghỉ ngơi, cứ lăn ra mà ngủ. Còn tôi, tuy nằm canh cửa giữ nhà trông có vẻ nhàn hạ hơn anh, nhưng thật sự thì mệt cầm canh đâu có ai biết. Nằm lim dim mà lòng không yên, phải để tâm canh giữ cửa nhà, không dám lơ là công việc. Nếu ngủ quên hoặc bất cẩn để xảy ra mất trộm thì tôi khó mà sống được . Đêm đêm trong khi mọi người ngon giấc, tôi có được nghỉ ngơi đâu, tôi phải lắng tai nghe ngóng, đưa mắt nhìn trông, hễ nghe có động tĩnh gì thì phải sủa to để cảnh báo. Lúc chủ nhà vui thì tôi còn được ăn no, chứ khi họ có chuyện buồn bực trong lòng thì bỏ mặc tôi đói khát, không ai để mắt quan tâm. Những lúc sân si nổi lên họ còn trút giận lên đầu tôi không thương tiếc, họ đánh họ đá, xua đuổi, chửi mắng tôi. Mỗi khi bạn bè, người thân của họ đến chơi mà tôi không biết, tôi sủa tôi vồ thì họ đánh tôi, chửi tôi là đồ ngu. Bạn bè họ đến chơi thì không sao, còn bạn bè tôi đến chơi thì bị họ đuổi đi, ném đá đến toạc đầu đổ máu. Ngẫm lại coi, anh và tôi ai sướng hơn ai chứ?

O doi biet the nao la suong! Biet du la cach song mang lai hanh phuc - Anh 1

Hạnh phúc luôn ở quanh mình. Lòng ghen ghét, đố kỵ chỉ làm hạ thấp giá trị bản thân mỗi người (Ảnh minh họa)

Con trâu nghe nói mới hiểu tình cảm của con chó, nghĩ mà thương nên an ủi:
- Đúng là mày cũng không sung sướng gì. Tao với mày ở chung nhà mà chưa một lần trò chuyện với nhau nên không hiểu nhau. Bây giờ tao đã hiểu nỗi khổ của mày, mày cho tao xin lỗi. Nghe mày nói tao mới biết cả hai chúng ta đều khổ cả.

Đang nói con trâu bỗng nghe tiếng chim ríu rít trên cành cây cao, nó nhìn nên rồi than thở:
- Bọn chim trời cá nước sung sướng làm sao! Chúng có thể tự do tự tại bên ngoài, không bị ai giam cầm quản thúc, không phải làm việc nặng nhọc vất vả, không phải chịu nỗi khổ của kiếp tôi đòi. Giá mà chúng ta có được cuộc sống vui vẻ như thế.

Khi ấy một chú chim nghe thấy lời trâu, bèn đáp lên lưng trâu nói:

- Anh trâu ơi, anh không biết đâu, tôi cũng không sung sướng hơn các anh đâu. Tuy loài chim chúng tôi không phải giữ nhà, không phải đi cày ruộng, không phải chịu cảnh tù túng bó buộc, nhưng chúng tôi cũng có lỗi khổ của mình. Hiểm họa luôn dình dập chúng tôi, những kẻ thợ săn có thể bắn chết chúng tôi bất cứ lúc nào. Tổ của chúng tôi làm khó khăn vất vả biết bao, chưa chắc ở được lâu vì sự phá hại của con người. Trứng chúng tôi sinh ra chưa kịp nở con thì đã bị con người lấy mất. Loài người biết thương con của mình nhưng nào biết thương con của kẻ khác. Các anh chỉ bị hành hạ, còn tôi bị cướp đi mạng sống của mình, chết rồi còn bị nhổ lông, xẻ thịt, nấu nướng, thân thể không vẹn toàn. Loài người ỷ mạnh hiếp yếu, nào biết tôn trọng sự sống muôn loài. Các anh có cái khổ của các anh, chúng tôi cũng có cái khổ của chúng tôi, không có ai sung sướng cả.

Bày cá đang ở dưới mé nước nghe trâu nói mình sướng cũng không đồng tình:
- Còn loài cá chúng tôi cũng không sung sướng đâu. Nhà cá chúng tôi thường bị loài người đánh bắt, mỗi lần bị sát hại chết đến cả bầy đàn. Không nơi nào là nơi để chúng tôi yên tâm mà sống, đâu đâu cũng có lưới bủa câu giăng, đâu đâu cũng có bàn tay con người truy bắt.

Trâu nghe chim và cá nói thì ngao ngán thở dài não nuột:
- Hóa ra tụi mày cũng khổ. Hiểu biết của tao hạn hẹp quá nên không biết còn nhiều nỗi khổ trên đời này.

Nói như thế rồi trâu buồn bã đi vào chuồng, nó nằm mông lung suy nghĩ về thân phận của nó và bạn bè. Nó nghĩ, loài nào cũng bị con người hiếp đáp, làm hại. Cuộc đời thật bất công, loài người đối xử tệ bạc với các loài khác mà lại được sung sướng, không phải chịu sự khổ sở nào. Đang lúc đó bỗng trâu nghe tiếng quăng bát ném đĩa trong nhà vọng ra. Nó lắng tai nghe kỹ mới biết ông bà chủ đang gây gổ. Tiếng ông chủ gào lên:

- Sao tôi khổ đến thế này, không bằng con trâu con chó nữa! con trâu đi cày còn được nghỉ, còn tôi suốt tháng quanh năm phải bận bịu với nhà cửa, vợcon, cơm áo gạo tiền, làm quần quật đêm ngày không lúc nào rảnh rỗi. Tôi khổ sở như vậy là vì ai? vậy mà bà vẫn không để cho tôi yên, hễ thấy mặt là hạch sách, càm ràm, đay nghiến. Vừa phải thôi, làm quá tôi cho cả nhà ra chuồng trâu mà ở!

Nghe chủ nhà nói thế trâu bỗng giật mình, bất giác than rằng:
- Hóa ra sống ở trên đời đâu có ai không khổ!

Trong chúng ta, mỗi người có một hoàn cảnh, xuất thân, có một hoàn cảnh sống, có thể là vui, có thể là khổ, nhìn chung là như thế, song nếu xét cho kỹ thì không ai hoàn toàn hạnh phúc, chỉ khác nhau là ít, nhiều những nỗi vui, khổ mà thôi. Khổ và vui đan xen, chồng chéo nhau như một mạng lưới vô hình giăng bủa cuộc đời chúng ta, không một ai thoát cả. Người trẻ có những cái khổ của người trẻ, người già có những cái khổ của người già; người giàu có cái khổ của người giàu, người nghèo có cái khổ của người nghèo, dù trong hoàn cảnh nào cũng có những điều không như ý, cũng có những nỗi khổ thân, khổ tâm, hoặc cả thân tâm đều khổ. Có ai không lo lắng, không hối tiếc, không trông mong, hy vọng điều gì? Có ai chưa bao giờ buồn phiền, thất vọng, hay bất mãn, chán nản? Có ai hoàn toàn khỏe khoắn, thoải mái cả về thể xác lẫn tinh thần?

Chắc chắn là không có ai.

O doi biet the nao la suong! Biet du la cach song mang lai hanh phuc - Anh 2

“Tôi đã học cách tìm hạnh phúc bằng cách giới hạn các ham muốn của mình hơn là nỗ lực để thỏa mãn chúng”.

Xin mượn lời của John Stuart Mill: “Tôi đã học cách tìm hạnh phúc bằng cách giới hạn các ham muốn của mình hơn là nỗ lực để thỏa mãn chúng”. Thỏa mãn ham muốn cũng là một dạng hạnh phúc, nhưng chóng tàn và khó đạt đến, vì không phải lúc nào ta cũng đạt được những ham muốn. Hơn nữa ham muốn này đạt được, sẽ nảy sinh ham muốn khác, đó là quy luật của tâm lý, mải chạy theo ham muốn không có điểm dừng.

Khi nhận biết cuộc đời là khổ, và cái khổ tác động đến tất cả mọi người cho dù con người có ở hoàn cảnh, địa vị, hay thân phận nào đi chăng nữa; bấy giờ chúng ta sẽ không còn cảm thấy đau khổ vì cho rằng mình khổ hơn người khác; mình là kẻ bất hạnh, vô phần hơn người khác; cũng như trường hợp con trâu trong câu chuyện ngụ ngôn nói trên. Khi nhận biết cuộc đời là khổ, chúng ta sẽ bớt tham đắm và chịu huệ lụy bởi cuộc đời, biết tìm cho mình phương cách sống tích cực để có được cuộc sống an vui hạnh phúc.

Theo Phụ Nữ News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ