Hơn 15 chương trình đang tung hoành trên sóng truyền hình, con số chưa dừng lại đó khi các công ty giải trí đang ấp ủ cho hàng loạt phiên bản game show nhí khác ra đời.
Thành công vang dội của chương trình Đồ rê mí do VTV3 sản xuất, thu hút đông đảo giọng hát nhí yêu thích ca hát tham gia, hút lượng người xem “khủng” đã mở màn cho hàng loạt chương trình truyền hình thực tế thi thố, tìm kiếm tài năng dành cho trẻ em.
Đua nhau sản xuất
Công ty Cát Tiên Sa là đơn vị rất nhạy bén khi nhảy vào khai thác, sản xuất chương trình giải trí dành cho trẻ em. Từ năm 2013, đơn vị này đã mua bản quyền, đầu tư sản xuất “Giọng hát Việt nhí”. Hàng loạt những quán quân nhí như Phương Mỹ Chi, Quang Anh, “Công chúa tóc mây” Hồng Minh… có sức hút không kém những ngôi sao giải trí hạng A, được mời biểu diễn liên tục, có khả năng kiếm tiền, giúp gia đình đổi đời, tậu nhà mới… khiến các chương trình giải trí dành cho trẻ “hot” hơn.
Đơn vị tổ chức, đơn vị sản xuất kiếm lời “khủng” nhờ lượng người xem đài tăng cao, quảng cáo ồ ạt đổ vào. Chính nguồn lợi khủng khiến cho cuộc chiến sản xuất show truyền hình giải trí dành cho trẻ ngày càng cam go và khốc liệt. Trên sóng của VTV, HTV, truyền hình Cần Thơ và truyền hình Vĩnh Long… có hàng loạt chương trình với tên gọi đã mặc định hẳn thị phần dành cho thiếu nhi như: “Gương mặt thân quen nhí”; “Bước nhảy hoàn vũ nhí”; “Chung sức Kids”; “Người hùng tí hon”; “Tìm kiếm tài năng MC nhí - Young MC Talent”; “Young hit Young beat - Nhí tài năng”, “Con biết tuốt”, “Bố ơi, mình đi đâu thế?”, “Cha con hợp sức”; “Vũ điệu tuổi xanh”… mới đây là “Thần tượng âm nhạc nhí” và hàng loạt chương trình khác đang chờ lịch phát sóng. Dự báo là sẽ còn có: X Factor Kids, The Remix Kids, Vua đầu bếp nhí…
So với những dự định ban đầu, tìm kiếm, nuôi dưỡng và ươm mầm cho những tài năng trẻ thật sự, trẻ em bị biến thành mồi câu trong nhiều chương trình giải trí, nhà sản xuất sa đà vào thương mại, đi lệch chuẩn so với đường hướng được đề ra, nghiêng hẳn về giải trí, nặng về thắng thua. Để thu hút người xem, nhiều chương trình giải trí nhí được dàn dựng với tinh thần của người lớn, không ít điệu nhảy, bài hát trong “Bước nhảy hoàn vũ phiên bản nhí”, “Giọng hát Việt nhí”, “Gương mặt thân quen nhí”… xa lạ với thế giới tuổi thơ.
Nhận xét về sự bùng nổ của các chương trình giải trí dành cho thiếu nhi, nhạc sĩ Thanh Bùi cho biết: “Hàng ngày, có rất nhiều phụ huynh và em nhỏ đến trường của tôi và gửi email hỏi tôi cần phải học bao lâu để có thể đi thi The Voice Kids? Tôi trả lời thẳng đó không phải cách mà mình và các cộng sự đang làm. Chính những chương trình truyền hình thực tế đã cho các em định hướng “ảo”.Tôi rất mong giá trị của nghệ thuật được định nghĩa lại thật chính xác, bởi nếu chỉ xem nghệ thuật là yếu tố giải trí và kinh doanh thì rất sai lầm.
Đã đến lúc phải dừng lại các cuộc thi tìm kiếm tài năng để các em có thời gian học hỏi cơ bản, định hướng bản thân… Thị trường Việt Nam quá nhỏ thì tài năng không thể nào đủ để đáp ứng cho hàng loạt cuộc thi được. Việc ra đời quá nhiều chương trình truyền hình giải trí kiểu sau một thời gian ngắn từ zero trở thành hero (từ số không trở thành ngôi sao) là phản giáo dục, phản khoa học” .
Những hệ lụy
Tài năng nhí cũng chạy show là một hiện tượng không hiếm thấy trong showbiz Việt. Sau khi đăng quang và nổi tiếng, các giọng ca nhí, diễn viên nhí được khai thác triệt để. Không khó để thấy hàng tuần chị ba “Phương Mỹ Chi” xuất hiện ở rất nhiều sân khấu ca nhạc, đi lưu diễn nhiều nơi trên thế giới. Hay như Ku Tin, bé trai bốn tuổi, gương mặt đáng yêu từng tham gia “Người hùng tí hon”, “Thách thức danh hài”, giờ trở thành gương mặt quảng cáo của nhiều thương hiệu và em còn được mời tham gia đóng phim “Cao thủ ẩn danh”…
Và hiện nay, trẻ tham gia các chương trình truyền hình giải trí, truyền hình thực tế nhiều khi chưa hẳn là vì bản thân trẻ muốn, mà là sự chạy đua của nhiều bậc phụ huynh. Họ đưa con tham gia thi thố hết chương trình này đến chương trình khác, nhiều khi chỉ để thỏa mãn niềm tự hào rằng con mình tài năng. Mỗi cuộc tranh tài như vậy tốn không ít thời gian, công sức đầu tư, tập luyện tiết mục biểu diễn hằng tuần nên việc học của các em vì vậy ảnh hưởng không ít. Và thậm chí, khi đã trở thành ngôi sao, việc không được chuẩn bị tâm lý kỹ càng sẽ khiến các em không được tự do tận hưởng tuổi thơ.
Quán quân Giọng hát Việt nhí - Phương Mỹ Chi từng thổ lộ: “Em rất buồn khi nghe mọi người chê bai, miệt thị. Có lần em mặc trang phục không phù hợp, bị “ném đá” không thương tiếc. Cả đêm em không ngủ được vì khóc”. Cô bé cũng cho hay khi trở thành ca sĩ nổi tiếng nhiều khi không thể chạy chơi loanh quanh trong xóm như những bạn cùng trang lứa, và luôn được người lớn nhắc nhở phải cư xử sao cho đúng với hình ảnh của một ngôi sao.
Một giọng hát Việt nhí từng nổi lên sau khi lọt vào top 4 của một cuộc thi ca hát nhí nổi tiếng, khi về đầu quân cho một công ty giải trí, cô bé nhiều lần khóc trong hậu trường vì bị công ty bắt ép hát những bài hát người lớn, não tình mà cô cảm thấy không hợp với chính mình.
Về những hệ lụy của sự bùng nổ gameshow giải trí dành cho trẻ, Thanh Bùi chia sẻ: “Nhìn tuổi thơ và sự hồn nhiên của một đứa bé bị mất đi khi phải bước chân vào một chương trình, quả thật rất tội nghiệp và rất thiệt thòi. Nhiều em còn có hiện tượng “chạy show”, bên này chưa đậu sẽ chạy sang cuộc thi khác”.
Thực tế cho thấy các chương trình truyền hình có sự tham gia của trẻ em vẫn là những chương trình có nhiều điều rất cần thiết cho trẻ em. Đó là việc trẻ em thể hiện đúng suy nghĩ, cảm xúc, năng khiếu của chính mình trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu chương trình không thực sự cân nhắc và cẩn trọng thì vô tình trẻ con gặp rất nhiều hệ lụy...
Khi tham gia những chương trình thực tế hay thi đấu, trẻ dễ bị áp lực, căng thẳng và thậm chí mất dần cảm xúc, niềm tin nếu nhận ra những điều tiêu cực. Có trẻ mất dần đi sự ngây thơ, định hướng cuộc sống theo một kiểu mới thiếu cân bằng... Không ít trẻ cũng huyễn hoặc mình sau những cơ hội thể hiện mình với vài thành công bước đầu. Cha mẹ cần lưu ý việc chọn chương trình cho trẻ xem, cùng xem với trẻ nếu đó là chương trình trẻ thích để chia sẻ khi cần.