Khoảng 11 giờ trưa ngày 7/3, Bệnh viện quận Thủ Đức tiếp nhận bé trai 8 tuổi Nguyễn Quang H (ngụ thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) bị hội chứng xâm nhập khá điển hình như: ho sặc sụa, tím tái, bứt rứt khó chịu trong người,... do nuốt phải đồ chơi lego.
Cháu được chỉ định chụp CT ngay sau đó, trên phim CT, ghi nhận ở phế quản trái có một khối dị vật hình chữ nhật, kích thước (1x2cm). Để lấy được dị vật, bệnh nhi được chỉ định nội soi phế quản trái.
Do bé trai mới chỉ 8 tuổi nên rất khó thực hiện nội soi, vì phế quản dễ co thắt, thậm chí có thể gây suy hô hấp cấp trong quá trình nội soi. Vì vậy, cuộc hội chẩn liên khoa: Ngoại lồng ngực mạch máu và Gây mê hồi sức nhanh chóng được diễn ra ngay sau đó, để đưa ra phương án tối ưu nhất giữa việc chọn gây tê hoặc gây mê cho bé trước khi nội soi.
Sau hội chẩn và thống nhất ý kiến, ekip quyết định chọn phương án gây tê vì những ưu điểm: dây thanh âm của bé vẫn còn mở khi gây tê, trái ngược lại với gây mê, dây thanh âm sẽ khép lại, khi rút dị vật ra có thể gây tổn thương dây thanh âm.
Hơn nữa, bé còn nhỏ, nếu sử dụng thuốc gây mê, thì dễ có những tác dụng phụ không mong muốn.
Tuy nhiên, phải đến 7 giờ 30 phút tối, ca nội soi gắp dị vật ra mới được tiến hành thực hiện, do bệnh nhi vừa ăn trước đó khoảng 1 tiếng. Ekip quyết định phải chờ đủ 8 tiếng kể từ lần ăn cuối để dạ dày trống, thì khi thực hiện nội soi bệnh nhân sẽ an toàn hơn.
Dị vật nằm trong phế quản cháu bé. |
Để tinh thần bé được ổn định, bớt lo lắng, các bác sĩ đã quyết định đặc cách cho ba của bé vào cùng để trấn an do không sử dụng gây mê. Trong quá trình thực hiện, vì bị kích thích, nên bé giãy giụa liên tục khiến ca nội soi vốn đã phức tạp, nay lại càng khó khăn hơn, ekip phải kèm giữ bé để cố định. Đồng thời phải cố gắng gắp dị vật thật nhanh và chính xác để giảm thiểu khả năng gây sang chấn tối đa.
Sau 5 phút thực hiện, ca nội soi đã diễn ra thành công, dị vật được gắp ra khỏi người bé. Hiện tình trạng sức khỏe của bé đã ổn định, có thể xuất viện trong ngày tới.
“BS Nguyễn Kim Anh – Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực mạch máu, trưởng ekip, người thực hiện nội soi gắp dị vật khuyến cáo: “Đây là một trong những trường hợp dị vật đường thở hay gặp ở trẻ em, do trẻ em thường có thói quen cho các đồ vật nhỏ vào miệng. Vì vậy khi chăm sóc trẻ, nếu trẻ chưa đủ ý thức để nhận biết, thì không nên cho trẻ chơi với đồ vật nhỏ dễ nuốt, nếu không có sự giám sát của người lớn”.
“Trong mọi trường hợp khi phát hiện trẻ bị ho sặc do nuốt phải dị vật, phụ huynh nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám, nhằm kịp thời xử trí sớm tránh để lâu ngày có thể khiến trẻ bị viêm, suy hô hấp cấp dẫn đến tử vong” - BS Kim Anh khuyến cáo thêm.