Nuôi dưỡng ước mơ tới trường cho học trò dân tộc

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Với nhiều chương trình giúp đỡ học trò nghèo dân tộc, những người lính Đồn Phước Dinh (Ninh Thuận) đã trở thành điểm tựa vững chắc vùng biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phước Dinh thăm hỏi động viên gia đình em Hùng Nữ Phương Trúc.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phước Dinh thăm hỏi động viên gia đình em Hùng Nữ Phương Trúc.

Đồng hành cùng trò nghèo

Em Hùng Nữ Phương Trúc (dân tộc Chăm), nhà tại thôn Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước, Ninh Thuận) năm nay đã bước vào lớp 9. Trúc có hoàn cảnh thiệt thòi hơn bạn bè cùng trang lứa khi sớm mồ côi cha. Mẹ em để kiếm tiền nuôi 3 con thơ đã lặn lội vào Sài Gòn lao động. Tuy nhiên do trình độ học vấn thấp nên việc mưu sinh nơi đất khách quê người vất vả, thu nhập thấp. Mỗi tháng dù tằn tiện hết sức cũng chỉ có thể gửi về quê 1-2 triệu nhờ ông bà ngoại nuôi 3 chị em Trúc.

May mắn cho con đường tới trường của Trúc không bị đứt gẫy, để lao động kiếm sống bởi Đồn Biên phòng Phước Dinh (BĐBP Ninh Thuận) sau quá trình rà soát địa bàn, nắm được hoàn cảnh của em đã quyết định nhận hỗ trợ theo chương trình “Nâng bước em tới trường”. Sự đồng hành của Đồn được thực hiện từ khi Trúc học lớp 2 cho đến nay em đã vào lớp 9 và sẽ tiếp tục đến hết lớp 12.

Đại úy Nguyễn Ngọc Thịnh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Phước Dinh trao đổi: Thực hiện chủ trương của Bộ tư lệnh BĐBP và BĐBP Ninh Thuận trong việc triển khai Chương trình “Nâng bước em tới trường”, Đồn Biên phòng Phước Dinh hiện nay đang triển khai “Nâng bước em tới trường” cho 12 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Trong đó có 6 học sinh dân tộc thiểu số. Và Trúc là một trong những học sinh dân tộc có hoàn cảnh đặc biệt, đã nhận được sự hỗ trợ hàng tháng.

“Dù đây là một trong những nhiệm vụ chính trị nhưng được cán bộ, chiến sĩ triển khai với tình cảm yêu thương, trách nhiệm cao. Từ chương trình, nhiều học sinh nghèo nơi biên giới đã được “tiếp sức” trong học tập để thay đổi nhận thức, cuộc sống trong tương lai…”, đại úy Nguyễn Ngọc Thịnh chia sẻ.

Đại úy Nguyễn Ngọc Thịnh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Phước Dinh thăm và động viên Trúc học tập tốt.

Đại úy Nguyễn Ngọc Thịnh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Phước Dinh thăm và động viên Trúc học tập tốt.

Ông Châu Ten (ông ngoại Trúc) năm nay đã ngoài 70 tuổi, sức khỏe yếu, không thể lao động, phải sống nhờ sự hỗ trợ của các con xúc động và biết ơn trước sự hỗ trợ của những người lính đồn Phước Dinh. Ông cho biết: Dưới Trúc còn 2 em nhỏ đang tuổi tới trường, ông bà ngoại hết sức khó khăn để trong việc bao bọc, nuôi dưỡng các cháu. Chính vì vậy, sự giúp đỡ của Đồn vô cùng ý nghĩa để giúp Trúc không phải bỏ dở việc học tập.

Cũng theo ông Châu Ten: Không chỉ nhận được sự hỗ trợ theo chương trình “Nâng bước em tới trường”, hàng tháng cán bộ, chiến sĩ còn ghé nhà động viên, thăm hỏi tình hình học tập, định hướng nghề nghiệp cho Trúc.

Vào dịp đầu năm học, lễ tết… cán bộ chiến sĩ Đồn mua sách vở, đồ dùng học tập, quần áo đồng phục, tặng quà để em yên tâm tới trường. Mới đây, Trúc cũng là một trong số những học sinh dân tộc thiểu số được Đồn tặng xe đạp đi học.

Đại úy Nguyễn Ngọc Thịnh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Phước Dinh trao đổi: Trong những năm qua và hiện nay Đồn đang triển khai tốt các chương trình dành cho học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn (đặc biệt với học sinh dân tộc thiểu số) như “Nâng bước em tới trường”; Tặng quà học sinh nghèo; “Tay kéo biên phòng”; “Hũ gạo tình thương…”.

Huy động nguồn lực xã hội trao tặng học sinh nghèo, học sinh dân tộc vùng biên giới

Huy động nguồn lực xã hội trao tặng học sinh nghèo, học sinh dân tộc vùng biên giới

Thời gian tới Đồn sẽ tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, lan tỏa phong trào ra xã hội. Ngoài đóng góp của cán bộ, chiến sĩ sẽ đẩy mạnh vận động các mạnh thường quân, nhà tài trợ… để có được nguồn cơ sở vật chất “tiếp sức” cho người dân và học trò dân tộc vùng biên giới.

Để ước mơ tới trường không “đứt gẫy”

Trao đổi về chương trình, hoạt động cụ thể của BĐBP Ninh Thuận giúp học sinh nghèo dân tộc Raglai và Chăm trên địa bàn, đại tá Ngô Văn Lãng, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Ninh Thuận cho biết:

Thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Tư lệnh BĐBP và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phát động, từ năm học 2016-2017 đến nay, trên khu vực biên giới biển của tỉnh có 70 em học sinh hoàn cảnh khó khăn đang được các đồn, hải đội Biên phòng đỡ đầu đến hết lớp 12 với mức hỗ trợ 500.000đ/1 em/1 tháng.

Trong đó, nguồn kinh phí hỗ trợ cho 21 em là do cán bộ chiến sĩ BĐBP tỉnh đóng góp từ lương, phụ cấp và Bộ Tư lệnh BĐBP nhận hỗ trợ kinh phí đỡ đầu 49 em.

Nhiều hoạt động ý nghĩa của Đồn Biên phòng Phước Dinh hướng về học sinh.

Nhiều hoạt động ý nghĩa của Đồn Biên phòng Phước Dinh hướng về học sinh.

Bên cạnh đó, cấp ủy chỉ huy các đơn vị đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Hội khuyến học các địa phương, nhà trường và gia đình thường xuyên nắm tình hình học tập, rèn luyện của các em.

Cử cán bộ ở các đồn Biên phòng có trình độ, khả năng sư phạm hỗ trợ thêm kiến thức cho các em trong những ngày nghỉ, giờ nghỉ; bồi dưỡng, giúp đỡ các em trong rèn luyện đạo đức, lối sống, chăm sóc sức khỏe và định hướng nghề nghiệp cho các em trong tương lai.

Hiện nay, trong 70 em được đơn vị nhận đỡ đầu có 31 em là học sinh giỏi, 8 em là học sinh xuất sắc toàn diện, 28 em là học sinh khá, 3 em học sinh trung bình và tất cả đều có hạnh kiểm tốt. So với trước kia, học lực và hạnh kiểm của các em tiến bộ rõ rệt.

Thông qua Chương trình “Nâng bước em tới trường”, BĐBP tỉnh Ninh Thuận đã góp phần nuôi dưỡng ước mơ tới trường của nhiều học sinh dân tộc nghèo, hoàn cảnh khó khăn khu vực biên giới biển.

“Chương trình không chỉ có ý nghĩa, mục tiêu hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện học tập tốt hơn, mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, tình quân dân bền chặt. Đây cũng là sự tri ân của BĐBP với Nhân dân trên khu vực biên giới biển. Đã giúp đỡ đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong suốt thời gian qua…”, đại tá Ngô Văn Lãng khẳng định.

“Em được biết, các chú bộ đội Đồn Biên phòng Phước Dinh sẽ hỗ trợ hết lớp 12. Đây là điểm tựa quan trọng, ý nghĩa để em được tới trường. Với sự hỗ trợ này em quyết tâm học tập tốt, cố gắng đỗ vào Đại học. Em thực sự biết ơn các chú, trong điều kiện gia đình khó khăn nếu không có sự giúp đỡ này thì học tập của em khó có cơ hội học tiếp lên cao…”, em Hùng Nữ Phương Trúc trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...