Đồng hành cùng học trò nghèo dân tộc Raglai

GD&TĐ - Sau 3 năm được cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Vĩnh Hải (Ninh Thuận) đỡ đầu, 2 học sinh dân tộc Raglai hoàn cảnh đặc biệt đã có cuộc sống thay đổi

2 học sinh nghèo dân tộc Raglai đã nhận được sự hỗ trợ của Đồn Biên phòng Vĩnh Hải.
2 học sinh nghèo dân tộc Raglai đã nhận được sự hỗ trợ của Đồn Biên phòng Vĩnh Hải.

Mảnh đời bất hạnh

Cao Văn Hiếu và Cao Văn Tỉnh là anh em con bác, con dì trong một gia đình nghèo dân tộc Raglai tại thôn Đá Hang, xã Vĩnh Hải (Ninh Thuận). Bất hạnh ập tới khi bố và mẹ của Hiếu lần lượt qua đời vì bệnh tật. Bố của Tỉnh cũng mất do tai nạn lao động để lại con thơ, vợ yếu không nghề nghiệp.

Học lớp 5, Hiếu và Tỉnh đã mồ côi ở với bà ngoại già yếu, còn mẹ không nghề nghiệp, thu nhập. Cuộc sống của 2 em vô cùng khó khăn, hàng ngày ngoài giờ học các em tham gia lao động, lên rừng kiếm củi, cùng bà và mẹ kiếm sống qua ngày nhưng vẫn bữa no bữa đói.

Sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, dân làng cũng chỉ giúp gia đình 2 em bớt khó phần nào. Đủ ăn uống sinh hoạt hàng ngày vẫn là nỗi lo thường trực, việc học của Hiếu và Tỉnh cũng đứng trước nguy cơ phải nghỉ để cùng người lớn lao động, mưu sinh cuộc sống.

Thực hiện chủ trương của Bộ Tư lệnh – Bộ đội Biên phòng; Bộ Chỉ huy, Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Thuận theo chương trình “Con nuôi đồn Biên phòng” và “Nâng bước em tới trường”, Đồn Biên phòng Vĩnh Hải trong quá trình quản lý địa bàn đã rà soát và biết được hoàn cảnh đáng thương của gia đình Hiếu, Tỉnh.

Trên cơ sở đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn cùng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã nhận 2 cháu theo chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” từ năm 2019 nhằm mang tới cho các em cuộc sống tốt đẹp hơn, không phải nghỉ học giữa chừng; giảm đi nỗi lo gánh nặng cho gia đình trong việc nuôi nấng, chăm sóc, dạy bảo 2 em cho tới khi hết THPT.

Đến nay, bước sang năm thứ 3, Hiếu và Tỉnh trở thành “con nuôi” của cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Vĩnh Hải (Ninh Thuận). Cuộc sống, và tương lai mới đang mở ra trước mắt các em…

Trung tá Nguyễn Bá An, Chính trị viên Đồn Biên phòng Vĩnh Hải (BĐBP tỉnh Ninh Thuận) đưa 2 anh em Hiếu và Tỉnh về thăm gia đình.

Trung tá Nguyễn Bá An, Chính trị viên Đồn Biên phòng Vĩnh Hải (BĐBP tỉnh Ninh Thuận) đưa 2 anh em Hiếu và Tỉnh về thăm gia đình.

Điểm tựa nơi biên giới

Trung tá Nguyễn Bá An, Chính trị viên Đồn Biên phòng Vĩnh Hải (BĐBP tỉnh Ninh Thuận) trao đổi: Khi nhận Hiếu và Tỉnh về nuôi các cháu đã học lớp 5, nhưng thể trạng đều nhỏ thó, tính cách nhút nhát, một số kĩ năng cơ bản như tắm giặt, vệ sinh cá nhân… đều “trống”. Các em như những đứa trẻ hoang dã, hoàn toàn không có ý thức và kĩ năng bảo vệ chăm sóc cho bản thân, giao tiếp vô cùng hạn chế.

Điều đó buộc những người lính trong đơn vị phải bồi đắp, dạy bảo các em từ những điều nhỏ nhặt nhất. Và để gần và hiểu tâm tính các em, biết được cần gì… tất phải thực sự yêu thương coi 2 đứa trẻ như con em trong nhà để kiên nhẫn dạy bảo. Có những khi chỉ với việc nhỏ mà dạy tới 2-3 lần chúng vẫn không hiểu, các anh phải tìm phương pháp khác, hướng dẫn từng chút một để chúng có thể tiếp thu và tiến bộ theo ngày.

Sau 1 năm về đồn, được hưởng chế độ ăn uống như những người lính, nơi ở sạch sẽ thoáng mát, cùng lao động, tập luyện thể thao… nên thể chất của Hiếu và Tỉnh đã thay đổi tích cực. Chiều cao cân nặng tăng lên đáng kể. Và tới nay, sau gần 3 năm dưới sự chăm sóc, dạy bảo thì Hiếu và Tỉnh đã thực sự thay đổi tích cực cả thể chất lẫn trí tuệ…

Trong sự biết ơn những người cha nuôi đã mang lại cho 2 anh em cuộc sống mới, Cao Văn Hiếu chia sẻ: “Được các chú bộ đội đưa về đồn nuôi dạy gia đình và chúng cháu đều thích. Mỗi ngày chúng cháu được ăn no, ăn ngon cả 3 bữa, mỗi bữa ăn ít nhất 2 bát cơm có thức ăn đầy đủ. Không như ở nhà bữa no bữa đói, cơm chẳng đủ và ít thức ăn, chỉ có rau và thi thoảng bà mua được mấy con cá về kho mặn. Các chú bộ đội luôn quan tâm tới từng bữa ăn của 2 anh em cháu. Hàng ngày, chế độ các chú ăn gì chúng cháu được ăn đó…”.

Còn Cao Văn Tỉnh lại bẽn lẽn kể: “Ngày mới về đồn, anh em cháu thường nhớ mẹ và bà ngoại. Nhưng được các chú động viên, cuối tuần lại đưa về nhà thăm gia đình nên rất vui và nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống ở đồn. Mỗi lần về nhà bà và mẹ lại dặn 2 anh em phải ngoan, chịu khó học tập để không phụ lòng các chú…”.

Thượng úy, Hoàng Văn Viên, Đội phó Đội Vận động Quần chúng, đồn Biên phòng Vĩnh Hải người được giao phụ trách trực tiếp chăm sóc 2 anh em Tỉnh, Hiếu cũng chia sẻ: Không chỉ mang tới cho các em cuộc sống đầy đủ hơn về vật chất, cán bộ chiến sĩ của đồn còn quan tâm tới tinh thần bởi cả 2 anh em đều mồ côi cha mẹ từ nhỏ và năm nay đã bước vào lớp 8.

“Chúng cần có tình cảm ấm áp như ở gia đình, được hỗ trợ, tháo gỡ ngay những khó khăn trong cuộc sống và học tập. Do đó, quá trình nuôi nấng dạy bảo phải bám sát từng biến đổi tâm lý, hành động để kịp thời có phương pháp và uốn nắn phù hợp. Hiện nay, dù còn nhiều điều phải dạy nhưng cơ bản 2 anh em đều ngoan ngoãn, lễ độ, biết nghe lời người lớn, sức khỏe tốt, nhận thức đã tốt hơn rất nhiều. Đó là niềm vui lớn của những người lính Đồn Biên phòng Vĩnh Hải”, Thượng úy, Hoàng Văn Viên chia sẻ.

Bà Cao Thị Hè, bà ngoại của 2 cháu Hiếu, Tỉnh chia sẻ: Cuộc sống vất vả, khó khăn, quanh năm chỉ lo lắng kiếm miếng ăn cho gia đình qua ngày nên ít khi dạy bảo được 2 anh em chúng. May mắn cho gia đình được các chú bộ đội của Đồn Vĩnh Hải đón về chăm nuôi, kèm cặp, cho đi học.

3 năm trở thành “con nuôi” đồn Biên phòng Vĩnh Hải, 2 đứa ngoan lắm, chiều cao cân nặng tăng lên trông thấy; Mỗi khi về nhà, chúng biết bà già yếu, đau chân và hỏi thăm, rồi tự giác giúp đỡ rửa chén, quét nhà, xách nước, chặt củi... Gia đình thực sự biết ơn cán bộ, chiến sĩ của đồn và mong các cháu học hành thành tài để thay đổi cuộc sống của bản thân và gia đình trong tương lai; không phụ lòng các chú bộ đội đã quan tâm giúp đỡ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.