Nuôi dưỡng tình yêu biển đảo cho thế hệ trẻ

GD&TĐ - Lồng ghép các nội dung giáo dục về biển đảo, chủ quyền biên giới vào các môn học có khả năng tích hợp hoặc giảng dạy ở phần giáo dục địa phương, tổ chức chuyên đề biển đảo trong các hoạt động ngoại khóa… là cách thức mà nhiều trường học đã và đang triển khai.

Học sinh các xã ven biển huyện Thăng Bình chung tay cùng Đoàn viên Hải đoàn 21 làm sạch môi trường biển
Học sinh các xã ven biển huyện Thăng Bình chung tay cùng Đoàn viên Hải đoàn 21 làm sạch môi trường biển

Tiếng nói của những công dân nhỏ

Học sinh của 3 xã vùng biển huyện Thăng Bình (Quảng Nam) vừa có ngày hội sôi động và thú vị liên quan đến chủ đề biển đảo quê hương. 600 học sinh đến từ các Trường THCS Hoàng Diệu (xã Bình Hải), THCS Phan Đình Phùng (xã Bình Minh), Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Bình Nam) đã tham gia cuộc thi vẽ tranh về “Biển, đảo quê hương và người chiến sĩ cảnh sát biển”. Bằng sự hiểu biết và trí tưởng tượng của trẻ thơ, các "họa sĩ nhí" đã phác họa những bức tranh thể hiện tình yêu và lòng tự hào về chủ quyền biển đảo và hình ảnh người chiến sĩ cảnh sát biển canh giữ biên cương Tổ quốc.

Thông qua 4 phần thi: Ra khơi, Vượt sóng, Cập bến và Đặt mốc chủ quyền, Hải đoàn 21 – Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đã giúp những học sinh vùng biển bãi ngang của huyện Thăng Bình hiểu sâu hơn Pháp luật về biển, đặc thù của cảnh sát biển, tác hại ma túy của ma túy, cách phòng và chống ma túy, bạo lực học đường, lịch sử địa phương.

Giao lưu văn nghệ giữa Hải đoàn 21 với giáo viên, học sinh 3 xã vùng biển bãi ngang của huyện Thăng Bình.

Giao lưu văn nghệ giữa Hải đoàn 21 với giáo viên, học sinh 3 xã vùng biển bãi ngang của huyện Thăng Bình.

Trước đó, năm 2021, học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo (huyện Núi Thành, Quảng Nam) đã rất hào hứng khi tham gia cuộc thi "Em yêu biển đảo quê hương". Ngoài nội dung tự luận và trắc nghiệm, các em còn có cơ hội thể hiện sự sáng tạo với phần thi làm video về biển đảo theo từng đơn vị lớp học. Đã có những lời bình rất giản dị nhưng chứa chan tình cảm, niềm tự hào của các em đối với nghề đi biển truyền thống của gia đình, quê hương. Nhờ cuộc thi, các em mới biết được các chú cảnh sát biển ngoài nhiệm vụ bảo vệ biển đảo của đất nước, còn là người cứu giúp bà con ngư dân khi bị nạn.

Cô Hoàng Thị Việt Hường – Hiệu trưởng Trường THCS Hoài Hải (thị xã Hoài Nhơn) chia sẻ: Cuộc thi "Em yêu biển đảo quê hương" đã giúp cho học sinh, cán bộ và giáo viên cũng như người dân hiểu thêm về nhiệm vụ, sự hy sinh thầm lặng của những người lính biển. Từ đó yêu thêm biển đảo quê hương và ý thức được trách nhiệm của mình trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Đổi mới phương thức tuyên truyền về chủ quyền biển đảo

Giáo dục chủ quyền biển đảo là một nội dung quan trọng đã được ngành GD&ĐT các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Khánh Hòa đưa vào chương trình chính khóa ở trường phổ thông. Cùng với việc giảng dạy tài liệu lịch sử địa phương ở cấp THCS và THPT, những kiến thức giáo dục chủ quyền biển đảo còn được lồng ghép, tích hợp trong các môn học. Bên cạnh đó, các trường học ngày càng chú trọng hơn việc đổi mới hình thức tổ chức ngoại khóa về chủ đề này.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Hiến (Đà Nẵng) tìm hiểu các hiện vật trưng bày tại Nhà trưng bày Hoàng Sa.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Hiến (Đà Nẵng) tìm hiểu các hiện vật trưng bày tại Nhà trưng bày Hoàng Sa.

Với sự ra đời của Nhà trưng bày Hoàng Sa, các trường học ở Đà Nẵng có thêm một phương tiện trực quan sinh động bổ trợ cho giáo trình về Hoàng Sa, bởi trăm nghe không bằng một thấy. Nguyễn Thảo Nhi (HS lớp 11, Trường THPT Hoàng Hoa Thám) cho biết: “Học lịch sử địa phương giúp cho chúng em nắm được toàn bộ quá trình liên tục xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam, trong đó có những đóng góp của người Đà Nẵng đối với quần đảo Hoàng Sa. Các kiến thức đó được củng cố và khắc sâu hơn khi được tiếp cận các tư liệu, hiện vật tại Nhà trưng bày Hoàng Sa với những bằng chứng pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa”.

Phụ huynh Trường THCS Quang Trung (Ninh Hòa, Khánh Hòa) cùng tham gia chương trình Đố vui liên quan đến hiểu biết về biển đảo trong chương trình ngoại khóa Biển đảo quê hương.

Phụ huynh Trường THCS Quang Trung (Ninh Hòa, Khánh Hòa) cùng tham gia chương trình Đố vui liên quan đến hiểu biết về biển đảo trong chương trình ngoại khóa Biển đảo quê hương.

Gần như các trường học ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đều tổ chức hoạt động ngoại khóa tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma – một địa chỉ đỏ về giáo dục chủ quyền biển đảo đối với thế hệ trẻ. Thầy Nguyễn Văn Thương – Hiệu trưởng trường THCS Quang Trung (huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa) chia sẻ: “Ngoài chuyển tải những thông tin liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa trong các giờ học chính khóa, nhà trường còn tổ chức một số hoạt động ngoại khóa có sự tham gia của cả phụ huynh.

Phụ huynh cũng là đối tượng truyền thông mà nhà trường muốn mở rộng trong tuyên truyền về chủ quyền biển đảo. So với một số địa phương khác, Khánh Hòa có thuận lợi trong tổ chức các hoạt động ngoại khóa liên quan đến tuyên truyền về chủ quyền biển đảo. Vì vậy, chúng tôi tận dụng mọi điều kiện để có thể mở rộng các tiết học tại Tượng đài tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma,Viện Hải dương học, kết nối với các đơn vị hải quân… để HS có những trải nghiệm thực tế”.

Từ nhận thức biến thành hành động, học sinh các trường học đã tham gia nhiều chiến dịch như làm sạch bãi biển, thu gom rác thải ven biển. Các phong trào như Góp đá xây Trường Sa, Hành trình Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương… đã thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...