Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Nội dung giáo dục về Biển Đông nói chung và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng được đề cập ở nhiều bài học trong sách giáo khoa hiện hành. Môn Lịch sử và Địa lý lớp 4, học sinh được học sơ lược về vùng biển, đảo và quần đảo của nước ta, kể tên được một số hoạt động khai thác nguồn lợi chính của biển, đảo; có kỹ năng nhận biết được vị trí của Biển Đông, các vịnh (vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan), quần đảo (Trường Sa, Hoàng Sa), đảo lớn (Cái Bầu, Cát Bà, Côn Đảo, Phú Quốc) của Việt Nam trên bản đồ, lược đồ.
Trong môn Địa lý lớp 9, học sinh được học nội dung phát triển tổng hợp kinh tế và bảo vệ tài nguyên môi trường biển, đảo; trong đó có tên và vị trí các quần đảo (Trường Sa, Hoàng Sa) và đảo lớn (Cát Bà, Cái Bầu, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quý, Phú Quốc, Thổ Chu); phân tích được ý nghĩa kinh tế của biển, đảo đối với việc phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng; trình bày được các hoạt động khai thác tài nguyên trên biển, đảo và phát triển tổng hợp kinh tế biển.
Trong nội dung lịch sử địa phương: Hầu hết các tỉnh ven biển (28 tỉnh) đã biên soạn được nội dung về vị trí địa lý, lịch sử, phát triển kinh tế. Các tiềm năng, hiện trạng phát triển kinh tế vùng biển đảo và cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của tỉnh, như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu... Nội dung đề cập đến quá trình hình thành và phát triển của tỉnh, lịch sử đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới, hải đảo. Các địa phương đã tiến hành tập huấn và giảng dạy những tài liệu này.
Các hoạt động ngoại khóa: Cơ sở giáo dục đã kết hợp với các hoạt động ngoại khóa để giáo dục chủ quyền biển đảo, giáo dục lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương của mình, như ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung về chủ quyền biển, đảo (trong đó có Biển Đông nói chung và 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng) được đưa vào dạy học toàn diện, đầy đủ trong chương trình môn Lịch sử và Địa lý từ cấp tiểu học, THCS, THPT.