Từ lúc lọt lòng đã mắc chứng bại não, chân tay co quắp, chưa bước đi một bước, cũng chưa bao giờ nói được một từ, nhưng những câu văn của Hùng luôn đẹp và đầy tình cảm. Nhờ có mẹ dạy chữ, nhờ có mẹ từng bước đưa ra thế giới bên ngoài, chàng trai ấy đã sống lạc quan và truyền được năng lượng tích cực đến nhiều người. Cũng nhờ có mẹ khích lệ mà Hùng tự học đàn, tự sáng tác nhạc và trở thành nhạc sĩ Thiên Ngôn.
Nụ cười vô ưu, rạng rỡ của chàng nhạc sĩ bại não. |
Đong đầy tình mẹ
Vũ Quốc Hùng (Văn Phú, Q.Hà Đông, TP.Hà Nội) 25 tuổi, là 25 năm bà Tạ Thị Mùi - mẹ anh - chăm lo cho con từng miếng ăn, giấc ngủ, vệ sinh cá nhân.
Lọt lòng mẹ, Hùng đẹp đẽ, lành lặn như bao thiên thần trên đời. Khi Hùng 5-6 tháng tuổi, không thấy con lẫy, cũng chẳng thấy con bò, vợ chồng bà đưa con đi khám và nhận cú sốc: đứa con trai đầu lòng bé bỏng bị bại não thể co cứng. Vợ chồng bà Mùi chỉ biết đau xót nhìn con.
Rồi Hùng cũng biết ngồi, cũng cố gắng dịch chuyển trong gian nhà nhỏ nhưng mỗi chuyển động của Hùng đều khó khăn, khổ nhọc hơn những đứa trẻ khác gấp ngàn lần. Nhìn con cắn răng, bặm môi nhích từng xen-ti-mét, thi thoảng lại đổ kềnh, bà Mùi bao lần chực nhào lên đỡ, nhưng rồi lại gạt nước mắt, nén lòng để con rèn được chút tự lập nhỏ nhoi trong khả năng của nó.
Hùng lớn lên, trí tuệ hoàn toàn bình thường, bố mẹ nói gì đều hiểu, song bàn tay, đôi chân co quắp khiến cậu không thể cầm bút, cũng chẳng thể kẹp phấn viết bằng chân như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký.
Việc cho con đến lớp, đến trường là không thể, bà Mùi bỏ nghề kế toán để dốc toàn thời gian, sức lực ở bên con. Ngày nào bà cũng ôm con trên xích lô đến Bệnh viện Nhi Trung ương để con được tham gia lớp phục hồi chức năng, rồi nghe ai mách ở đâu có thầy lang hay, bác sĩ giỏi là vợ chồng bà lại đưa con đi với hy vọng mong manh rằng, con sẽ có ngày đứng lên mà bước.
Thế nhưng càng hy vọng bao nhiêu, vợ chồng bà càng nhận lại những điều cay đắng bấy nhiêu: Hùng vẫn co quắp tay chân, vẫn không nói được, không đi, không đứng dậy được.
Hùng không nói được nhưng nụ cười vô ưu và rạng rỡ vô cùng. Nhìn anh khó nhọc dùng ngón chân “chấm” từng chữ trên màn hình điện thoại “mẹ là người dạy tôi biết chữ”, tôi đã há hốc không thể hình dung bà Mùi đã dạy cách nào để anh có thể viết thành thạo câu chữ, trong khi hoàn toàn không nói được.
31 tuổi mới được ẵm đứa con đầu lòng, những ngày nuôi con là những ngày đầy nước mắt. Bà Mùi nghẹn giọng bảo, đàn bà có quyền yếu đuối, nhưng người mẹ thì không. Là mẹ của đứa trẻ khiếm khuyết hình hài, bà càng không cho phép mình yếu đuối.
Biết bao thứ phải lo, phải làm cho Hùng từng ly, từng tí suốt ngày này sang tháng khác, bà còn không có thời gian để nhớ việc mình đã dạy Hùng học chữ theo cách nào, bà chỉ biết đó là phép mầu, là cánh cửa còn he hé của số phận.
Khơi lên những háo hức nơi đáy mắt con
Với hy vọng tìm cho con một lối nhỏ để lạc quan sống giữa đời, vợ chồng bà Mùi kể cho con nghe câu chuyện về cuộc đời cố “hiệp sĩ” công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng, người khuyết tật nổi tiếng về nghị lực sống và làm việc.
Rồi Hùng cũng theo học tin học, nhưng phải đến khi nhìn Hùng ngồi chăm chú xem hai em gái học đàn, bà Mùi mới lần đầu tiên thấy được niềm vui háo hức nơi đáy mắt con trai. Bà khẽ hỏi: “con có thích không?”. Hùng gật đầu, đôi mắt sáng rực. Bà Mùi bảo, bấy giờ thấy con vui nên đáp ứng chứ chưa bao giờ gia đình dám hy vọng con sẽ làm được điều gì đó với cây đàn, âm nhạc.
Ngày đầu tiên học đàn cùng hai em, cả Hùng và cô giáo đều vô cùng vất vả. Hùng phải ngồi ngang, bàn tay bên này với qua sườn bên kia để chạm được vào phím. Hùng còn phải dùng đôi chân để kìm cánh tay cho bớt rung mới có thể điều khiển các ngón tay di chuyển trên phím đàn.
Mỗi lần tập xong, cả người Hùng ướt đẫm mồ hôi, chân tay căng cứng. Cô giáo và bố mẹ nhìn Hùng đánh vật với cây đàn, ai cũng nghĩ đứa trẻ chín tuổi ấy sẽ sớm bỏ cuộc. Nhưng kỳ lạ, Hùng ngày càng quyết tâm - điều mà vợ chồng bà Mùi chưa từng thấy bao giờ. Từ khi học nhạc, Hùng luôn nghĩ là phải làm được điều gì đó cho bố mẹ vui lòng.
Vợ chồng bà Mùi đã nhìn thấy và khơi lên được niềm vui, nỗ lực của con. Không chỉ khổ luyện với những ngón đàn, Hùng còn tập sáng tác bằng chính chiếc máy tính mà bố mẹ đã đầu tư để anh học viết phần mềm. Những ngày đầu, ca từ của chàng trai với vốn sống ít ỏi nhiều khi khiến hai cô em gái bụm miệng cười.
Dần dần, những ngô nghê ban đầu vơi đi, thay vào đó là những bài hát ngọt ngào, da diết được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt như: Đừng bắt em phải quên, Em muốn quên (Miu Lê); Dù không là định mệnh (Minh Vương M4U); Hạnh phúc của anh (Tăng Nhật Tuệ); Người đứng sau em, Anh vẫn quen có em (Hồng Dương M4U); Nụ cười hạnh phúc (Vũ Duy Khánh)…
Đặc biệt gần đây, những sáng tác của Thiên Ngôn (nghệ danh của Hùng) đã có bước chuyển từ tình yêu đôi lứa sang tình mẫu tử thiêng liêng (Giờ con mới biết, Đã bao giờ mẹ được ngủ ngon chưa?). Ngón chân vẫn chậm chạp “chấm” vào màn hình điện thoại, Hùng “nói”: “Mẹ dạy tôi phải sống có ích, hết mình và chân thành”.
Đã bao giờ mẹ được ngủ ngon chưa?
“Con nhà người ta trưởng thành, giàu có, phụng dưỡng mẹ cha, bôn ba tứ phương rồi trở về nhổ ngọn tóc sâu, nắn đôi chân trần của mẹ. Con thì không!”.
“Con bây giờ rất đam mê sáng tác, nuôi một hạt mầm hy vọng để gieo vào nốt trầm nốt bổng, bán dăm ba tình khúc góp mấy đồng. Bao năm nay, nỗ lực của con có thấm gì với những dãi dầu và can trường của mẹ. Mẹ à, nếu được sống thêm một lần nữa, mẹ có muốn làm mẹ của con không?”.
“Ánh nắng chưa rạng ngời mẹ dậy và lo cho con miệng cười. Những bữa con ngọt lành đầy tình mẹ bao la con đã dành. Mẹ ơi đã bao giờ mẹ được ngủ tròn giấc say”.
(trích bài hát Đã bao giờ mẹ được ngủ ngon chưa? - Vũ Quốc Hùng)
Không thể chữa trị lành bệnh cho con là day dứt, là nỗi đau của người làm mẹ. Nhưng bây giờ Hùng làm được nhiều điều, nhiều hơn cả những gì gia đình mong đợi. Và ý nghĩa hơn, Hùng đã trở thành người có ích cho xã hội. Nhìn con trai đĩnh đạc xuất hiện trên sân khấu với tư cách là nhạc sĩ Thiên Ngôn, có những khán giả ái mộ cả tài năng và tâm hồn, nước mắt bà Mùi đã rơi trên nụ cười hạnh phúc.