Nuôi cá tôm trước áp lực nguyên liệu đắt đỏ

Nuôi cá tôm trước áp lực nguyên liệu đắt đỏ

(GD&TĐ) - Những tháng đầu năm 2011, chi phí đầu vào nghề nuôi thủy sản tăng mạnh khiến bà con nông dân gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn đầu tư. Tuy nhiên, giá cả hầu hết các loại tôm cá đều tăng mạnh, người nuôi vẫn có lợi nhuận cao, do đó những hộ nuôi có điều kiện về kinh tế đều mong muốn nhanh chóng vào vụ nuôi mới. Thế nhưng một số nông dân nuôi tôm cá cho biết: “Thấy giá cao thì ham nhưng nuôi rồi lúc nào cũng lo lắng”.

Các yếu tố đầu vào đua nhau tăng giá

Giữa tháng 3/2011, các công ty sản xuất thức ăn thủy sản như: CP, Việt Thắng, Cargill, UP, ... đều đồng loạt tăng giá thức ăn từ 150-300 đồng/kg. Theo ông Trần Vũ Trường Lâm - quản lý khu vực Tiền Giang, Bến Tre Công ty cổ phần Thủy sản Việt Thắng (Đồng Tháp), hiện nay, thức ăn cá tra Việt Thắng loại 260N có giá 10.610 đồng/kg. Lần tăng giá thức ăn gần đây nhất của công ty là vào ngày 04/4 với mức tăng 300 đồng/kg. Từ đầu năm 2011 đến nay, công ty đã tăng giá thức ăn 7 lần với mức tăng khoảng 150-300 đồng/kg tuỳ đợt và loại thức ăn.

Ông Nguyễn Quang Hữu - một thương lái chuyên cung cấp tôm giống cho các hộ nuôi ở huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang), cho biết: “Giá tôm sú giống sản xuất trong tỉnh Tiền Giang có giá 50-55 đồng/con, tôm giống nhập từ tỉnh ngoài và có qua kiểm dịch có giá 60-65 đồng/con. Còn tôm sú của các công ty cung ứng giống lớn như: CP, UP, … có giá 80-85 đồng/con. Trung bình mỗi con tôm giống tăng khoảng 10-30 đồng/con so với cùng thời điểm năm ngoái”.

Theo kết quả khảo sát tại các cơ sở kinh doanh cá tra giống ở Tiền Giang, cá tra giống cỡ từ 1,2-1,5 cm có giá từ 1.000-1.500 đồng/con, cá cỡ từ 1,5-2,0 cm có giá từ 1.500-2.000 đồng con. Trong khi cũng vào cuối tháng 3 năm ngoái, mỗi cỡ giống rẻ hơn từ 500-800 đồng/con.

Chưa hết, giá xăng dầu, điện lại tiếp tục được điều chỉnh theo hướng tăng làm cho nông dân nuôi tôm cá ngày càng oằn vai chi phí.

Giá tôm cá cao kỷ lục - người nuôi vui mừng pha lẫn lo âu
Giá tôm cá cao kỷ lục - người nuôi vui mừng pha lẫn lo âu

Tận dụng triệt để diện tích

Theo chiết tính kinh tế của các chuyên gia ngành nông nghiệp, với giá thức ăn hiện nay cộng với các chi phí khác như: con giống, nhân công, hoá chất xử lý môi trường, … đã làm cho giá thành sản xuất cá tra tăng lên 22.000 đồng/kg. Tại Tiền Giang, giá bán cá tra trên thị trường khoảng 27.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí người nuôi còn lời 5.000 đồng/kg. Mỗi hecta mặt nước nuôi cá tra cho sản lượng 250-300 tấn, người nuôi thu lợi nhuận 1,2-1,5 tỷ đồng.

Đối với tôm sú, chi phí đầu vào hiện nay là 105.000 đồng/kg trong thời gian nuôi 4 tháng (trung bình đạt 40 con/kg), với giá bán hiện nay khoảng 205.000 đồng/kg. Như vậy sau khi trừ chi phí, người nuôi còn lời khoảng 100.000 đồng/kg. Trung bình mỗi hecta mặt nước thu hoạch được 5 tấn tôm thì người nuôi có lãi từ hoạt động nuôi tôm là 500 triệu đồng/vụ (mỗi năm có thể nuôi 2 vụ).

Còn tôm thẻ chân trắng (loại 100con/kg) hiện có giá 93.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu vào khoảng 50.000 đồng/kg thì người nuôi còn lời được 43.000 đồng/kg. Mỗi hecta thu hoạch trung bình 7,5 tấn thì người nuôi tôm thẻ cũng thu lợi nhuận trên 300 triệu đồng/vụ (có hộ nông dân nuôi mỗi năm 4 vụ).

Với mức lợi nhuận như trên, có thể nói là rất hấp dẫn đối với bà con nông dân. Do đó, những bà con có ao nuôi và nguồn vốn đều tranh thủ thả tôm để mong “kịp giá”. Ông Nguyễn Văn Hải – nông dân nuôi tôm ở xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông cho biết: “Tôi có 2 ao với diện tích 8.000 m2, năm ngoái tôi chỉ thả nuôi 1 ao lớn 5.000 m2, ao còn lại làm ao lắng. Tuy nhiên, năm nay một phần vì có vốn do lời vụ tôm năm ngoái, một phần vì giá tôm quá cao nên năm nay tôi quyết định dùng cả ao lắng để thả tôm”.

Theo Chi cục Thủy sản Tiền Giang, tính hết quý I/2011 diện tích thả giống tôm sú nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh trên địa bàn tỉnh là 300,4 hecta (tăng 53,8 % so với cùng kỳ năm 2010). Diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng là 269,1 hecta (tăng 98,89%).

Nông dân vẫn lo lắng

Tuy nhiên, đối với cá tra tình hình có vẻ ảm đạm hơn khi diện tích nuôi có dấu hiệu suy giảm. Hiện Tiền Giang có 127 hecta nuôi cá tra, giảm 7,5 hecta so với cùng kỳ năm 2010, trong đó: diện tích thả giống mới trong quý I/2011 chỉ có 14,2 hecta; diện tích chưa nuôi lại là 38,4ha (chiếm 30,4%).

Nguyên nhân là do các chi phí đầu vào, đặc biệt là giá thức ăn, giá cá giống tăng mạnh dẫn đến chi phí đầu tư nhảy vọt. Theo các nông dân nuôi cá tra, để đầu tư nuôi được 100 tấn cá tra cần tới 2,2 tỷ đồng (trung bình 1hecta cho sản lượng 300 tấn). Mặt khác, do dư chấn của những vụ nuôi cá thua lỗ năm 2008-2009 vẫn còn nên người dân thiếu vốn sản xuất. Do đó hiện nay ở Tiền Giang, diện tích nuôi cá tra chủ yếu là của doanh nghiệp chế biến thủy sản thuê ao của dân để chủ động nguồn nguyên liệu.

Giá thủy sản nguyên liệu tăng cao là thế, lợi nhuận như vậy nhưng người nông dân cũng không yên tâm sản xuất. Bởi chi phí tăng cao, giá cả chưa ổn định, người nông dân lúc nào cũng phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ nặng một khi giá tôm cá giảm lại. Ông Phan Huỳnh Dũng – nông dân nuôi tôm ở xã Phước Trung - huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) chia sẻ: “Chỉ có 3 đầm tôm thả hơn tháng, mà lúc nào tôi cũng có cảm giác như “ngồi trên lưng cọp”, bởi cứ vài ngày là nghe giá thức ăn tăng, thuốc, hoá chất tăng, … rồi điện, xăng dầu tăng. Hiện chi phí đầu tư cho mỗi kilôgam tôm tôm sú đã trên 100.000 đồng, trong khi cùng thời điểm này năm ngoái chỉ có 75.000 đồng/kg. Mấy năm trước giá tôm sú 40 con/kg khoảng 100.000 đồng/kg là bà con đã mừng, vì lời cũng được 20.000-30.000 đồng/kg, nếu thời gian tới giá tôm ở mức này thì người nuôi lỗ nặng”.

Hiện nay, giá tôm cá đang “xô mọi kỷ lục” nên người nuôi tôm cá vẫn thu lợi cao bất chấp chi phí đầu vào liên tục tăng. Tuy nhiên trong dài hạn, giá tôm cá có thể giảm do cân đối cung cầu thị trường. Do đó, để nuôi tôm cá có hiệu quả và bền vững, bà con phải chú ý chất lượng tôm giống, làm tốt công tác cải tạo ao nuôi, nuôi thưa theo quy trình sinh học, không sử dụng hoá chất, kháng sinh. Bên cạnh đó, bà con cũng cần phải trang bị kiến thức khoa học, kỹ thuật để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.

Quan trọng nhất, để hỗ trợ bà con nông dân, đề nghị nhà nước đặc biệt quan tâm bình ổn giá cả thị trường, kiểm soát chất lượng con giống giúp người nuôi hạ giá thành sản xuất. Song song đó, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn sản xuất cho nông dân; hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ, quảng bá hình ảnh thủy sản Việt Nam đến bạn bè thế giới.

Thành Công

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ