Nước sông ở Vĩnh Phúc lên nhanh, nhiều nơi dân không kịp di dời tài sản

GD&TĐ - Mực nước trên các sông ở Vĩnh Phúc đang ở mức báo động, nhiều khu vực bị ngập sâu, dân không kịp di dời tài sản.

Nước dâng nhanh, nhiều tài sản của người dân không kịp di dời.
Nước dâng nhanh, nhiều tài sản của người dân không kịp di dời.

Sáng 11/9, tại Vĩnh Phúc, mực nước trên sông Hồng ở mức báo động I, sông Phó Đáy ở mức báo động III. Dự kiến mực nước sông tiếp tục dâng cao do nước trên thượng nguồn đổ về.

Nước dâng cao đã ảnh hưởng đến nhiều địa phương nằm ngoài đê sông Hồng. Nhiều hoa màu, tài sản của người dân bị ảnh hưởng.

Tại xã Cao Đại (huyện Vĩnh Tường), nước sông Hồng dâng cao khiến nhiều máy móc, trạm cân và tài sản của 1 bến cát bị ngập sâu trong nước do không kịp di dời.

Anh Phan Văn Sâm (Chủ bến Số 1 Cao Đại, thôn Đại Đình, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường) cho biết, nước sông Hồng lên rất nhanh. "Toàn bộ khu bến cát của chúng tôi đã ngập trong nước chỉ còn lại nhà điều hành, khu vực ngập sâu nhất trên 8m. Tài sản gồm 3 máy xúc, 1 trạm cân, trạm cấp dầu đã bị ngập sâu, lượng cát tích trữ đang bị nước cuốn đi rất nhiều. Tổng thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng", anh Sâm nói.

Nước sông Phó Đáy tại Vĩnh Phúc cũng lên mức báo động III vào sáng 11/9. Nhiều khu vực của các huyện Lập Thạch, Tam Dương, Vĩnh Tường bị ảnh hưởng.

Tại xã Việt Xuân (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), khoảng 40 hộ dân của xã Việt Xuân phải di dời khẩn cấp. Từ đầu giờ sáng nay, người dân đã vận chuyển đồ đạc, tài sản thiết yếu đến nơi an toàn. Một số người dân được đưa đến tránh lũ ở nhà văn hóa của thôn.

Lực lượng chức năng cũng ra thông báo cấm lưu thông trên cầu Phú Hậu nối Vĩnh Tường với Lập Thạch cho tới khi có thông báo mới.

Từ trưa 10/9, lũ sông Phó Đáy cũng khiến 4 thôn của xã Sơn Đông (Lập Thạch) bị cô lập. Hơn 100 hộ trong xã phải di dời lên vị trí cao hơn. Học sinh các trường của xã phải nghỉ học.

Tại địa phương còn xảy ra vụ lật thuyền khiến 1 người chết, 1 người mất tích. Nhà cửa ngập sâu và nhiều tài sản chưa kịp di dời có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng sau khi lũ rút.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ