Nước Pháp bắt đầu vòng một cuộc bầu cử tổng thống 2017

Trưa 23-4 (giờ Hà Nội), hơn 45 triệu cử tri đủ điều kiện của Pháp bắt đầu đi bỏ phiếu trong vòng một cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ 2017-2022. 

Nước Pháp bắt đầu vòng một cuộc bầu cử tổng thống 2017

Cuộc bầu cử khó đoán nhất trong nhiều thập niên qua, không chỉ được xem là quan trọng đối với tương lai châu Âu, mà còn là phép thử đối với làn sóng chủ nghĩa dân túy trên toàn thế giới.

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh an ninh được siết chặt, toàn bộ lực lượng an ninh Pháp đã được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ sau những vụ tấn công khủng bố mới đây.

Thủ tướng Pháp Béc-na Ca-dơ-nơ-vơ (Bernard Cazeneuve) ngày 21-4 tuyên bố, đã huy động toàn bộ lực lượng an ninh, bao gồm cả các đơn vị tinh nhuệ để hỗ trợ lực lượng cảnh sát.

Trước đó, Bộ Nội vụ Pháp cũng đã thông báo, ngoài lực lượng chống khủng bố Sentinelle lên đến 10.000 người, hơn 50.000 cảnh sát và hiến binh sẽ được huy động để bảo đảm an ninh tại 67.000 điểm bỏ phiếu trên toàn nước Pháp.

Có tổng cộng 11 ứng cử viên tham gia tranh cử năm nay, trong đó có 4 ứng cử viên đang bám đuổi sít sao trong tốp đầu, khiến cho cuộc bầu cử năm nay được đánh giá là khó đoán định nhất từ trước tới nay.

Bên cạnh vấn đề kinh tế, bảo đảm việc làm, thì an ninh và quan điểm về các vấn đề chung của châu Âu được cho là các chủ đề sẽ tác động tới lá phiếu của cử tri, nhất là sau vụ tấn công nhằm vào cảnh sát ở ngay trung tâm thủ đô Pa-ri ba ngày trước và xu hướng "hoài nghi châu Âu" gia tăng.

Theo kết quả thăm dò dư luận ngay trước thềm bỏ phiếu, ứng cử viên độc lập Ê-ma-nu-en Ma-crông (Emmanuel Macron), 39 tuổi, đang dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ 23%. Tiếp theo là Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Ma-rin Lơ Pen (Marine Le Pen), với 22%.

Cựu Thủ tướng Phrăng-xoa Phi-ông (François Fillon) và nhà lãnh đạo của phong trào cực tả “Nước Pháp bất khuất” Giăng Luých Mê-lăng-sông (Jean Luc Melenchon) đều nhận được 19% số phiếu ủng hộ.

Nuoc Phap bat dau vong mot cuoc bau cu tong thong 2017 - Anh 1

Cử tri Pháp tại thành phố Strasbourg đi bỏ phiếu vào ngày 23-4. Ảnh: AFP

Giới phân tích dự đoán, nhiều khả năng ông Ma-crông và bà Lơ Pen sẽ “nắm tay nhau” bước vào vòng hai cuộc bỏ phiếu, dự kiến tổ chức vào ngày 7-5 tới.

Tuy nhiên, bất ngờ vẫn có thể xảy ra. Có tổng số 47,5 triệu cử tri Pháp đăng ký trong danh sách bầu cử. Kết quả các cuộc khảo sát trong những ngày qua cho thấy, tỷ lệ đi bầu sẽ không cao. Khoảng 72% cử tri tuyên bố sẽ đi bỏ phiếu.

Khoảng 28% cử tri không đi bầu do chán ngán trước tình hình kinh tế bất ổn, an ninh bị đe dọa, cũng như hàng loạt bê bối chính trị dính đến các ứng cử viên tổng thống.

Nhưng vụ nổ súng tối 20-4 tại Đại lộ Champs-Elyseés và vụ bắt giữ hai ngày trước đó hai đối tượng đang âm mưu thực hiện các vụ tấn công khủng bố ở thành phố Mác-xây có thể sẽ là yếu tố khuyến khích người dân đi bỏ phiếu, nhằm chọn ra ứng cử viên có khả năng hành động kiên quyết và hiệu quả để bảo vệ người dân trước nguy cơ khủng bố.

Đây có thể là nhân tố tạo bước ngoặt tác động tới kết quả cuộc bầu cử tổng thống vòng một. Các khảo sát trong ngày 22-4, khi những cuộc bỏ phiếu sớm được tiến hành ở các vùng lãnh thổ hải ngoại cũng như cho những kiều dân Pháp sinh sống tại Mỹ, Ca-na-đa và một số nước, cho thấy cử tri Pháp tích cực tham gia bầu cử do lo ngại kịch bản bất ngờ như cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ hoặc Brexit ở Anh có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, khoảng 25-30% cử tri cũng cho biết chưa quyết định bỏ phiếu cho ai. Nhiều người Pháp khẳng định, không có gương mặt nào thực sự nổi bật để họ có thể trao gửi niềm tin. Theo giới chuyên gia, quyết định bỏ phiếu của những cử tri còn do dự cũng có thể làm thay đổi kết quả các cuộc thăm dò trước đó.

Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp cũng được dư luận quốc tế, đặc biệt là tại châu Âu, quan tâm và theo dõi sát sao. Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) lo ngại khả năng ứng cử viên cực hữu Lơ Pen thắng cử có thể kéo theo kịch bản "Frexit" (tương tự kịch bản Brexit ở Anh), và như vậy nguy cơ EU tan rã là khó tránh khỏi. Nhiều nhà phân tích cho rằng, cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở Pháp sẽ là một phép thử quan trọng đối với làn sóng chống châu Âu và có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng chính trị trong phạm vi EU.

Theo giáo sư Ê.Nô-ve-li (Edoardo Novelli), nhà xã hội học và chính trị học thuộc Đại học Rô-ma (I-ta-li-a), tác động của kết quả cuộc bầu cử có thể vượt ra ngoài biên giới Pháp.

Chuyên gia này nhấn mạnh: "Cuộc bầu cử của Pháp có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng chính trị tại những nước châu Âu khác, trong đó có I-ta-li-a".

Ngoài ra, nếu bà Lơ Pen hoặc ông Mê-lăng-sông lọt được vào vòng hai, đây sẽ được xem là chiến thắng cho làn sóng dân túy đang lên, từng được thể hiện qua chiến thắng của ông Đ.Trăm (Donald Trump) ở Mỹ và xu hướng Brexit.

Kể từ 19 giờ (giờ địa phương) ngày 23-4, công tác kiểm phiếu sẽ được bắt đầu. Theo luật định của Pháp, để đắc cử ở ngay vòng một, ứng cử viên phải giành đủ số phiếu quá bán. Vào đến vòng hai, ứng cử viên nào có số phiếu cao hơn sẽ giành chiến thắng.

Theo QĐND

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ