Ngày trở về
Ngày 30/4/1975 diễn ra thật dài với Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Tàu (tức Tư Cang, Trần Văn Quang, 96 tuổi), nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316 - Lữ đoàn đặc công biệt động.
Đà tiến công của năm cánh quân vào Sài Gòn rầm rập như lũ cuốn. Trước đó, Lữ đoàn 316 của ông nhận nhiệm vụ trấn giữ được cầu Rạch Chiếc, cầu Rạch Bà, đã rải khắp các cửa ngõ sẵn sàng mở đường, dẫn đường, đón các cánh quân.
Đại tá Nguyễn Văn Tàu nhớ lại, thuở nhỏ, ông đến trường học chữ Pháp, phải chào cờ Pháp. Ông nói, đó là sự tủi hổ của người dân ở đất nước không có độc lập, tự do. Nhà tình báo nhắc lại những mốc sự kiện quan trọng của đất nước, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập”, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam (ngày 2/9/1945); ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975) và ngày nay, Việt Nam trên đường phát triển. “Trước đây người ta không biết nước mình là ai hết, bây giờ tất cả đều biết và dành cho nước ta một sự tôn trọng. Đất nước mình bây giờ độc lập, chủ quyền, đàng hoàng hội nhập với thế giới. Đó chính là giá trị mà hòa bình, thống nhất mang lại”, ông nói.
Rạng sáng 27/4, tại cầu Rạch Chiếc, một trận đánh ác liệt diễn ra giữa 200 chiến sĩ thuộc các đơn vị của lữ đoàn (Z22, Z23, D81) và 2.000 quân đối phương, được trang bị vũ khí mạnh. Cuối cùng, quân ta thắng lợi, chiếm giữ và bảo vệ an toàn cây cầu huyết mạch để mở thông cánh cửa phía Đông thành phố, đón đại quân tiến vào Dinh Độc Lập.
Trưa 30/4/1975, Tổng thống cuối cùng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh chấp nhận đầu hàng vô điều kiện, lập tức lên đài phát thanh Sài Gòn đọc tuyên bố chính thức.
Ông Tư Cang và những đồng đội đã ôm chặt lấy nhau trào nước mắt, mừng giây phút hòa bình. Cờ giải phóng bay phất phới mọi nơi, khắp các ngả đường ở Sài Gòn.
Giải phóng rồi, nhưng công việc sau đó còn bộn bề: Chiếm lĩnh các trụ sở, tổ chức việc phòng thủ, bảo vệ, tiếp quản, đóng quân... Mãi đến khuya, ông Tư Cang mới thu xếp được một giờ đồng hồ cho việc riêng trước khi tập trung về đơn vị.
Câu chuyện của đêm 30/4/1975 được ông kể lại chi tiết trong cuốn hồi ký “Nước mắt ngày gặp mặt” (1989).
Ông đi xuôi đường Hồng Thập Tự, qua cầu Thị Nghè, chợ Thị Nghè xuống khu Thạnh Mỹ, con hẻm nhỏ dẫn vào khu cư xá nhân viên Việt Nam Thương Tín.
Khu cư xá hiện ra lờ mờ những dãy nhà trệt, thấp, chìm sâu trong xóm lao động. Đêm đã khuya, lại trải qua một ngày đầy biến động, hầu hết nhà cửa tắt đèn. Qua vài căn, ông Tư Cang cho xe dừng lại. Bên trong nhà tối quá, không nhìn thấy số nhà, nhưng đủ để nhìn thấy có người còn thức. Ông hồi hộp gọi to: “Nhồng ơi! Nhồng”. Bóng hai người đàn ông cầm đèn pin bước ra, một trong hai người hỏi: “Ông tìm ai?”. “Tôi muốn kiếm con Nhồng… Hai ông có biết hai mẹ con cùng đi làm ngân hàng đó mà?”, ông Tư Cang hỏi. “À, vậy thì hai mẹ con bà Ảnh với cô Giang, ở căn nhà số 9 đằng kia. Còn cách mấy căn nhà nữa. Mà ông phải gọi là cô Giang mới đúng”, người kia đáp.
Ông mỉm cười. Ông thích gọi con bằng cái tên loài chim biết nói mà bà má vợ ông đặt cho con gái lúc bé mới chào đời. Sau khi gật đầu cảm ơn, ông lái xe đến mấy căn nữa và tiếp tục gọi: “Nhồng ơi! Nhồng”. Ngọn đèn hàng ba được bật sáng. Tiếng vặn ổ khóa lách cách. “Ở đây nè. Anh về đó hả? Em biết mà, nghe gọi tên Nhồng em biết chỉ có anh”, bà Ảnh - vợ ông mừng rỡ, giọng líu ríu, đứt quãng.
Ông Tư Cang ôm chầm lấy vợ, đặt lên trán vợ một nụ hôn. Nụ hôn sau gần 30 năm xa cách. Sau gần 30 năm chiến đấu, đêm nay hạnh phúc đã đến thực sự trong vòng tay rồi, nhưng ông cứ ngỡ như một giấc mơ.
Sau giây phút đầu tiên, bà gỡ tay ông ra, nhìn lên, đôi mắt còn đẫm lệ. Bà nói, biết thế nào ông cũng về hôm nay. Hai mẹ con bà đi tìm ông từ sáng đến giờ trong những đoàn quân đi ngang qua nhà. “Anh đi với cánh Bắc, còn em đi tìm ở cánh Đông thì làm sao mà gặp được”, ông Tư Cang nói. Hai vợ chồng nắm tay nhau vào nhà. Con gái ông đã thức giấc. Thấy ba trở về khỏe mạnh trong bộ đồ chiến sĩ giải phóng quân, cô mừng quá. Cô lay con gái 3 tuổi dậy mừng ông ngoại. “Mầy đã có chồng, có con rồi đó hả con gái cưng của ba”, ông hỏi. Dứt lời, vợ ông đáp: “Thì nó còn bé bỏng gì nữa. Anh đi nay đã 28 năm thì con cũng đã 28 tuổi rồi”. Ông Tư Cang ôm Huyền, đứa cháu ngoại 3 tuổi vào lòng mà nước mắt tuôn rơi.
Đại tá - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Tàu (tức Tư Cang, 96 tuổi), nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316 tại nhà riêng, tháng 4/2024. (Ảnh: Mạnh Tùng) |
Đi qua hai cuộc chiến
Đại tá Tư Cang sinh năm 1928 tại làng Long Phước, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ nhỏ, ông là cậu học trò giỏi, sáng dạ và thông minh. Nhà nghèo nên ông chỉ biết ráng học, thi đâu đậu đó. Rời 3 lớp trường làng, thi ra trường tỉnh đậu hạng hai, được học bổng 3 năm. Rời trường tỉnh lên Sài Gòn, ông tiếp tục thi đậu, được cấp học bổng sáu năm tại Trường Pétrus Ký (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM).
Vợ ông, bà Trần Ngọc Ảnh quê ở Phước Hải, một làng ven biển thuộc huyện Đất Đỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo lời ông kể, đám cưới được cha mẹ hai bên tổ chức vào tháng 3/1946. “Lấy nhau từ thuở đầu xanh; Anh mười tám, em mười bảy; Ôi cuộc sống yên lành đang chờ đợi”. Đó là mở đầu bài thơ “Bài thơ tặng vợ hiền” ông viết vào năm 1973, cũng là lời kể về cuộc hôn nhân của ông bà. Còn nhớ đêm sau đám cưới, có một bà dì hàng xóm đến chơi, nhìn đôi vợ chồng trẻ rồi tỏ ra ái ngại: “Không biết hai vợ chồng làm gì để sống với người ta”.
Sau khi cưới, vợ chồng bảo ban nhau làm ăn. Chẳng mấy chốc, tình yêu nảy nở, mà khi tình yêu đã đến lại rất mặn nồng, chẳng muốn rời xa nửa bước. Mấy tháng sau thì người vợ mang bầu. “Những tưởng cuộc đời cứ êm ả trôi. Nhưng quân Pháp ùn ùn kéo vào làng. Súng nổ, người chết, nhà cháy. Thật buồn đứt ruột khi phải nói lời từ biệt với người vợ trẻ thương yêu”, ông kể.
Đêm chia tay trước ngày lên chiến khu của đôi vợ chồng trẻ tĩnh mịch, không trăng. Ông dặn dò vợ sắp xếp để về với ba má dưới Phước Hải, rồi tìm cách lên Sài Gòn làm ăn kiếm sống, sinh đẻ rồi nuôi con, đợi ngày ông trở về.
Vợ, con gái và cháu ngoại lên thăm ông Tư Cang tại doanh trại Trung đoàn 316 trấn giữ biên giới Bình Long năm 1976. (Ảnh: TL) |
Ngày 4/3/1947, con gái ông chào đời. Bà Ảnh gửi thư vào chiến khu cho biết, ba má đặt tên con là Nhồng - một loài chim biết nói tiếng người. Năm 1954, quân ta thắng trận Điện Biên Phủ. Pháp thua, chấp nhận rút về nước. Theo Hiệp định Genève, quân đội ta tập kết ra miền Bắc. Ngày chuẩn bị xuống tàu rời miền Nam, có người quen đưa cho ông Tư Cang một phong thư, một chiếc áo len và tấm ảnh bé Nhồng lên 7 tuổi, trông rất dễ thương. Trong thư, vợ ông viết: “Gia đình mình bị giặc kiểm soát gắt lắm, em không tiễn anh đi được. Thôi thì đời vợ chồng mình như những năm qua. Nghe nói ngoài Bắc lạnh lắm, em đan chiếc áo này gửi anh”.
Những năm học tập xây dựng quân đội trên miền Bắc, ông Tư Cang luôn giữ kỹ trong ba lô 3 món quà quý giá ấy: Mấy dòng chữ trong thư được đọc tới đọc lui đến thuộc lòng; tấm ảnh con gái thỉnh thoảng được lấy ra khoe với đồng đội; còn cái áo len thì khi ngủ được ấp lên ngực để tìm lại hơi ấm năm xưa.
Sau 7 năm rèn luyện, tháng 5/1961, ông được thăng quân hàm Đại úy và được chọn trở về Nam trong đoàn giải phóng quân. Đánh Mỹ 14 năm tại địa bàn Củ Chi, Sài Gòn với nhiệm vụ tình báo, đặc công, nguy hiểm, ác liệt không sao kể xiết. Nhiều lúc cái chết cận kề.
Khoảng thời gian công tác ở Sài Gòn, ông trải qua nhiều vị trí, trong đó nổi bật nhất là Cụm trưởng Cụm Tình báo H.63, hoạt động cùng với nhà tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn (Hai Trung). Cụm H.63 đã được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1971.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, ông Tư Cang được giao nhiệm vụ Chính ủy Lữ đoàn 316, thành lập tháng 3/1974. Nhiệm vụ chính của đơn vị này là dẫn đường cho các đặc quân tiến vào các mục tiêu quan trọng như sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu, Dinh Độc Lập...
Trong hoạt động tình báo, họ phải chấp nhận hy sinh tình cảm gia đình. Việc gặp gỡ người thân trong giai đoạn này hết sức trắc trở, khó khăn.
Ông Tư Cang sum họp cùng vợ, con gái, cháu ngoại sau ngày 30/4/1975. (Ảnh: TL) |
Sống và viết
Sau chiến thắng 30/4/1975, Lữ đoàn 316 giảm quân số thành Trung đoàn 316, đóng quân ở biên giới Bình Long.
Đại tá Nguyễn Văn Tàu tiếp tục làm Chính ủy Trung đoàn, đến cuối năm 1980 ông nghỉ hưu. Vì tuổi cao sức yếu, vợ ông đã qua đời cách đây 4 năm (năm 2020).
Trong căn nhà nhỏ ở hẻm Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TPHCM buổi chiều tháng 4, Đại tá Nguyễn Văn Tàu lần giở những cuốn hồi ký chiến trường ông viết, nhớ về những ngày chiến đấu ác liệt cách đây hơn 50 năm. Ký ức ở từng trận đánh như ùa về, hiện ra trước mắt nhà tình báo 96 tuổi. Ông rưng rức nước mắt khi kể về sự hy sinh của những người đồng đội. Có những người mãi mãi ra đi ở tuổi đôi mươi.
Trong trận đánh ở cầu Rạch Chiếc những ngày cuối tháng 4/1975 lịch sử, 52 đồng đội của ông Tư Cang hy sinh. Nhiều người chọn cái chết một cách cao cả để bảo vệ đồng đội, bảo vệ đơn vị.
Hòa bình, ông quay lại những căn cứ cũ. Hình dáng những đồng đội cũ, có cả những người đã hy sinh thôi thúc ông phải viết - viết về đồng đội, về những ước mơ họ đã cùng nhau nuôi dưỡng, xây đắp trong sinh tử, những ước mơ về ngày thống nhất, ngày hòa bình, ngày độc lập. Ông đã có hàng loạt tác phẩm: “Nước mắt ngày gặp mặt” (1989); “Trái tim người lính” (1991); “Hoàng hôn trên chiến trường” (1994); “Tình báo kể chuyện” (2012); “Sài Gòn Mậu Thân 1968” (2021).
Đặc biệt, cuốn hồi ký “Nước mắt ngày gặp mặt” (Nhà xuất bản Văn nghệ TPHCM) được tái bản lần 7, ghi lại những gì xảy ra trong quá trình diễn biến của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đưa đến giải phóng Sài Gòn, giải phóng toàn bộ miền Nam, thống nhất đất nước.
Trở lại câu chuyện đêm 30/4/1975, ông Tư Cang được gặp lại vợ con sau 30 năm xa cách. Trong giây phút gặp mặt mừng mừng, tủi tủi đó, ông nhận ra, đằng sau niềm vui khôn xiết của người vợ là những giọt lệ ngắn dài. Ông an ủi vợ: “Sao em lại khóc? Em phải vui lên chứ”, rồi đọc hai câu thơ trong bài “Tự khuyên mình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ví không có cảnh đông tàn; Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân”. Ông mừng thầm, những ngày mùa Đông băng giá đã qua rồi, nay là mùa Xuân của hòa bình, mùa Xuân của dân tộc.
Ông chỉ có một tiếng thăm nhà, trước khi trở lại đơn vị với bộn bề công việc. Mâm cơm sum vầy được con gái ông dọn khi đứa cháu ngoại đã ngủ thiếp từ bao giờ. Đồng hồ điểm 12h khuya, nhưng với ông, giây phút đó là bình minh của ngày xuân. Ngắm đứa bé thơ ngây, ông tự nhủ: Cháu sẽ lớn lên mà không còn nghe tiếng bom đạn, chứng kiến khói lửa chiến tranh nữa.
Đề tựa cuốn sách “Nước mắt ngày gặp mặt” (1989) của ông Tư Cang, Thượng tướng Trần Văn Trà có đoạn viết: “Ở đây ta gặp hình ảnh cao thượng của người phụ nữ Việt Nam. Những bà mẹ, những người vợ tiễn con, tiễn chồng ra đi biền biệt mấy mươi năm trong cơn lốc của cuộc chiến tranh ác liệt. Ngày toàn thắng 30/4, nước mắt tuôn trào, kẻ mất người còn, buồn vui lẫn lộn, cười, khóc chen nhau. Riêng tác giả và gia đình là một trường hợp may mắn. Ra đi từ lúc là một chàng trai mới cưới vợ, sau gần 30 năm, chiến tranh kết thúc, trở về đã thành ông ngoại, tóc hai người đã điểm sương”.