TP.HCM sử dụng nước đá hàng ngày trong khi đó Hà Nội cũng đang trải qua những ngày nắng nóng cực điểm, nên nhu cầu giải khát của người dân tăng cao. Chủ một quán trà đá vỉa hè cho biết, mỗi ngày phải mua tới 10 túi đá viên (mỗi túi 5kg) và nhiều loại nước tinh khiết ướp lạnh. Tại các quán càphê, giải khát thì lượng đá viên tiêu thụ mỗi ngày cũng không hề nhỏ. Nhiều gia đình mua 1-2 túi đá viên về để sẵn trong tủ để sử dụng... Chỉ khoảng 3.000-5.000 đồng một túi đá viên tinh khiết 5kg, chai nước mang theo người đã mang lại tiện lợi lớn cho người sử dụng.
Nhiều người đã từng bị đau bụng, đi ngoài do uống phải nước đá, nước bẩn, nhưng đều không mấy quan tâm viên đá được bỏ vào cốc nước có sạch hay không. Sau khi có thông tin phát hiện nước đá viên, nước tinh khiết có nhiễm khuẩn gây bệnh tiêu chảy, không ít người lo ngại.
Tại hội thảo “An toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nước đá trên địa bàn” do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP HCM, cho biết nước đá là thực phẩm phổ biến mà hầu như ai cũng sử dụng, lại dùng ngay, không qua khâu xử lý chế biến nào khác. Tuy nhiên, chất lượng nước đá thì ở mức báo động. “Với 22 mẫu nước đá được lấy tại cơ sở sản xuất thì có 12 mẫu (54,5%) bị phát hiện nhiễm vi sinh E.coli, Coliforms, Feacal streptoccoc, Pseudomonas aeruginosa” - ông Hòa nói.
Có tới hơn 1 nửa các mẫu nước đá bị nhiểm khuẩn khi kiểm tra |
Theo các chuyên gia y tế, sử dụng nước nhiễm vi sinh (E.coli và Coliforms, Feacal streptoccoc) có thể gây bệnh về đường ruột, tiêu chảy cấp, một số có thể gây suy thận, nhiễm khuẩn huyết. Pseudomonas aeruginosa (còn gọi trực khuẩn mủ xanh) nếu xâm nhập vào phổi, thận, đường tiết niệu... sẽ gây chết người. Với các cơ sở sản xuất nước đá chưa xử lý nguồn nước còn có nguy cơ tồn dư kim loại nặng, hóa chất (thủy ngân, chì, asen, kẽm,...), nhiều loại có khả năng gây ung thư cho người dùng.
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục ATVSTP TP HCM, nước là nguyên liệu duy nhất để sản xuất nước đá nhưng nhiều nhà máy không kiểm soát được chất lượng nguồn nước. Kết quả tổng kiểm tra 193 cơ sở sản xuất nước đá trên địa bàn (tỉ lệ 100%) thì có 114 cơ sở sử dụng nước giếng khoan, trong đó có đến 64 cơ sở không thực hiện việc xét nghiệm sau xử lý nước và 13 cơ sở không xét nghiệm đầy đủ các chỉ tiêu theo quy định. Trong khi theo quy định, cơ sở phải xử lý đạt 109 chỉ tiêu (riêng chi phí thực hiện xét nghiệm này đã trên dưới 20 triệu đồng/lần) mới được đưa vào sản xuất nước đá.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 69 cơ sở sản xuất nước đá sạch có công bố sản phẩm và hơn 370 cơ sở sản xuất nước tinh khiết đóng chai được cấp phép. Ngành y tế Hà Nội cũng thừa nhận, vẫn có những cơ sở sản xuất nước đá, nước tinh khiết hoạt động chui, nhái nhãn mác của những hãng nước tinh khiết nổi tiếng, có uy tín trên thị trường... chưa được phát hiện và kiểm soát. Vì thế, ngành y tế khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên chọn mua và sử dụng nước đá viên, nước tinh khiết đóng chai của các hãng đã được cấp phép, có uy tín, có thương hiệu...