Nửa đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công ở Nghệ An chỉ đạt 26,3%

GD&TĐ - Trong 6 tháng đầu năm, giải ngân nguồn vốn đầu tư công ở Nghệ An chỉ đạt 1.536,7 tỷ đồng. Trong khi đó, 28 đơn vị ở tỉnh này chưa thực hiện giải ngân đồng nào.

Đập Bara Đô Lương thuộc dự án khôi phục nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An.
Đập Bara Đô Lương thuộc dự án khôi phục nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nghệ An, trong 6 tháng đầu năm 2022, nguồn vốn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý đã giải ngân được gần 1.536,7 tỷ đồng, đạt 26,36% kế hoạch.

Trong đó, ngân sách địa phương giải ngân hơn 223 tỷ đồng (đạt 14,35%); ngân sách Trung ương giải ngân hơn 1.313 tỷ đồng (đạt 30,74%).

Điều đáng nói, mặc dù đã nửa năm trôi qua nhưng có tới 28 cơ quan, đơn vị ở Nghệ An vẫn chưa thực hiện giải ngân đồng nào.

Trong đó, các đơn vị có kế hoạch vốn từ 15 tỷ trở lên chưa thực hiện giải ngân gồm: huyện Đô Lương, Sở Y tế, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Đài Phát thanh và Truyền hình, Sở Thông tin và Truyền thông.

Tại Nghệ An, ngoài các đơn vị chưa giải ngân đồng nào thì có 26 cơ quan, đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp dưới mức bình quân (dưới 26%).

Cụ thể: huyện Nghĩa Đàn (24%), Yên Thành (20,6%), thị xã Hoàng Mai (19,45%), Con Cuông (16,87%), Quỳnh Lưu (16,69%), Quỳ Hợp (14,49%), thành phố Vinh (14,03%), Tương Dương (12,73%), Hưng Nguyên (10,35%), Thanh Chương (8,6%), Nam Đàn (6,67%), Thị xã Cửa Lò (6,67%), Quỳ Châu (4,6%), Diễn Châu (4,31%), thị xã Thái Hòa (3,1%), Anh Sơn (2,29%).

Liên quan đến vấn đề này, Sở KH&ĐT Nghệ An đã đề nghị các đơn vị đẩy nhanh tiến độ các thủ tục chưa hoàn thành (điều chỉnh dự án, phê duyệt thiết kế - dự toán, đấu thầu, quyết toán…). Đồng thời chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, nghiệm thu, thanh toán ngay khi có khối lượng.

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVIII đang diễn ra, ông Phạm Tuấn Vinh - Bí thư Thị ủy Thái Hòa cho rằng, có 3 nguyên nhân khiến kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm nay thấp hơn cùng kỳ năm 2021 và thấp hơn trung bình cả nước.

Theo đó, năm 2022 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nên khối lượng công việc triển khai các dự án đầu tư công rất nhiều dẫn đến quá tải từ các địa phương đến các sở, ngành.

Ngoài ra, giá nguyên, vật liệu tăng cao trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng đến tiến độ lập, phê duyệt các dự án, cũng như khởi công các công trình. Bên cạnh đó, năng lực, chất lượng, số lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý dự án chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

Ông Tuấn cho rằng, bên cạnh sự chủ động của chủ đầu tư, các sở, ban, ngành cũng cần quan tâm phối hợp hơn trong quá trình lập, thẩm định các dự án đầu tư công. Liên Sở Tài chính - Xây dựng cần cập nhật thường xuyên giá nguyên vật liệu để chủ đầu tư có căn cứ phê duyệt.

Trước đó, UBND tỉnh Nghệ An ban hành công văn số 896/UBND-KT về việc kiểm điểm, xử lý các trường hợp giải ngân chậm kế hoạch đầu tư công năm 2021.

UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị chưa giải ngân hết chỉ tiêu kế hoạch vốn được giao báo cáo làm rõ nguyên nhân. Đồng thời tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc chậm giải ngân vốn các dự án.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ