Nữ sinh viên Piano ở tuổi bà

Nữ sinh viên Piano ở tuổi bà

Học không bao giờ là đủ

Chính thức trở thành sinh viên ngành Piano, Trường ĐH Văn Hiến khi trúng tuyển nguyện vọng 1 vào tháng 10/2019, cô Đào Thị Thư cũng vinh dự là sinh viên lớn tuổi nhất trong lịch sử nhà trường phát biểu trong lễ khai giảng năm học mới 2019 - 2020.

Chia sẻ trước 3.000 bạn đồng môn như mình, tân sinh viên Đào Thị Thư không giấu nổi cảm xúc hạnh phúc lẫn tự hào, nói: “Khi còn trẻ, tôi cũng có bao nhiêu ước mơ, hoài bão như các bạn bây giờ nhưng không phải lúc nào điều mình muốn cũng đạt được. Trước đó, tôi cũng không bao giờ nghĩ được bước vào giảng đường đại học ở tuổi này. Nhưng may mắn đã mỉm cười với tôi.

Tuổi lớn tất nhiên có rất nhiều khó khăn nhưng sự học không bao giờ là trễ, cho dù thời điểm nào, độ tuổi nào, xuất phát ra sao nếu mỗi chúng ta vẫn giữ được đam mê đó thì chuyện học chưa bao giờ là muộn để thực hiện ước mơ”.

Những thông điệp mà tân sinh viên ngành Piano của Trường ĐH Văn Hiến truyền đi thật sự mang đến cho các bạn trẻ trong trường nhiều năng lượng tích cực, cùng tinh thần say mê nghiên cứu, học tập.

Trần Thương Thương, sinh viên ngành Piano - bạn đồng môn với cô Thư cho biết: Người lớn tuổi đi học không còn là chuyện lạ. Nhưng những thông điệp mà cô Thư chia sẻ hôm nay thật sự mang tới cho tôi nhiều cảm xúc.

“Thứ cảm xúc tự hào, hãnh diện khi mình đã và đang là một phần của cộng đồng sinh viên Văn Hiến. Quan trọng hơn, từ những chia sẻ rất thật của cô về khát vọng, ước mơ được học tập, bản thân tôi cũng như các bạn sinh viên thấy cần phải cố gắng thật nhiều hơn nữa để không phụ lòng cha mẹ, thầy cô” - Thương nói.

Cô Đào Thị Thư cho biết, do điều kiện kinh tế khó khăn nên con đường học vấn gặp nhiều trở ngại. Năm 1974, cô Thư tốt nghiệp Tú tài phổ thông, sau đó học ngành Hóa - Sinh của Trường ĐH Khoa học (Giờ là Trường ĐH KHTN - ĐHQG TPHCM).

Năm 1975, cô chọn học Hóa - Sinh ở Đại học Khoa học để lấy chứng chỉ dự bị đại học chuyển sang Đại học Y khoa. Học được một năm, vì điều kiện gia đình quá khó khăn nên cô phải ngưng việc học, mặc dù vậy niềm đam mê đi học trong cô chưa bao giờ dừng lại.

Sau đó, cô lập gia đình và lần lượt sinh được bốn người con. Thời gian trôi qua cho đến khi các con trưởng thành, khát vọng được học lại trong cô lại cháy bỏng hơn bao giờ hết. Và cô quyết định quay lại giảng đường bằng việc đăng ký học tiếng Anh.

“Ngày tôi quyết định học lại là năm 2007, khi đó đã 51 tuổi. Chọn học tiếng Anh ở Trung tâm Ngoại ngữ Trường ĐH Sư phạm TPHCM như một sự chắp cánh để mình có thể trở lại. Sau ba năm mài giũa và củng cố nền tảng kiến thức, tôi quyết định đăng ký theo học từ xa của Trường Đại học Hà Nội” - cô Thư nói.

Kết quả, sau 5 năm miệt mài, cô Thư tốt nghiệp cử nhân ngành Ngôn ngữ Anh năm 2016 ở độ tuổi 60 với tấm bằng loại khá. Đặc biệt, trong lúc vừa học cô được nhiều trung tâm ngoại ngữ mời dạy. Rồi làm giáo viên hợp đồng cho hai trường tiểu học tại quận 5. Đáng nói, thời gian rảnh còn lại cô dành cho việc theo học môn Tiếng Pháp tại trung tâm.

Dành đam mê cho nghệ thuật

Nói về việc rẽ hướng sang học chuyên ngành Piano tại Trường ĐH Văn Hiến, với cô Thư đó đơn giản là đam mê - niềm đam mê lớn như việc cô dành thời gian theo đuổi môn Ngoại ngữ vậy.

Ngoài việc tranh thủ học thêm tiếng Pháp, theo học chính quy ngành Piano tại Trường ĐH Văn Hiến, cô Thư còn là giáo viên dạy Organ cho trẻ em tại hai trường mầm non quận 10 và quận 8.

Nhìn vào lịch học, dạy, làm thêm tại trung tâm ngoại ngữ, trung tâm dạy Organ của cô không chỉ tôi, mà chắc nhiều người sẽ choáng. Hiểu thắc mắc của tôi, cô giải thích: Tôi luôn cố gắng sắp xếp sao cho mọi việc khoa học nhất để không phí phạm thời gian và luôn ưu tiên cho việc học.

“Khi có tuổi, việc tiếp thu bài vở cũng kém đi. Ngày xưa học một hiểu mười, chứ bây giờ chỉ hiểu được phân nửa. Học đàn còn khó hơn học ngôn ngữ, vì vừa điều khiển tay vừa điều khiển trí óc. Theo học đàn vì thấy nó giúp rất nhiều cho tôi kỹ năng thẩm mỹ, thanh nhạc và cả sự cân bằng trong cuộc sống.

Vì vậy, ngay khi biết chính sách ưu đãi dành cho người học từ 61 tuổi trở lên của Trường ĐH Văn Hiến, tôi đã mạnh dạn đăng ký theo học để thỏa mãn đam mê của mình. Hơn nữa, khi theo học dưới sự giảng dạy của những giáo viên gạo cội trong làng âm nhạc, mình sẽ được đào tạo bài bản, đúng chuyên môn hơn” - cô Thư nói.

Cô Mỹ Thanh - giảng viên thanh nhạc, người trực tiếp giảng dạy bộ môn Piano cho cô Thư nhận xét: Mặc dù lớn tuổi nhưng cô chịu khó và chăm chỉ, đi học đều đặn như các bạn sinh viên khác. Tuy nhiên, với bộ môn nghệ thuật có những hạn chế, tay vẫn còn cứng và trí nhớ không còn tốt như thời trẻ.

“Mới học đàn chính quy được 2 tháng mà cô hoàn thành được 3 bài là đáng ghi nhận. Bởi so với sinh viên khác thì bình thường, nhưng với cô Thư là cả một nỗ lực không hề nhỏ” - giảng viên Mỹ Thanh nói.

Dù dành khá nhiều thời gian trong ngày cho việc học, đi dạy thêm, dạy kèm cho học sinh nhưng cô Thư vẫn luôn sắp xếp để có thể vui chơi với các cháu của mình mỗi tối. Đặc biệt, những lúc rảnh rỗi, cô Thư lại đi du lịch đây đó cùng cháu con, hoặc chăm sóc vườn cây để tận hưởng đúng nghĩa “thanh xuân” còn sót lại.

Tinh thần lạc quan, sự yêu đời, say mê lĩnh hội tri thức luôn cháy nơi trái tim trẻ trung của cô Thư, mà nhiều bạn sinh viên Văn Hiến đã ví von cô như chú đom đóm sắc màu, ngày ngày lan tỏa những tia sáng xanh huyền diệu đến mọi người. Đó là ánh sáng của tri thức, tinh thần học tập suốt đời mà xã hội đang chung sức dựng xây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.