Nữ sinh từng nghỉ học làm thuê ước mong có phép màu

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tuổi thơ là những bữa cơm ăn vội để đi cạo mủ cao su hay hái măng rừng…

Nữ sinh Đặng Thị Huế mong có phép màu để được học đại học.
Nữ sinh Đặng Thị Huế mong có phép màu để được học đại học.

Cuộc sống vất vả nhưng nữ sinh Đặng Thị Huế luôn đau đáu ước mong được bước vào cổng trường đại học.

Nghỉ học đi làm nuôi em

11 tuổi, Đặng Thị Huế (dân tộc Dao, hiện là học sinh lớp 12B1, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) theo bố mẹ từ Lào Cai vào Đắk Lắk sinh sống, lập nghiệp. Thế nhưng, cuộc sống khó khăn nên 3 năm sau cả nhà Huế lại dắt díu nhau qua Kon Tum với mong muốn ổn định.

Qua vùng đất mới, không người thân thích cũng chẳng có mảnh đất cắm dùi nên cha mẹ Huế mượn căn nhà nhỏ của công ty cao su để che nắng, che mưa. Nói là căn nhà nhưng ban đầu nơi đây chỉ như một túp lều hở trước, trống sau nằm giữa rừng cao su. Chiếc giường ọp ẹp là nơi mấy anh chị em Huế nghỉ lưng vào mỗi tối. Tài sản giá trị nhất trong nhà có lẽ là chiếc quạt cây được sử dụng vào những ngày nắng nóng. Còn hôm mưa thì 7 người ngồi nép một góc nhà vì nước dột lênh láng…

Nhà nghèo, con đông, cha mẹ Huế quần quật làm thuê cũng chẳng đủ lo cho 5 người con ăn học. Thế rồi, anh trai, chị gái và Huế lần lượt nghỉ học phụ cha mẹ lo miếng cơm manh áo và nuôi hai em nhỏ đến trường. “Học xong lớp 9, nhà nghèo phải chạy ăn từng bữa nên cha nói em nghỉ học để đi làm thuê. Lúc đó, em chỉ biết khóc và nghĩ bản thân sẽ chẳng bao giờ được đến trường nữa…”, Huế tâm sự.

Những tấm giấy khen là kết quả của sự cố gắng, nỗ lực và quyết tâm của Huế.

Những tấm giấy khen là kết quả của sự cố gắng, nỗ lực và quyết tâm của Huế.

Không đến lớp học chữ như bạn bè cùng trang lứa, mỗi ngày Huế theo cha mẹ đi cạo mủ cao su, làm nương rẫy. Những hôm mủ nhiều, cô học trò phải dậy từ 2 giờ để bắt tay vào công việc. 8 giờ sáng em mệt nhoài rời lô cao su trở về nhà. Thế nhưng, tuổi nhỏ, sức khỏe yếu nên mỗi tháng em chỉ kiếm được hơn 1 triệu đồng. Sinh sống ở xã khó khăn Mô Rai của huyện biên giới Sa Thầy nên việc làm chẳng dễ kiếm. Khi không có người thuê, Huế đi bẻ măng, hái nấm Linh chi để bán kiếm tiền.

“Lần đầu tiên em đi làm thuê để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ nên công việc có phần quá sức. Em chỉ biết động viên bản thân cố gắng để lo cho hai người em ăn học. Thấy các bạn đồng trang lứa được đến lớp học, em buồn và tủi thân lắm. Nhiều tối em bật khóc vì cổng trường học ngày càng xa mình, nhưng không dám kể với cha mẹ. Bởi em không muốn cha mẹ phải buồn và khổ thêm…”, nói rồi Huế lau vội giọt nước mắt đang chực trào.

Căn nhà nhỏ mà gia đình em Đặng Thị Huế mượn tạm của công ty cao su để ở.

Căn nhà nhỏ mà gia đình em Đặng Thị Huế mượn tạm của công ty cao su để ở.

Ước mơ vào đại học

Sau một năm, cuộc sống của gia đình dần ổn định nên ông Đặng Văn Viện (cha Huế) quyết định cho con quay trở lại trường học chữ. Nghe cha nói sẽ được đi học, nữ sinh vỡ òa hạnh phúc, ôm chầm người thân, nức nở khóc.

Trở lại trường, Huế không ngại vì từng nghỉ học để đi làm thuê mà chỉ sợ bản thân sẽ không tiếp tục được đến lớp. Trong suy nghĩ của Huế, chỉ có học mới có thể bước ra khỏi cánh rừng, thoát khỏi đói nghèo và giúp đỡ được cha mẹ. Sau một thời gian học, từ bỡ ngỡ, lạ lẫm, Huế dần quen với trường lớp, theo kịp kiến thức với các bạn. Ở trường nội trú nhưng mỗi cuối tuần nữ sinh lại về nhà phụ cha mẹ làm nương rẫy.

Điều kiện thiếu thốn, lại thấy cha mẹ vất vả nên Huế luôn cố gắng học tập. Nhiều năm liền, Huế luôn là học sinh khá, giỏi của Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Sa Thầy. Vừa qua, Đặng Thị Huế xuất sắc đoạt giải Ba trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học. Bên cạnh đó, Huế còn đạt học sinh giỏi cấp huyện và giải Khuyến khích Cuộc thi Tìm hiểu về Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, sáng kiến về phòng chống tác hại thuốc lá trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Kon Tum…

Cố gắng, nỗ lực trong học tập, nhưng nữ sinh lại luôn nhớ đến lời cha “Học hết lớp 12 rồi nghỉ con nhé, bởi cha mẹ chẳng đủ điều kiện để lo cho con học đại học…”. Thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình, không muốn làm khổ cha mẹ, nữ sinh nghĩ đến việc sau khi tốt nghiệp lớp 12 sẽ không vào đại học mà đi làm thuê.

“Gia đình em ở thuê và có thể phải rời đi bất cứ lúc nào. Dù rất mong được học đại học để sau này trở thành luật sư bào chữa cho những hoàn cảnh khó khăn, gặp điều bất bình. Thế nhưng, miếng ăn hằng ngày cha mẹ còn chật vật xoay xở nên em chẳng dám ích kỷ nghĩ đến ước mơ cho riêng mình…”, Huế chia sẻ.

Thầy A Wũ, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Sa Thầy, cho hay, em Huế luôn là học sinh khá, giỏi của trường. Mặc dù, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng nữ sinh rất chuyên cần, nỗ lực và đạt nhiều thành tích cao trong học tập. Nhà trường cũng thường xuyên kêu gọi nhà hảo tâm và ưu tiên các suất học bổng, phần quà… để động viên em vượt khó, vươn lên trong học tập.

“Em Huế luôn mong ước cháy bỏng được tiếp tục con đường học tập nhưng điều kiện gia đình không cho phép, do đó chặng đường phía trước sẽ rất khó khăn. Nhà trường mong các nhà hảo tâm sẽ quan tâm, giúp đỡ để em có thể chạm tới ước mơ”, thầy A Wũ bộc bạch.

“Nếu thật sự có phép màu xảy ra, em mong mình được bước chân vào cánh cổng trường đại học. Khi đó, em sẽ vừa học, vừa làm thêm phụ giúp cha mẹ lo cho hai em. Sau này nếu làm ra tiền em sẽ gửi về để cha mẹ dựng căn nhà của riêng gia đình...”, nữ sinh tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...