Nữ sinh điểm cao nhất khối C ở Đà Nẵng ước mơ trở thành cô giáo dạy Văn

GD&TĐ - Em Đặng Lâm Thanh Vân - thủ khoa khối C ở Đà Nẵng với ước mơ trở thành cô giáo dạy Văn, truyền cảm hứng, kiến thức đến học sinh.

Em Đặng Lâm Thanh Vân - thủ khoa khối C ở Đà Nẵng.
Em Đặng Lâm Thanh Vân - thủ khoa khối C ở Đà Nẵng.

“Ngã rẽ” từ khối D1 qua khối C

Dù không theo học ở những ngôi trường danh tiếng tại Đà Nẵng nhưng kết quả đạt được của em Đặng Lâm Thanh Vân – học sinh lớp 12/13 Trường THPT Ông Ích Khiêm (TP Đà Nẵng) thủ khoa khối C tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 ở Đà Nẵng cho thấy, nếu học tập hợp lý sẽ đạt được kết quả vượt ngoài kỳ vọng.

Ngày 17/7, ngay sau khi nhận điểm thi, Vân vẫn còn ngỡ ngàng với điểm số mà mình đạt được. Cô học trò với gương mặt xinh xắn cùng nụ cười tươi vẫn không giấu được cảm xúc vui mừng khi biết được điểm số các môn cao hơn mong đợi. Vân chọn thi khối C với tổng điểm thi 3 môn là 29, trong đó môn Ngữ văn là 9,25; Lịch sử 9,75 và Địa lý 10, Thanh Vân có tên trong danh các thủ khoa của thành phố.

Chia sẻ với PV Báo GD&TĐ, gần có điểm thi, Thanh Vân và gia đình đã trực bên máy tính để kiểm tra điểm. Khi màn hình máy tính hiện ra thông tin và số điểm của em, cả nhà sung sướng reo lên khi số điểm của Vân vượt ngoài mong đợi. Niềm vui nhân lên khi cô chủ nhiệm thông báo Vân là thí sinh đạt điểm khối C (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) cao nhất Đà Nẵng.

4dd91f88a433066d5f22.jpg
Em Đặng Lâm Thanh Vân trong lúc học bài. Ảnh: NVCC

Theo lời của Vân, từ lâu em đã đam mê môn Ngữ văn và Ngoại ngữ nên ban đầu em định hướng cho mình sau này sẽ thi ngành Ngôn ngữ Anh ở khối D1. “Đến khi sang học kỳ 2, bắt đầu chọn khối tổ hợp để thi thì em lại ước mơ trở thành một cô giáo. Sau đó em lại chuyển hướng rẽ qua thi khối C, để thi vào ngành Sư phạm”, Vân chia sẻ.

Vân nói tiếp: “Quyết định của em có phần mạo hiểm và rất khó khăn. Bởi môn Ngữ văn là môn sở trường của em ngay từ khi cấp THCS. Em từng đạt giải Ba học sinh Giỏi môn Ngữ văn cấp thành phố ở bậc học THCS, giải Khuyến khích tại kỳ thi học sinh Giỏi môn Ngữ văn cấp thành phố bậc THPT. Tuy nhiên, môn Lịch sử và đặc biệt là môn Địa lý thì không phải thế mạnh. Nên việc học những môn không phải sở trường là trở ngại lớn nhất trong thời điểm em ôn thi tốt nghiệp”.

Quyết vượt qua “chướng ngại vật" Sử, Địa, Thanh Vân đã bắt đầu chia thời gian học tập một cách hợp lý để bắt đầu Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

“Bí kíp” làm nên điều kỳ diệu

Chia sẻ về “bí kíp” đạt điểm cao trong kỳ thi này, Thanh Vân cho biết, em đã đặt ra một mục tiêu cụ thể cho các môn.

Đối với môn thế mạnh là Ngữ văn, Thanh Vân đã đọc nhiều những dẫn chứng trên mạng, những câu nói hay. Đặc biệt, Thanh Vân có phương pháp học “độc lạ” đó là tự giảng bài cho mình.

“Tự giảng bài cho mình có nghĩa là em nắm những kiến thức em đã học sau đó em tự vào vai của một giáo viên dạy Văn để tự giảng bài cho em. Cách này đối với em khá hiệu quả, thay vì mình học thuộc lòng hay dựa theo văn mẫu thì những chỗ nào khó thì phải tự tìm lối ra, tự tìm lời giải để giải đáp thắc mắc cho mình, từ đó sẽ nhớ lâu hơn. Phải đọc thật kỹ, hiểu sâu nắm những ý chính, phát triển thành những luận cứ và từ những luận cứ này có đặc điểm nổi bật gì em sẽ ghi nhớ. Cùng với đó đọc sách, báo thật nhiều để trau dồi vốn hiểu biết”, Thanh Vân nói.

1c7a1f894c33ee6db722.jpg
Đặng Lâm Thanh Vân (hàng dưới, thứ 2 từ trái sang) cùng với các bạn học của mình.

Đối với môn Sử và Địa thì bên cạnh việc tập giải đề thi trên mạng cũng như đề thi giáo viên ra, học sinh phải tập trung học sâu vào phần kiến thức cần nhớ. Tìm các dạng đề sát với đề tham khảo của Bộ GD&ĐT để từ đó tập giải và nâng cao kỹ năng làm bài.

Ở môn Lịch sử, Thanh Vân dành thời gian học thêm, luyện đề thi trên mạng, đề tham khảo của Bộ GD&ĐT cũng như đề thi ở các tỉnh, thành trên cả nước.

“Môn Lịch sử em chọn cách nhớ các mốc thời gian, bởi đây là phương án để chúng ta loại trừ. Với những sự kiện lịch sử em nắm kỹ về đặc điểm sự kiện này là gì, sự kiện liên quan đến lịch sử như thế nào, từ đó sẽ tìm hướng đi hiệu quả”, Vân bật mí.

Theo Thanh Vân, riêng đối với môn Địa lý đây là môn học mà em thấy “chật vật” nhất trong 3 môn ôn thi. Vân từng suy nghĩ rằng, Địa lý chỉ là môn học thuộc bài nhưng thực chất nó hoàn toàn khác so với tưởng tượng, chính vì thế quãng thời gian đầu chuyển sang ôn tập em thường bị điểm thấp mỗi khi giải đề. Thậm chí có thời điểm em bị “khủng hoảng tâm lý” vì liên tục bị điểm thấp.

“Học bài và thuộc lòng chưa đủ và em đã được cô giáo chủ nhiệm Đỗ Thị Diệu cũng là giáo viên dạy môn Địa lý, hướng dẫn tìm ra một lối đi hiệu quả trong khi học môn Địa lý. Cụ thể, cô chỉ em phải học từ khóa, biết được bản chất từ khóa đó. Đặc điểm từng vùng miền, có gì đặc biệt, từ đó bắt đầu tìm lời giải. Phải tập giải nhiều dạng đề để dần quen và nâng cao kỹ năng làm bài. Đó chính là bí quyết của em”, Vân cho hay.

Với số điểm đạt được, nữ sinh Thanh Vân cho biết sẽ đăng ký học Sư phạm Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) để trở thành một cô giáo dạy Văn.

ee2a8307-6020-4c31-9794-b1e370f4e87e.jpg
Đặng Lâm Thanh Vân - thủ khoa khối C ở Đà Nẵng với ước mơ trở thành một cô giáo dạy Văn.

“Em chọn Sư phạm Ngữ văn vì môn Ngữ văn mang lại cho em nhiều cảm xúc, và quyết định chuyển từ khối D1 sang khối C là quyết định mạo hiểm và em vui vì em đã chọn đúng. Em ước mơ sau này sẽ trở thành một cô giáo dạy Văn, truyền cảm hứng, kiến thức văn học đến thế hệ học sinh.

Để có được kết quả ngày hôm nay, em đã được rất nhiều thầy cô trong trường THPT Ông Ích Khiêm truyền đạt kiến thức. Đặc biệt, những tháng gần thi thầy cô trong trường đã truyền cảm hứng, động lực và giúp đỡ em rất nhiều trong học tập”, Vân bộc bạch.

Trao đổi với PV Báo GD&TĐ, thầy Thái Quang Bình – Hiệu trưởng Trường THPT Ông Ích Khiêm (huyện Hòa Vang) cho biết, Vân là học sinh giỏi của trường trong nhiều năm liền. Bản thân Vân là một học sinh năng động, năng nổ tham gia các hoạt động của trường.

“Tôi không bất ngờ với số điểm của Vân, em Vân đạt được điểm cao là thành quả xứng đáng với công sức và sự cố gắng của em trong những năm qua. Ngoài Thanh Vân là Thủ khoa khối C của Đà Nẵng, Trường còn có 13 em học sinh thủ khoa ở các môn gồm: 7 em môn Địa lý, 3 em môn Lịch sử, 1 em môn Ngữ văn, 1 em môn Hóa học, 1 em môn Ngoại ngữ. Một thành tích “khủng” từ trước đến nay của Trường THPT Ông Ích Khiêm. Đây là niềm vui, niềm tự hào của gia đình và của nhà Trường”, thầy Bình chia sẻ.

Theo thầy Bình, để giúp học sinh toàn trường ôn tập tại kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2024, các thầy cô trong trường tổ chức ôn tập, động viên các em trong suốt quá trình ôn thi. Để từ đó, các em có được tâm lý và kiến thức tốt bước vào kỳ thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.