Nữ nhà giáo tận tụy truyền 'lửa' yêu nghề

GD&TĐ - 25 năm trong nghề, cô Mai Thị Lừng luôn thể hiện niềm đam mê và có nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy môn Ngữ văn.

Nhà giáo Ưu tú Mai Thị Lừng có nhiều năm gắn bó với ngành Giáo dục và đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy. Ảnh: TG
Nhà giáo Ưu tú Mai Thị Lừng có nhiều năm gắn bó với ngành Giáo dục và đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy. Ảnh: TG

Học văn, học để làm người

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 1999, cô Mai Thị Lừng về công tác tại Trường THPT Yên Khánh A (Ninh Bình). Sau đó 4 năm, cô chuyển công tác về Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Nam Định). Từ tháng 9/2006 – tháng 4/2020, cô Mai Thị Lừng làm giáo viên Ngữ văn, sau đó được phân công làm Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến, TP Nam Định. Từ tháng 5/2020 đến nay, cô làm Hiệu trưởng Trường THPT Trần Văn Lan (Nam Định).

Dù ở vị trí nào, cô Lừng cũng cố gắng không ngừng trong giảng dạy, bồi dưỡng trau dồi về trình độ chuyên môn, củng cố năng lực lãnh đạo quản lý. Với cô, học và dạy Ngữ văn là cả niềm đam mê vì thông qua đó, học sinh được học cách làm người, đối nhân xử thế trong gia đình, ngoài xã hội để hoàn thiện nhân cách.

Theo cô Lừng, để nâng cao hiệu quả giảng dạy môn Ngữ văn, trước hết, thầy cô cần làm cho học sinh yêu thích và thấy được sự cần thiết của môn học này. Muốn vậy, giáo viên phải có “lửa” và truyền được “lửa” yêu nghề, yêu người, hứng thú cho học trò. Người thầy cần tạo ra những tình huống thực tế, gần gũi với cuộc sống để các em có thể liên hệ và hiểu sâu hơn nội dung tác phẩm.

Ngoài ra, thầy cô cần kết hợp các hình thức dạy học như thảo luận nhóm, thuyết trình, đóng kịch, làm báo tường... để tạo không khí sinh động, hấp dẫn trong lớp học. Áp dụng các công cụ công nghệ như trình chiếu, video, âm thanh minh họa cho bài giảng, giúp học sinh tiếp cận thông tin một cách trực quan, sinh động hơn.

Giáo viên phải dạy học sinh cách nghĩ, diễn đạt được những suy nghĩ, tình cảm. Như vậy, dạy Ngữ văn rất cần tư duy mạch lạc, khúc chiết, khoa học. Đồng thời, cần thúc đẩy “văn hóa đọc” nhằm bồi đắp tâm hồn, tri thức, tăng vốn hiểu biết, ngôn ngữ cho học sinh cũng như có “vốn” dành cho việc học môn Ngữ văn.

Một điểm mà cô Hiệu trưởng Mai Thị Lừng tâm đắc, đó là thay vì truyền đạt kiến thức thụ động, giáo viên nên đặt ra những câu hỏi mở, khuyến khích học sinh tự suy nghĩ, tìm tòi và đưa ra ý kiến cá nhân. Điều này góp phần khơi gợi sự chủ động, sáng tạo của người học.

Là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cô Lừng luôn tâm huyết, trách nhiệm trong việc thực hiện quy chế chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá. Bản thân tích cực học hỏi đồng nghiệp về sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; mỗi giờ dạy đều chú ý phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh.

nu nha giao tan tuy truyen lua yeu nghe (1).jpg
Học sinh Trường THPT Trần Văn Lan bày tỏ tình cảm tới cô Hiệu trưởng Mai Thị Lừng. Ảnh: TG

Không giữ kiến thức cho riêng mình

Không giữ kiến thức, kinh nghiệm cho riêng mình, cô Mai Thị Lừng luôn chia sẻ, hỗ trợ nhiều đồng nghiệp để cùng phát triển chuyên môn. Cô Mai Thị Hường công tác tại Trường THPT Trần Văn Lan, là một trong số giáo viên được cô Lừng hướng dẫn và đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2020 - 2021.

Cô Hường cảm nhận, cô Lừng không chỉ là đồng nghiệp mà còn như một người thầy đặc biệt. Với trái tim nhiệt huyết, phong cách làm việc khoa học, sáng tạo và bản lĩnh và luôn đổi mới, cô Lừng đã giúp nhà trường từng bước đổi thay và khẳng định được vị thế trong ngành Giáo dục tỉnh Nam Định.

Trong kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2020 - 2021, dù bận rộn nhiều công việc ở cương vị lãnh đạo, cô Lừng vẫn cùng cô Hường trăn trở, tìm tòi và thử nghiệm phương pháp dạy học hiệu quả cho các tiết dự thi. Cô luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp những khúc mắc chuyên môn để tìm ra phương án khả thi nhất.

“Tôi biết ơn những nghiêm khắc, yêu thương, chỉ bảo của cô Hiệu trưởng Mai Thị Lừng. Cô đã truyền cảm hứng cho các thế hệ giáo viên trẻ tiếp bước. Từ những tháng ngày ấy cho tới nay, chúng tôi như được tiếp ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết với nghề”, cô Hường tâm sự.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Nam Định, cô Mai Thị Lừng tích cực tham gia các hoạt động chuyên môn, tập huấn, bồi dưỡng giáo viên; ra đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh, đề thi vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong; làm giám khảo chấm Hội giảng và Hội thi giáo viên giỏi cấp tỉnh; công tác ra đề, chấm thi trong các kỳ thi tuyển giáo viên của ngành Giáo dục; làm cộng tác viên thanh tra.

Với phương châm “phải có thầy giỏi mới có trò giỏi, thầy tốt mới dạy được trò ngoan”, cô Mai Thị Lừng chú trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ, nâng cao năng lực sư phạm. Cô luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện cho giáo viên nhà trường phát huy năng lực, sở trường và củng cố chuyên môn nghiệp vụ; chỉ đạo giáo viên thực hiện tốt nội quy, quy chế ngành; thường xuyên dự giờ, thăm lớp và hướng dẫn giáo viên đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy và học.

Trên cương vị người đứng đầu, cô cũng chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác tự đánh giá theo các tiêu chuẩn và bộ tiêu chí để nhà trường đạt chuẩn quốc gia lần 2 và đạt kiểm định chất lượng giáo dục vào năm học 2023 - 2024. Bản thân cô có 15 năm đạt Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; 3 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.

Đặc biệt, tháng 10/2018, cô Mai Thị Lừng được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Trong năm 2018 và 2021, cô nhận Bằng lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; năm 2012 nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; năm 2013 nhận Bằng khen của UBND tỉnh Nam Định do có nhiều thành tích trong công tác…

Ngày 27/6/2024, Chủ tịch nước Tô Lâm đã ký Quyết định số 613/QĐ-CTN về việc phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân” cho 21 cá nhân và danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” cho 136 cá nhân. Trong số 136 thầy cô vinh dự được phong tặng danh hiệu cao quý “Nhà giáo Ưu tú”, ngành Giáo dục tỉnh Nam Định có cô Mai Thị Lừng - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Văn Lan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cha mẹ có thể để trẻ bình tĩnh rồi nói chuyện. Ảnh minh họa

Làm gì khi con hay giận dỗi?

GD&TĐ - Trẻ nhỏ thường giận dỗi, buồn rầu vì không thể nói ra được nỗi bực bội của mình hoặc chưa được đáp ứng mong muốn nào đó.