Vượt qua giới hạn của chính mình
Là cán bộ quản lý nên hơn ai hết cô Phạn Thị Nam hiểu được giá trị của sự đổi mới và sáng tạo trong dạy học. Vì vậy, từ khi nhận nhiệm vụ quản lý, điều cô Nam trăn trở lớn nhất là làm sao thúc đẩy chất lượng giáo dục và tạo sức bật mạnh mẽ cho đơn vị của mình.
Với mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục, tiếp cận nhanh với công nghệ hiện đại, từ năm 2015, cô Nam đã chủ động trong việc tìm kiếm các nguồn học liệu điện tử, các phần mềm hỗ trợ quản lý, dạy học. Xác định công nghệ là nền tảng cho công cuộc đổi mới và sáng tạo trong dạy và học, cô Nam cùng tập thể Ban giám hiệu, giáo viên nhà trường tích cực ứng dụng CNTT trong giảng dạy trong nhiều năm liền.
Đầu năm 2021, cô Nam bắt đầu tham gia Cộng động giáo viên sáng tạo của Microsoft. Kể từ đó, cô dành nhiều thời gian để học hỏi, nghiên cứu sâu về các nền tảng ứng dụng của Microsoft nhằm tìm kiếm các giải pháp tối ưu nhất khi ứng dụng các thành tựu của công nghệ vào đơn vị mình. Cô chủ động kết nối, chia sẻ, lan tỏa với giáo viên trong và ngoài nhà trường để tìm kiếm ra những điểm ưu việt nhất.
Sau thời gian tìm tòi, đến tháng 7/2021, cô đã cùng với cán bộ, giáo viên nhà trường xây dựng được hệ thống trường học trực tuyến trên nền tảng Microsoft. Từ tháng 7/2021 đến tháng 1/2022, Trường THCS Tam Phước đã thực hiện được tất cả các hoạt động từ quản lý đến giảng dạy và các mặt hoạt động khác trên nền tảng Microsoft.
“Để có được kết quả nhanh chóng, ngoài sự chịu khó tìm tòi của bản thân thì điều may mắn nhất mà tôi có được là sự hưởng ứng, đồng lòng của tập thể. Tất cả mọi người đều tham gia tích cực vào cộng đồng giáo viên sáng tạo. Đó là sức mạnh to lớn nhất của nhà trường”, cô Nam chia sẻ.
Chỉ sau một năm theo đuổi mục tiêu chung cho đơn vị, cô Nam là một trong 141 giáo viên trên cả nước được công nhận là MIEE. Đây là danh hiệu mà hiếm có cán bộ quản lý nào đạt được. Cô cho biết kể từ khi tham gia cộng đồng giáo viên sáng tạo, bản thân tôi đã tiến bộ lên rất nhiều.
"Chính tôi cũng bất ngờ về bản thân mình bởi trước đó tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ tham gia cộng đồng để trở thành MIEE. Có lẽ do đam mê cùng việc nhận ra các giá trị tối ưu của nền tảng Microsoft trong khai thác các tính năng quản lý, dạy học...đã thúc đẩy tôi nhanh chóng chạm đến mục tiêu”, cô nói.
Theo cô Nam, khó khăn mà cô và các cán bộ quản lý khác đều gặp phải là công việc chuyên môn, quản lý khá nặng, nên không có nhiều thời gian để tham gia các khóa học trên cộng đồng. Bản thân cô khi mới tham gia cộng đồng giáo viên sáng tạo cũng rất e dè và “ngại”. Bởi trước đó, các nền tảng CNTT mà cô sử dụng chỉ là trao đổi email, nhận - chuyển văn bản trên hệ thống điện tử và các kỹ năng tin học cơ bản khác.
“Rào cản lớn nhất là chính bản thân, cụ thể là tâm lý e dè, ngại học cái mới. Tuy vậy, khi tiếp cận cộng đồng, những điều mới mẻ tôi nhận ra được nhiều điều từ sự nhiệt tình chia sẻ của các giáo viên khắp nơi. Mặt khác, bối cảnh dịch Covid-19 bùng nổ và phức tạp có thời điểm toàn tỉnh phải dạy học online thì việc lĩnh hội được những điều mới mẻ từ nền tảng ứng dụng của Microsoft đã cho tôi thêm động lực rất nhiều", cô Nam cho biết.
Đồng lòng hướng đến mục tiêu trường học điển hình Microsoft
Hiểu tầm quan trọng của CNTT trong việc lồng ghép, ứng dụng vào hoạt động dạy học và quản lý cô Nam cùng với tập thể cán bộ, giáo viên Trường THCS Tam Phước quyết tâm xây dựng trường trở thành trường học điển hình Microsoft.
Việc đăng ký xây dựng trường học điển hình Microsoft của Trường THCS Tam Phước cho thấy sự quyết tâm và mạnh dạn của cô Hiệu trưởng Phạm Thị Nam cùng tập thể cán bộ giáo viên nhà trường. Bởi cho đến nay, tại Việt Nam mới chỉ có 3 trường học được công nhận trường học điển hình Microsoft gồm: Trường phổ thông Song ngữ liên cấp Wellspring (Hà Nội), THPT Võ Thành Trinh (An Giang), TH - THCS - THPT Sky-Line (Đà Nẵng).
Để hiện thực hóa mục tiêu này, từ năm 2021, tất cả phòng học của trường đều được kết nối hạ tầng CNTT và hệ thống wifi. Mỗi phòng học đều được trang bị đầy đủ hệ thống máy móc (tivi, bảng tương tác) hỗ trợ học tập cho học sinh. Song song đó, Nhà trường cung cấp tài khoản giáo dục cho toàn bộ giáo viên và học sinh, khai thác các tính năng của Microsoft như: Microsoft Forms, Microsoft Teams, OneDrive, ClassNote Book, SharePoint…
Đến nay, 100% giáo viên của trường có thể khai thác các ứng dụng của Microsoft để phục vụ hiệu quả cho việc dạy học. Đặc biệt, mọi hoạt động của nhà trường như: khâu quản lý, thực hiện các phương pháp dạy học, các quá trình kiểm tra đánh giá, nguồn học liệu, thiết kế bài giảng… đã từng bước được khai thác, ứng dụng trên Microsoft.
Chia sẻ về giải pháp thúc đẩy giáo viên cùng tham gia đổi mới, cô Phạm Thị Nam cho biết điều quan trọng nhất là phải tạo động lực cho giáo viên để họ thấy tính hiệu quả khi sử dụng công nghệ trong quản lý, dạy học.
"Thông qua các hoạt động giáo dục với sự hỗ trợ của công nghệ, giáo viên sẽ thấy và tự học, tự nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT. Quan điểm của tôi là không áp đặt mà phải khuyến khích, động viên giáo viên bằng chính sự quan tâm, ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của thầy cô. Trong đó, cần chú trọng biểu dương nhân tố tích cực, chính các nhân tố tích cực này sẽ lan tỏa đến các thành viên khác trong nhà trường”, cô Nam nói.
Hiện Trường THCS Tam Phước có 2 giáo viên đã đạt danh hiệu MIEE, dự kiến trong năm 2022, toàn trường sẽ có 6 giáo viên đạt danh hiệu này. Ngoài ra, từ phong trào của toàn trường nhiều giáo viên khác đã và đang tham gia cộng đồng giáo viên sáng tạo và tích cực tham gia các khóa đào tạo của Microsoft. Đây chính là những nhân tố tích cực trong việc ứng dụng CNTT trong dạy học, đồng thời là nòng cốt xây dựng trường học điển hình.
Cô Liêu Thị Thanh Bình, giáo viên môn Tiếng Anh cho biết: "Ban giám hiệu luôn khuyến khích, cổ vũ giáo viên ứng dụng công nghệ trong dạy học. Đặc biệt, Hiệu trưởng của trường là MIEE đã trở thành động lực lớn cho giáo viên. Điều đó luôn thôi thúc chúng tôi tìm kiếm các nền tảng công nghệ, phương pháp mới trong quản lý lớp học, phát triển môn học của mình".