Nữ giáo viên càng giỏi việc trường, thêm đảm việc nhà

GD&TĐ - Chiều 15/8, tại Trường ĐH KHXH&NV TPHCM Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” giai đoạn 2010-2015.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa trao bằng khen cho các cá nhân và tập thể xuất sắc
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa trao bằng khen cho các cá nhân và tập thể xuất sắc

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, bà Nguyễn Thị Bích Thủy - Phó chủ tịch LĐLĐ TPHCM cùng gần 100 đại biểu, Chủ tịch Công đoàn ngành đến từ các trường trên cả nước.

Tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua Giỏi việc trường - Đảm việc nhà giai đoạn 2010-2015, đồng chí Nguyễn Thị Bích Hợp - Phó chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam cho biết: 

5 năm qua, phong trào thi đua Giỏi việc trường - Đảm việc nhà tiếp tục có sức lan tỏa, ngày càng có chiều sâu, được đông đảo cán bộ, nhà giáo và người lao động toàn ngành tích cực hưởng ứng.

Với số lượng nữ đoàn viên và người lao động chiếm tỉ lệ trên 73,6%, đảng viên nữ chiếm 65% đảng viên toàn ngành… tỉ lệ nữ giáo viên (80%) toàn ngành hàng năm đạt danh hiệu Giỏi việc trường - Đảm việc nhà các cấp, 90 - 95% gia đình nữ nhà giáo đạt danh hiệu gia đình văn hóa… đã góp phần rất cho phong trào có sức lan tỏa lớn.

Những kết quả đạt được từ phong trào trong 5 năm qua khẳng định vai trò to lớn của phụ nữ trong các hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần quan trọng thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, góp phần vào sự phát triển giáo dục trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước.

Thống kê nhỏ về trình độ của nữ giảng viên, giáo viên các cấp toàn ngành cho thấy sự  gia tăng rõ rệt. 5 năm qua, bằng nhiều nguồn lực khác nhau, các đơn vị đã tạo điều kiện giúp chị em học tập, nâng cao trình độ, ứng dụng CNTT vào giảng dạy…Từ năm 2010-2015 cả nước có trên 587.284 nữ CB-GV-NLĐ được tạo điều kiện nâng cao nghiệp vụ, lý luận chính trị.

Trong đó, phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học, tự làm đồ dùng dạy học… được các nữ giáo viên tham gia nhiệt tình với hàng ngàn sáng kiến kinh nghiệm được nghiệm thu.

Riêng năm 2014, cả nước có hơn 3.048 sản phẩm tham dự thi cấp toàn quốc, với 98 nữ giáo viên cùng 60 sản phẩm đoạt giải xuất sắc… góp phần rất lớn vào công tác đổi mới ngành giáo dục cả nước.

Hiện toàn ngành có hơn 150.000 nữ nhà giáo đang công tác tại 3.900 xã vùng cao, miền núi và bãi ngang ven biển. Dù điều kiện công tác còn nhiều khó khăn và thiếu thốn nhưng các nữ giáo viên vẫn tận tụy, hy sinh thầm lặng, vượt qua thử thách, gắn bó thủy chung với mái trường.

Tại buổi giao lưu với những nữ giáo viên Giỏi việc trường - Đàm việc nhà tại các vùng miền của đất nước cũng cho thấy rõ sự cố gắng vượt khó của đội ngũ giáo viên nữ trong việc cân bằng cuộc sống với công việc gia đình.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá rất cao sức lan tỏa của phong trào Giỏi việc trường - Đảm việc nhà…Thứ trưởng đặc biệt ấn tượng và cảm xúc trước những tấm gương vượt khó, dạy tốt của các nữ giáo viên.

Thứ trưởng Nghĩa tin tưởng phong trào đã tạo môi trường, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo không ngừng nỗ lực phấn đấu và trưởng thành, góp phần không nhỏ vào công cuộc đổi mới của toàn ngành.

Thay mặt Bộ GD&ĐT, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của ngành và Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Thứ trưởng ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành tích mà những nữ nhà giáo, cán bộ quản lý đã đạt được trong thời gian qua.

Ghi nhận những thành tựu 5 năm qua của phong trào Giỏi việc trường - Đảm việc nhà, nhưng Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa lưu ý Công đoàn ngành Giáo dục các cấp tập trung 5 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới: tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các tổ chức, Ban cán sự Đảng các cấp thực hiện phong trào.

Tiếp tục động viên, tạo điều kiện cho nữ CB-NG-NLĐ tăng cường tự học, tự bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ. Làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ nữ, phấn đấu đến năm 2020, mỗi cơ sở giáo dục đều có cán bộ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo. Tổ chức biểu dương, khen thưởng nữ CB-NG-NLĐ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cũng như nhân rộng các gương điển hình…

Đặc biệt, là cần lồng ghép phong trào Giỏi việc trường - Đảm việc nhà với phong trào Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Trong đó, cần bám sát 5 tiêu chí đánh giá chuẩn mực người phụ nữ ngành Giáo dục: Yêu nước; Có trình độ chuyên môn vững vàng, năng động, sáng tạo và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; Có sức khỏe; Có lối sống văn hóa và tấm lòng nhân hậu; Quan tâm đến lợi ích xã hội và cộng đồng.

“Vinh dự, tự hào là những nữ nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào Giỏi việc nước - Đảm việc nhà, tôi hy vọng chị em sẽ tiếp tục tỏa sáng, là những tấm gương về tài năng, trí tuệ, nghị lực, tâm huyết cho các thế hệ nữ nhà giáo trẻ, HS-SV học tập noi theo.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Công đoàn ngành sẽ thường xuyên quan tâm, chăm lo đến phong trào của lao động nữ và sự tiến bộ của phụ nữ toàn Ngành.

Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam sẽ đặc biệt quan tâm, động viên, giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn, chị em nữ đang công tác ở miền núi, dân tộc thiểu số hoàn thành tốt nhiệm vụ” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ