Nữ doanh nhân thổi hồn cho bẹ ngô, bèo bồng

Dưới bàn tay tài hoa của những nghệ nhân tại Doanh nghiệp tư nhân Tây An do bà Phạm Thị Ngắn là Giám đốc, một nguyên liệu rất dồi dào, chỉ dùng làm đồ thổi là bẹ ngô, bèo bồng, đã trở thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ xinh xắn, được giới trẻ ưa thích.

Nữ doanh nhân thổi hồn cho bẹ ngô, bèo bồng

Bắt đầu từ nghề đan bị cói

Tiền Hải (Thái Bình) quê của bà Phạm Thị Ngắn sát kề với biển, là quê hương của cói, từng có cả một nông trường cói bạt ngàn và cũng có nghề đan cói lâu đời. 

Những năm 90 của thế kỷ trước, khi bắt đầu vọc vạch nghề đan cói, chưa kiếm được đầu ra, bà bỗng phát hiện nghề nuôi cua, ếch xuất khẩu đang phát triển khi ấy lại rất cần giỏ cói làm hàng.

Thế là ý tưởng đan và thu gom giỏ cói, bị cói bán cho các thương nhân, chủ đầm xuất hiện. Bà kể, lúc đó, như có trời thương, tiếng lành đồn qua sông, có thương nhân tìm đến đặt tới vài ngàn chiếc giỏ cói.

Nữ doanh nhân Phạm Thị Ngắn, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Tây An
Nữ doanh nhân Phạm Thị Ngắn - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Tây An

Rồi từ những phiên chợ quê, thấy mũ cói Trung Quốc tràn ngập, bà mua về mày mò tập làm, rồi học cả thiết kế mẫu.

“Tôi đã tìm ra một nguyên liệu rất dồi dào và rất rẻ, đó là bẹ ngô, bèo bồng. Lúc đầu, tôi cũng không tin nổi những thứ thường chỉ dùng làm đồ thổi, phân bón, thì nay, qua bàn tay của người thợ thủ công, đã trở thành những sản phẩm thủ cồng mỹ nghệ xinh xắn, thành mốt thời trang của giới trẻ”- Bà Ngắn kể lại những ngày đầu khởi nghiệp.

Năm 1998 và 1999, mũ của cơ sở bà Ngắn bán rất chạy ở thị trường Nam Định, Hải Phòng…, có ngày bán cả ngàn chiếc. Năm 2000, bà Ngắn cùng chị em của cơ sở đã sáng tạo ra một loại mũ mới - mũ lỗ sử dụng nguyên liệu dây giấy. Loại mũ này đã nhanh chóng chiếm được thị trường, mở ra cơ hội mới cho cơ sở sản xuất và bước đầu tạo việc làm cho nhiều chị em trong vùng.

Có một cột mốc mà bà Ngắn không thể nào quên, đó là thời điểm lần đầu tiên mũ cói của cơ sở đã được các khách hàng Hà Lan, Australia chấp nhận và đã xuất được vài ngàn chiếc qua một đại diện ở Hà Nội. Và doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ với tên gọi Tây An ra đời từ đấy.

Cải thiện đời sống nông dân

Hàng thủ công mỹ nghệ Tây An từ chỗ không tên tuổi, thương hiệu, chỉ loanh quanh ở chợ quê, nay đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong nước và lên tàu sang nước bạn. Nhưng bà Ngắn vẫn luôn ấp ủ mong ước tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn, nhất là chị em phụ nữ.

Sau nhiều ngày trăn trở, cuối cùng, bà Ngắn cũng tìm ra một giải pháp phù hợp, hữu hiệu cả trên lĩnh vực dạy nghề và phát triển sản xuất, tạo việc làm. 

Đó là liên kết với Hội Phụ nữ tỉnh Thái Bình mở các lớp dạy nghề móc hộp, đan mũ cói và nghề mây tre đan... cho các hội viên ở các xã, thị trấn trong tỉnh. 

Sau các khóa dạy nghề, những người có năng lực, điều kiện sẽ được lựa chọn để thành lập các tổ sản xuất, đứng ra nhận nguyên vật liệu, mẫu mã từ doanh nghiệp về cho tổ viên làm, sau đó kiểm tra, thu hồi sản phẩm giao cho doanh nghiệp, đồng thời nhận tiền công từ doanh nghiệp về thanh toán cho người lao động.

Thực tế cho thấy, đây là một hướng mở sáng tạo, tổng hợp sức mạnh của các nhà và đã cho một kết quả lan tỏa ngoài mong đợi. Theo đó, người lao động không phải đi khỏi nhà, tận dụng được thời gian và lực lượng lao động. Còn doanh nghiệp có cả một nhà máy sản xuất rộng mênh mông mà không phải đầu tư nhà xưởng.

Hiện tại, Tây An đã có mạng lưới trên 60 tổ sản xuất, mỗi tổ bình quân thu hút hàng trăm lao động rải khắp 8 huyện, thành phố trong tỉnh Thái Bình. 

Nhiều gia đình trước đây tròng trọc trông vào cây lúa, kinh tế rất khó khăn, từ khi làm thêm nghề đan móc này, kinh tế đã khá lên trông thấy, dư dật tiêu pha, mua sắm thêm nhiều tiện nghi.

Giờ đây, nữ doanh nhân Phạm Thị Ngắn đã thỏa ước nguyện tạo việc làm, với thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng cho hơn 7.000 lao động, mà chủ yếu là phụ nữ nông thôn, giúp họ cải thiện đời sống và góp phần xây dựng nông thôn mới. Chưa kể, hàng năm, Tây An còn tiêu thụ lượng cói lớn cùng các phế thải nông nghiệp cho nông dân của Thanh Hóa, Thái Bình.

Khi được hỏi về bí quyết kinh doanh, bà Ngắn không ngần ngại chia sẻ: “Nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đòi hỏi phải luôn tạo ra những mẫu mã mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. 

Hiện ngân hàng mẫu của doanh nghiệp Tây An đã có hàng ngàn sản phẩm. Tuy nhiên, bí quyết số một là phải giữ chữ tín, nhất là với khách hàng nước ngoài”.

Được biết, cùng với việc quảng bá trên website, tham gia các đoàn xúc tiến thương mại..., doanh nghiệp Tây An còn tích cực tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế, như hội chợ tại Đức mở vào đầu năm, tại TPHCM tháng 4, Hồng Kông tháng 8, Hà Nội tháng 11...

Nghị lực phi thường

Quê nghèo, nhà cũng nghèo, nên bà Ngắn chỉ được học hết cấp hai. Năm 1971, một tháng sau đám cưới, chồng bà quay lại chiến trường, rồi bị thương vào mắt và thái dương, bất tỉnh trong 7 ngày liền tưởng không qua nổi. 

Năm 1974, bà sinh con đầu lòng đúng dịp mùa màng thất bát, nước lụt trắng đồng, nhà dột, tường đổ, chồng thì vết thương tái phát nặng thêm.

Cuộc sống cứ trượt dần xuống cảnh túng quẫn, hết năm này qua năm khác. Không cam chịu cảnh nhà đất vách nát, hai vợ chồng xin đất đóng gạch, xin bổi của ông bà ngoại về xây nhà. 

Nhưng trận bão dựng biển năm 1986 đã làm đổ sập ngôi nhà mới, đẩy họ cùng 4 đứa con rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”, đến mức cái bát mẻ cũng không còn. 

Ngồi trong bếp nhìn trời mưa bong bóng, chị thầm kêu trời cho mình sức khỏe để cứu vớt những người thương yêu thoát cảnh khổ đau.

Thời điểm ấy, để nuôi cả nhà, ban ngày bà nhận coi trẻ, trưa tối tranh thủ gánh phân, nhổ mạ, cấy hái… Quần quật từ tinh mơ đến đêm nhưng chồng con vẫn đói rét, nên đêm đêm, bà vắt óc tìm tòi xoay ra làm nghề đan cói. Giờ ngẫm lại, bà thấy, chính cây cói là cứu tinh của cuộc đời bà.

Khi nghề đan cói bắt đầu giúp bà và gia đình thoát cảnh đói nghèo, thì vết thương của chồng tái phát cùng căn bệnh hiểm nghèo và ông đã ra đi. 

Rồi chỉ mấy tháng sau, một khách hàng lớn của cơ sở cũng đột ngột qua đời, khiến mấy ngàn chiếc giỏ, bị cói không ai mua, chuột cắn, mối xông kéo theo số tiền tích góp được mấy năm trước và mấy chục triệu đồng vay mượn thêm.

Trong khó khăn chồng chất, tưởng chừng không thể vượt qua, những thành công của bà Ngắn ngày hôm nay càng mang nhiều giá trị. Với những thành tích đạt được, bà đã được trao tặng Giải thưởng “Bông hồng Vàng”; được Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tặng Cúp cùng Bằng khen, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tặng Cúp Vàng “Vinh quang vì sự nghiệp xanh, phát triển bền vững” cùng nhiều Bằng khen của các bộ, ngành, UBND tỉnh Thái Bình...

Trò chuyện với nữ doanh nhân Phạm Thị Ngắn

Doanh nghiệp Tây An phát triển mạnh như ngày nay là nhờ bí quyết gì, thưa bà?

Sáng tạo, sáng tạo không ngừng các mẫu mã sản phẩm mới

Vì sao bà lại chọn gắn bó với nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu?

Mục đích của tôi là tạo được việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn. Niềm vui của tôi là được thấy các chị em say sưa lao động, cuộc sống ngày càng no đủ, không phải đi làm xa, bớt tệ nạn xã hội.

Thời điểm này, khi doanh nghiệp đã có chỗ đứng trên thị trường, bà ước mong điều gì?

Tôi mong mình có sức khỏe để tiếp tục chèo lái doanh nghiệp phát triển, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, nhất là chị em phụ nữ.

Theo baodautu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ