Tuy vậy, để di tích to đẹp như hôm nay có phần đóng góp không nhỏ của bà Lê Thị Phúc - người có hơn hai mươi năm chắt nhặt từng đồng lẻ công đức, bỏ tiền nhà để tu bổ, phục hồi di tích...
Lĩnh vực nào cũng tạo dấu ấn
Ở tuổi 85, bà Phúc vẫn nhanh nhẹn, tháo vát và có cách giao tiếp cởi mở, thân thiện với tất cả mọi người. Học sinh thị trấn Chũ đi học qua, hễ thấy đói lại ghé vào xin cơm chay bà Phúc. Khu di tích giờ đây là địa chỉ tâm linh quan trọng, điểm đến văn hóa đối với đồng bào các dân tộc trong vùng đất vải thiều. Thế nhưng, ít ai nghĩ rằng hơn hai mươi năm trước, nơi đây từng là một phế tích hương tàn, khói lạnh, cây cối um tùm. Mỗi khi mưa lũ, nước dâng cao ngập cả di tích.
Bà Phúc chia sẻ: “Giờ bà đang phải sống gấp vì chẳng biết số trời cho bà sống đến bao giờ, năm nay thấy mắt bà kém hơn rồi”. Mấy chục năm nay bà ở chùa nhiều hơn ở nhà. Trong căn phòng khách tại chùa, chúng tôi ngạc nhiên về những thành tích, những bằng khen, giấy Khen của bà từ hồi còn công tác. Đó là: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Bằng khen của Tổng cục Đường sắt, Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Công đoàn Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng (năm 2013)...
Bà cho biết, với khả năng kinh doanh, mối quan hệ làm ăn và uy tín trên vùng Lục Ngạn, nếu chỉ ở nhà kinh doanh thì đến giờ bà cũng có tiền tỷ trong tay. Thế nhưng với duyên phận và cái tâm trong sáng, một lòng thành tâm đã đưa bà đến với cửa Phật và chốn tâm linh này. Sinh ra và lớn lên ở Sơn Tây (Hà Nội) trong gia đình có truyền thống cách mạng, bố, các cô, chú đều hoạt động cách mạng và là sỹ quan cao cấp trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, sớm được giác ngộ, 18 tuổi bà tham gia thanh niên xung phong, đi tải đạn, đào hầm, làm đường tại chiến trường Điện Biên Phủ (thuộc đơn vị c6-c202, đội 40) mở đường Cò Nòi - Điện Biên.
Năm 1958, người phụ nữ ấy chuyển công tác về Cục Kiến thiết cơ bản (Bộ Công nghiệp) rồi theo chồng lên Lục Ngạn làm việc. Năm 1968 bà làm Trưởng ban nữ công ngành Thương nghiệp tỉnh Hà Bắc sau đó là Phó Giám đốc Công ty Thương nghiệp Lục Ngạn, đại biểu HĐND huyện Lục Ngạn. Nghỉ hưu năm 1989, bà giao toàn bộ cơ sở sản xuất thuốc lá Cấm Sơn của gia đình cho người con trai tiếp quản để có thời gian tham gia các hoạt động từ thiện, giúp đỡ người nghèo và xây dựng khu di tích Khánh Vân này.
Một lòng với truyền thống quê hương
Với mong muốn quê hương có một nơi tâm linh để nhân dân trong vùng tu tâm thờ phụng, bà Phúc đứng ra xin phép chính quyền dựng lại ngôi đền và chùa trên nền móng di tích cũ làm nơi thờ tự. Ban đầu việc phục dựng di tích gặp những khó khăn không nhỏ do có người quy kết đó là “mê tín dị đoan”. Nhưng tất cả vì cái tâm, một lòng vì quê hương bà đã đi thuyết phục rồi công trình cũng được dựng lên trong niềm phấn khởi của nhân dân. Bà khiêm tốn nói: “Để có di tích như hôm nay tôi chỉ là người đứng ra đại diện còn tất cả phải nhờ vào những phật tử công đức”.
Lần theo tư liệu lịch sử được biết, đền Khánh Vân hay còn gọi là đền Quan Quận. Các tư liệu về khu di tích này được Bảo tàng tỉnh Bắc Giang khảo sát, đánh giá và xác định là nơi thờ tướng quân Vi Hùng Thắng - một tướng lĩnh thời Trần có công đánh đuổi giặc ngoại xâm dẹp yên bờ cõi. Do thời gian, chiến tranh ngôi đền đã bị đổ nát và trở thành hoang phế, năm 1990 bà Phúc cùng một số người trong Hội Phật giáo của thị trấn đứng ra vận động, quyên góp tiền của, công sức để phục dựng lại ngôi đền, sau đó là dựng chùa thờ Phật trên móng cũ.
Năm 1996, chùa, đền Khánh Vân được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, trở thành một trong những địa chỉ tâm linh của nhiều người dân trong và ngoài vùng. Lúc này, bà Phúc lại đứng ra lo toan mọi thứ, sớm hôm chăm lo hương khói, trông coi đến việc hạch toán chi tiêu, thuê nhân công tu bổ di tích. Với phương châm “được đến đâu kiến thiết đến đó”, bà đã chắt nhặt từng đồng lẻ tiền công đức của nhân dân đồng thời chủ động đứng ra vận động được số vốn lớn từ nhiều nguồn khác nhau về cùng địa phương tôn tạo đền. Cũng có khi, tiền lương hưu bà bỏ ra xây chùa, không đủ thì bà về mượn con, cháu.
Với việc làm ý nghĩa đó, suốt hơn 20 năm qua, khu di tích chùa, đền Khánh Vân từ một phế tích đã trở thành công trình văn hóa, tín ngưỡng với nhiều hạng mục vững chắc như đền thờ, chùa, nhà mẫu, tháp, sân vườn, nhà khách, gác chuông…