NSƯT Trần Hạnh: “Tôi không dám nhận tiền của Chí Trung“

NSƯT Trần Hạnh khẳng định cuộc sống của mình hiện tại không khó khăn, thậm chí còn tốt đằng khác.

NSƯT Trần Hạnh: “Tôi không dám nhận tiền của Chí Trung“
nsut tran hanh:

NSƯT Trần Hạnh và NSƯT Chí Trung tại ki-ốt bán hàng của ông tại Ga B Hà Nội.

Hôm qua (2.3), trên trang cá nhân của mình, NSƯT Chí Trung đăng tải lời kêu gọi ủng hộ NSƯT Trần Hạnh tiền bạc, nhằm giúp cuộc sống của ông bớt phần khó khăn. Lời kêu gọi của Chí Trung sau đó nhận được sự ủng hộ lớn từ mọi người.

Chia sẻ về mối quan hệ với Chí Trung cũng như cảm xúc trước hành động nhân ái của đồng nghiệp, NSƯT Trần Hạnh tâm sự:

- Ông đã nghe về việc nghệ sĩ Chí Trung lên facebook kêu gọi mọi người quyên góp tiền bạc cho mình chưa?

Tôi chưa được tận mắt xem những chia sẻ đó vì bây giờ tôi chỉ có chiếc điện thoại này thôi (chỉ vào chiếc điện thoại cũ), nhưng con dâu tôi cũng đã nói qua về chuyện đó lúc tôi ra cửa hàng sáng nay rồi.

- Ông suy nghĩ thế nào về việc đã có khá nhiều người sẵn sàng ủng hộ vật chất cho ông, với mong muốn gia cảnh ông bớt khó khăn?

Tôi chẳng biết thế nào cả. Trước hết là cuộc sống của tôi bây giờ không khó khăn, nhà nước cho tôi đầy đủ, không thiếu gì cả. Hiện tại mỗi tháng tôi nhận hơn 3 triệu tiền lương hưu. Thi thoảng tôi đi làm, đóng phim cũng có thêm tiền. Tôi đầy đủ thế chứ có thiếu thốn, khó khăn đâu.

- Giả sử nghệ sĩ Chí Trung quyên góp được một số tiền nhất định và muốn ông nhận, ông sẽ ứng xử ra sao để vẹn cả đôi đường, vừa giữ được tình cảm đồng nghiệp và khán giả, lại vừa giữ được cá tính rất riêng biệt của mình?

Tôi chỉ biết cảm ơn mọi người thôi chứ cũng không biết làm sao cả.

Hơn nữa, chuyện này nếu có thì tôi phải gặp Chí Trung mới biết ứng xử cụ thể thế nào. Nhưng nói chung, tôi không dám nhận số tiền đó đâu.

Thật ra, tôi cũng chưa hiểu số tiền nó như thế nào, xuất phát từ đâu ra. Tôi cũng cần biết gốc rễ của người cho tôi tiền thì tôi mới quyết định nhận hay không.

- Ở độ tuổi này, nhiều người nhận định đáng lẽ ông phải có một cuộc sống tốt hơn về vật chất, bản thân ông nghĩ sao về điều đó?

Tôi không thấy buồn vì hoàn cảnh của mình. Từ người công nhân quét rác đến chủ tịch nước thì cũng phải đi làm để kiếm sống. Người quét rác cũng chả có ai bì tị với những người giàu có, chức cao vọng trọng cả. Đó là công việc, là cuộc sống.

Tôi cũng không bao giờ nghĩ rằng đáng lẽ ra mình phải được đãi ngộ nhiều hơn về vật chất. Tôi thấy nhà nước, nhân dân cho mình như bây giờ là nhiều rồi, chẳng đòi hỏi gì thêm cả. Nói chung, tôi bằng lòng với cuộc sống hiện tại, nhiều người làm nghề giàu hơn tôi là vì họ có phương tiện, công việc của người ta tốt hơn.

Ngày xưa tôi có thể làm 3 phim trong một ngày nhưng bây giờ già rồi, sức khỏe không cho phép nên chỉ có thể làm được 1 phim. Trong khi đó họ trẻ, có sức khỏe, nhiệt huyết, họ làm nhiều hơn thì phải có thu nhập cao hơn chứ. Cái đó mình không thể so bì được, rất dở hơi.

nsut tran hanh:

NSƯT Trần Hạnh không dám nhận tiền của Chí Trung khi chưa biết gốc rễ, những người ủng hộ là ai.

- Nhiều người nhận định lớp diễn viên trẻ bây giờ kiếm tiễn rất dễ, trong khi đó, thời của ông mọi thứ đều khó khăn hơn nhiều. Ông nghĩ gì về điều đó?

Hoàn cảnh đất nước chúng ta khi đó chỉ thế thôi. Ngày xưa, tôi đi diễn có buổi chỉ được cát-sê 4 hào, 6 hào, 8 hào, cao nhất là được 1 đồng 2, mà khi đó giá của một bát phở không có thịt đã là 4 hào rồi. Còn bây giờ mọi thứ đã rất khác rồi, cát-sê không còn tính hào nữa mà là vài triệu một buổi diễn.

Ngày xưa, tôi nhớ có lần diễn vai Nguyễn Trãi từ 7 giờ đến 11 rưỡi, diễn xong cũng chỉ cần ăn bát phở rồi đi về thôi. Hoàn cảnh lúc đó và bây giờ không thể so sánh được, vì nó quá khập khiễng.

- Bây giờ việc đóng phim của ông ra sao?

Có chứ, đoàn phim nào họ gọi tôi đều đi đấy. Tôi đến đoàn phim bằng chiếc xe 82 cũ rồi sau đó, họ sẽ có xe đưa đi. Nhìn chung sức khỏe của tôi giờ vẫn bình thường để có thể đóng phim được, chỉ có điều dạo này tôi hơi gầy.

- Vậy còn công việc mà ông bán nước, bán hàng cùng con dâu mình ngoài ki-ốt ở Ga Hà Nội thế nào?

Tôi thấy chả vất vả gì đâu, tôi ra đấy làm để vui với con cháu thôi. Có gì đâu mà vất vả chứ. Tôi ngồi trông hàng, khách đến mua thì gọi điện cho con để hỏi xem món này, món kia bao nhiêu tiền. Bây giờ tôi già rồi nên cũng không còn nhớ được giá của các mặt hàng nhiều nữa.

- Sau bao năm cống hiến cho nghệ thuật, ông còn quan trọng chuyện danh hiệu không, nhất là khi nhiều người rất mong chờ ông được phong nghệ sĩ nhân dân?

Mọi người xung quanh nhà tôi đều quý tôi lắm. Có người hỏi, sao có cả trăm người được phong nghệ sĩ nhân dân mà ông không được là thế nào, sao không làm đơn xin. Tôi mới bảo, đấy là quyền của người ta, không có chuyện tôi làm đơn xin đâu.

Từ khi tôi đi theo Đảng, nhà nước, tôi chưa xin ai cái gì. Tôi được phong nghệ sĩ ưu tú trong đợt đầu tiên của nhà nước, tôi cũng đâu có xin ai. Nhà nước họ biết thì họ phong, bây giờ bảo tôi đi xin thì dở hơi lắm.

- Có thể là do ông chưa đủ chỉ tiêu theo quy định thì sao?

Chỉ tiêu gì, quy định là một huy chương vàng nhưng tôi có đến ba rồi đấy, có thấy ai phong đâu. Chắc người ta nghĩ tôi thế nào đấy nên mới thế. Cũng chẳng có sự nhầm lẫn nào đâu vì “họ” còn trẻ và tinh khôn hơn tôi mà.

- Vậy cảm xúc của ông thế nào khi mình ở tuổi này vẫn chưa được phong nghệ sĩ nhân dân?

Tôi không bao giờ buồn nhưng cũng không bằng lòng với chuyện đó. Tôi nghĩ bây giờ cũng chẳng nên thắc mắc gì bởi vì như thế người ta cười cho. Người ta lại bảo: Ông này đi theo Đảng mà chỉ có thế này thôi à?

Chân thành cảm ơn ông!

Theo Dân Việt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.