NSƯT Kim Tiến là một trong những nghệ sĩ gạo cội tham gia trình diễn ở Lễ hội Áo dài 2016, diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám hôm 4/3.
Sau chương trình, dù không còn sớm và thời tiết có mưa phùn, bà vẫn vui vẻ nán lại sân khấu để dành cho Zing.vn cuộc trò chuyện ngắn. Đặc biệt, sau lần đầu tiên trải nghiệm làm người mẫu, bà hào hứng kể về kỷ niệm với tà áo dài truyền thống.
Chiếc áo dài đặc biệt
Theo giọng đọc huyền thoại, áo dài của phát thanh viên thời xưa không được phép cách điệu: "Chúng tôi phải mặc áo kiểu dáng lịch sự, có chân cổ. Có thời gian, một vài người mặc áo cổ thuyền lên sóng và bị ý kiến ngay vì nó không phải hình ảnh tiêu biểu cho tà áo dân tộc".
Với riêng Kim Tiến, bà có kỷ niệm rất thú vị. Đó là ý tưởng sáng tạo với chiếc áo dài, đương nhiên khán giả xem truyền hình không biết điều này.
Hình ảnh ngày ấy - bây giờ của NSƯT Kim Tiến. Ảnh tư liệu |
"Trong lúc làm việc, tôi phải chạy từ phòng thu này sang phòng kia. Nếu mặc áo dài lướt thướt thì không chạy kịp (cười). Vì thế, tôi đã đề xuất với người may áo là cắt tà ngắn để dễ di chuyển. Khi lên hình, phần thân trên vẫn mang dáng dấp áo dài, chỉ có phần thân dưới giống áo sơ mi" - Kim Tiến nhớ lại.
Nghệ sĩ cho rằng thiết kế như vậy gọn gàng và rất hay. Bà nói thêm: "Mấy thế hệ sau cũng bắt chước chúng tôi. Nhưng các biên tập viên, MC bây giờ không làm như vậy nữa vì họ vẫn cần áo dài cho các chương trình bắt cả thân hình. Thời tôi thì chỉ làm bản tin".
Nói về những mẫu áo dài cách tân của thế hệ nhà thiết kế trẻ hiện nay, đặc biệt trong sự kiện Lễ hội Áo dài, nghệ sĩ Kim Tiến đánh giá cao ở tính ứng dụng, gần gũi với cuộc sống. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng một số thiết kế áo sát nách "hơi đi quá xa" so với trang phục truyền thống.
Từ chối lên hình vì sợ mặc áo dài xấu
Biên tập viên nổi tiếng một thời của Đài Truyền hình Việt Nam dí dỏm tiết lộ ở tuổi này, bà rất sợ mặc áo dài bởi "người bây giờ to lắm, vòng hai bằng vòng ba rồi".
Khi mới được mời tham gia trình diễn, bà liền từ chối. Tuy nhiên, sau đó, NTK Đức Hải đã thuyết phục được Kim Tiến rằng đây là chương trình ý nghĩa, có nhiều người ở những độ tuổi khác nhau tham dự.
"Thực sự lúc đầu tôi rất ngỡ ngàng. Tôi tự hỏi mình vừa già, chiều cao lại khiêm tốn, vậy tại sao được mời làm người mẫu? (cười). Khi biết rõ mục đích của chương trình, tôi mới tự tin nhận lời" - giọng đọc huyền thoại tâm sự.
Điều khiến NSƯT Kim Tiến ấn tượng nhất ở Lễ hội Áo dài là màn xuất hiện của những người khuyết tật trên sân khấu. Bà bộc bạch: "Với tôi, hình ảnh đó rất xúc động. Đó chính là tình người, là ý nghĩa nhân văn".
Giọng đọc huyền thoại một thời trình diễn tại Lễ hội Áo dài 2016. Ảnh: Chí Linh |
Bên cạnh đó, bà cũng dành lời khen cho ý tưởng sáng tạo, cách bài trí bàn ghế, ánh sáng, dàn dựng kịch bản, biến sân khấu thành khung cảnh rộn ràng trong ngày lễ tết.
"Tôi cũng đồng tình với ý kiến của nhiều người khi nhận xét người mẫu di chuyển nhanh, không có sự tĩnh để khán giả ngắm trang phục. Nhưng ý tưởng rất phù hợp với chủ đề Áo dài của chúng ta. Theo tôi, chúng ta không nên có định kiến, phải luôn sáng tạo" - nghệ sĩ gạo cội nói.
Nghỉ công tác tại Đài truyền hình đã hơn 10 năm, ở tuổi U70, nghệ sĩ Kim Tiến vẫn giữ được giọng nói trầm ấm, y nguyên như những ngày thuyết minh Tây Du Ký. Hàng ngày, bà vẫn bận rộn với rất nhiều công việc.
"Cám ơn trời giữ cho tôi cái họng và giọng đọc. Ngoài Đài truyền hình, nhiều nơi cũng mời tôi đọc phim tài liệu. Trời cho còn sức khỏe để tôi tiếp tục dạy học, dạy đọc bản tin thời sự chính luận. Nhưng riêng chuyện lên hình, tôi từ chối kịch liệt".
Hỏi NSƯT về bí quyết giữ giọng, bà cười bảo: "Không biết người khác thế nào, chứ tôi không kiêng khem gì. Tôi chỉ giữ sức khỏe, chú ý đến giấc ngủ. Ngủ tốt thì giọng cũng khỏe hơn".