NSND Anh Tú qua đời: Sân khấu Việt mất một vì sao

GD&TĐ - Thời gian gần đây, bệnh chuyển biến nặng, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam - NSND Anh Tú không nói được nhưng đầu óc vẫn tỉnh táo, anh vẫn lạc quan tin tưởng có thể trở lại với sân khấu…

NSND Anh Tú qua đời: Sân khấu Việt mất một vì sao

Vì nghề đâu quản tấm thân

Là gương mặt gạo cội của sân khấu kịch trong cả hai vai trò diễn viên và đạo diễn, NSND Anh Tú còn thể hiện tài năng khi tham gia những bộ phim truyền hình. Ở bất cứ địa hạt nào, tài năng của anh cũng tỏa sáng và sự tận tâm cống hiến của anh cũng được ghi nhận.

Trên sân khấu, NSND Anh Tú đã tạo được dấu ấn diễn xuất sâu đậm trong lòng công chúng qua hàng loạt vở với những vai diễn đa tính cách. Khán giả yêu sân khấu kịch không thể quên Trần Cảnh trong Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi, Macbeth trong vở kịch cùng tên của đại thi hào Shakespeare, Tể tướng trong Âm mưu và tình yêu của Schiller, Vũ Như Tô trong vở kịch cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và hàng trăm vai diễn khác trong thánh đường nghệ thuật mà Anh Tú đã nhập vai, trút vào đó tất cả niềm say mê, tâm huyết...

Với cương vị quản lý và đạo diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ, NSND Anh Tú đã dàn dựng một loạt vở diễn: Cô gái đội mũ nồi xám; Nhà có năm anh em trai; Mùa hạ cay đắng; Mùa yêu đương và một loạt chùm kịch thiếu nhi: Tôn Ngộ Không; Thạch Sanh; Cây khế…

Từ khi đảm đương vị trí Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, NSND Anh Tú đã khẳng định được uy tín của một đạo diễn chính kịch hàng đầu phía Bắc, có công lớn dàn dựng nhiều vở kịch gây được tiếng vang như: Tai biến, Lâu đài cát, Thế sự, Kiều, Biệt đội báo đen, Bão tố Trường Sơn…

NSND Anh Tú qua đời: Sân khấu Việt mất một vì sao ảnh 1

- Nghệ sĩ Phạm Anh Tú sinh năm 1962, tốt nghiệp lớp diễn viên Trường Sân khấu - Điện ảnh năm 1981, tốt nghiệp lớp đạo diễn năm 2004.

- Trước khi giữ cương vị Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, anh đảm trách Trưởng đoàn kịch 1 - Nhà hát Tuổi trẻ cùng thế hệ các diễn viên nổi tiếng như NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, NSƯT Chí Trung, NSƯT Minh Hằng...

- Nghệ sĩ Anh Tú được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2001 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2016 và được bổ nhiệm Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam năm 2017.

Không ngừng tìm tòi, dựng vở diễn mới tìm hướng đột phá để thu hút khán giả cho Nhà hát Kịch Việt Nam, NSND Anh Tú được cho là khá liều lĩnh khi dựng vở kịch “Thế sự”. Nhân vật chính của “Thế sự” là danh tướng Nguyễn Hữu Chỉnh - thời Lê Trung Hưng và thời Tây Sơn thế kỷ XVII. Đây là nhân vật lịch sử thú vị khiến các sử gia còn nhiều tranh luận với tính chất “công tội bất phân”. Người trong nghề e ngại cho rằng khá mạo hiểm dàn dựng vở kịch về nhân vật này. Chính những khó khăn ấy lại gợi cảm hứng và tạo động lực để NSND Anh Tú nghiền ngẫm kịch bản và quyết tâm làm mới sân khấu. Để tránh những yếu tố gây tranh cãi, đạo diễn đã chủ ý chọn lọc…

Không chỉ giới hạn mình ở sân khấu, NSND Anh Tú còn xuất hiện trên truyền hình với nhiều vai diễn lôi cuốn, góc cạnh trong các phim truyền hình “Của để dành”, “Đàn trời”, “Ánh sáng trước mặt”,“Chiều ngang qua phố cũ”...

Người đi, nguồn sáng còn ở lại

“Chiều ngang qua phố cũ” đã giành giải Phim truyền hình nước ngoài hay nhất ở Liên hoan phim truyền hình quốc tế Tokyo lần thứ 11. Lần đầu tiên Việt Nam có tác phẩm đoạt giải. Dàn diễn viên tên tuổi tham gia “Chiều ngang qua phố cũ” NSND Bùi Bài Bình, NSƯT Kim Oanh, NSƯT Minh Trang, NSƯT Công Lý, NSƯT Hoàng Lan, Hoa Thúy… không thể ngờ đây lại là bộ phim cuối cùng NSND Anh Tú góp mặt cùng bạn diễn.

Nghệ sĩ Đỗ Kỷ bày tỏ nỗi buồn: “Dù sự ra đi của NSND Anh Tú không phải quá đột ngột vì đồng nghiệp và bạn bè cũng đã biết tình trạng bệnh tình của Anh Tú trong thời gian qua. Nhưng trước sự thật này chúng tôi vẫn không nguôi đau xót và tiếc thương. Tuy không làm việc cùng nhà hát, nhưng với tôi, NSND Anh Tú là một tư cách nghệ sĩ đáng kính”.

“NSND Anh Tú là một người bạn thân mà tôi vô cùng quý trọng. Anh không chỉ ngay thẳng, tốt bụng mà luôn nghĩ cho người khác. Anh là chỗ dựa tinh thần của bạn bè, luôn có mặt bên bạn bè lúc họ gặp khó khăn nhưng lại không bao giờ muốn phiền phức ai. Những tình cảm ấy, cả hai vợ chồng tôi đều trân trọng và ghi nhận, không thể quên được... Bạn bè có thể tự hào, Anh Tú đã hoàn thành nhiệm vụ với đời, đã tận hiến cho sự nghiệp của mình…” - NSƯT Minh Hằng tâm sự.

Không chỉ lớp nghệ sĩ triển vọng và tài năng ở nhà hát, sinh viên Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội vẫn luôn ngưỡng mộ, người thầy đã bồi dưỡng kinh nghiệm diễn xuất và bồi đắp ước mơ vươn tới bầu trời nghệ thuật cho họ. NSND Anh Tú cũng là tấm gương về niềm đam mê nghệ thuật, về nhân cách sống.

Nghệ sĩ Anh Tú như một vì sao sáng đã băng qua bầu trời nghệ thuật nhưng ánh sáng của vì sao ấy vẫn soi rọi và lấp lánh trong trái tim người thân và những người yêu nghệ thuật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.