Mâu thuẫn của học sinh trên MXH:

'Nóng' việc đào tạo kỹ năng sống và giáo dục pháp luật

GD&TĐ - Mới đây, hai nhóm học sinh THCS ở Hà Nội mâu thuẫn trên MXH đã hẹn gặp nhau để “giải quyết” bằng hung khí, gây hậu quả nghiêm trọng.

Nhóm học sinh xô xát tại cơ quan công an.
Nhóm học sinh xô xát tại cơ quan công an.

Vụ việc tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đến gia đình, nhà trường cùng toàn xã hội trong việc ngăn chặn “ẩn họa” trên không gian mạng.

“Giải quyết” mâu thuẫn bằng hung khí

Ngày 6/2, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) đang làm rõ vụ việc hai nhóm học sinh mang hung khí đánh nhau tại khu vực trạm bơm Giang Chính (phường Biên Giang, Hà Đông).

Theo cơ quan chức năng sự việc bắt nguồn từ mâu thuẫn trên MXH giữa học sinh Trường THCS thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) và học sinh Trường THCS Biên Giang (quận Hà Đông).

Vụ việc bắt đầu từ chiều 25/1, hai nhóm học sinh gặp nhau tại thị trấn Chúc Sơn (Chương Mỹ) và gạ đánh nhau. Đến ngày 27/1, hai bên nhắn tin thách thức và hẹn ra khu vực trạm bơm Giang Chính để giải quyết mâu thuẫn.

Tối cùng ngày (27/1), nhóm 7 học sinh Trường THCS Biên Giang đến khu vực trạm bơm Giang Chính, lấy tuýp sắt và vỏ chai thủy tinh rồi ẩn nấp dưới ruộng chờ nhóm đối thủ.

Khoảng 21 giờ ngày 27/1, nhóm 4 học sinh Trường THCS thị trấn Chúc Sơn điều khiển xe máy, mang theo 4 vỏ chai bia đi đến khu vực trạm bơm. Ngay khi gặp mặt, cả hai nhóm đã lao vào “hỗn chiến” làm một học sinh bị thương. Học sinh này đã được đưa đi bệnh viện cấp cứu trong tình trạng chấn thương sọ não mở.

Công an quận Hà Đông (Hà Nội) đã triệu tập toàn bộ các đối tượng liên quan, thu giữ 1 tuýp sắt dài khoảng 1,7 m, đầu có gắn dao; 1 tuýp sắt dài khoảng 1,6 m; 1 tuýp sắt dài khoảng 2 m; 2 vỏ chai bia và các mảnh vỡ thủy tinh chai bia.

Trao đổi về sự việc này, bà Lê Thị Tú Nga, Phó Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Chúc Sơn cho biết, đây là sự việc rất đáng tiếc xảy ra đối với học sinh của trường. Hiện nay, phía nhà trường đang tích cực phối hợp với gia đình học sinh, các cơ quan chức năng để giải quyết sự việc theo quy định.

“Hiện học sinh Nguyễn Trung H. sức khỏe đã tạm ổn định. Thời gian tới, nhà trường sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho học sinh nhằm tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra…”, bà Lê Thị Tú Nga nói.

Chặn “ẩn họa” trên không gian mạng

Liên quan đến sự việc trên, ông Nguyễn Đức Hoà, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ cho biết, đã yêu cầu Trường THCS thị trấn Chúc Sơn thực hiện hoàn tất các hồ sơ liên quan đến các học sinh trong vụ đánh nhau.

Các cơ sở giáo dục trên có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng và gia đình học sinh để thực hiện quy trình kỷ luật, tư vấn tâm lý, phương pháp quản lý học sinh cũng như giáo dục các học sinh khác.

Trả lời Báo GD&TĐ, bà Nguyễn Thị Hà, Đại biểu Quốc hội khóa XV bày tỏ quan ngại khi nhận định: “Đây thực sự là hồi chuông cảnh báo cho các gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Trách nhiệm phòng ngừa, ngăn chặn vấn đề bạo lực ở lứa tuổi học sinh không của riêng ai. Mỗi gia đình cần quan tâm đến con cái nhiều hơn, dành nhiều thời gian hơn để trò chuyện, vui chơi cùng con để hiểu những thay đổi tâm lý của con khi con đang trong giai đoạn học làm người lớn…’.

Đại biểu Hà cũng bày tỏ, hiện nay nhiều gia đình trang bị cho các con thiết bị kết nối mạng rất sớm, nhưng lại không hướng dẫn trẻ sử dụng mạng một cách an toàn và văn minh dẫn tới những ảnh hưởng xấu độc từ MXH.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần phối hợp chặt chẽ với gia đình, thường xuyên trao đổi, nắm bắt những bất thường của học sinh để sớm có biện pháp ngăn chặn.

“Theo tôi, mỗi nhà trường nên thành lập một nhóm học sinh cốt cán có trách nhiệm cao với cộng đồng và tham gia MXH có chọn lọc. Qua đó, để kịp thời cập nhật những diễn biến ngầm trong môi trường học đường tới thầy cô vì có lẽ không ai hiểu bạn bằng chính các em học sinh…”, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Nguyễn Thị Hà nêu giải pháp.

“Ở độ tuổi chưa thành niên thì rất dễ bị cảm xúc chi phối hành vi, chỉ vì những vấn đề nhỏ nhặt mà người chưa thành niên có thể có những xúc động mạnh, thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc dẫn đến thực hiện những hành động có tính chất bột phát, thiếu sự điều khiển của lí trí, có thể dẫn đến hành vi phạm tội…”, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phân tích.

Theo chuyên gia này, nhà trường và gia đình cần tăng cường các hoạt động rèn luyện, trang bị kỹ năng sống, giáo dục giới tính, xây dựng mô hình tư vấn tâm lý học đường để trẻ có sự hỗ trợ cần thiết và kịp thời. Nhà trường, các tổ chức xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật cho thanh, thiếu niên nhằm ngăn chặn tình trạng trẻ hoá tội phạm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ