Quy hoạch báo chí, bao giờ xong?
Thẳng thắn trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về công tác quy hoạch, quản lý báo chí, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết: Hiện nay, chúng ta có 868 cơ quan báo chí, gồm: Báo, tạp chí, đài phát thanh truyền hình.
Trước thực tế này, Trung ương cũng nhận thấy, phải sắp xếp lại theo hướng mỗi tờ báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền thình cần có những lĩnh vực chuyên sâu của mình để phản ánh được toàn cảnh xã hội Việt Nam.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần chấn chỉnh lại hoạt động báo chí trong một thời gian có sự buông lỏng. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký quy hoạch báo chí; cùng với đó, Bộ TT&TT đã ban hành kế hoạch được Thủ tướng ký vào tháng 4.
Đến tháng 6/2019, Bộ cũng đã ban hành kế hoạch, trong đó có nêu: Năm 2019 sẽ quy hoạch xong các cơ quan báo chí của khoảng 40 hội. Đến 2020, hướng đến thực hiện xong quy hoạch báo chí của các bộ, ngành và địa phương.
Bộ trưởng cho biết thêm, khi quy hoạch lại sẽ cấp lại giấy phép và trong giấy phép đó có phần tôn chỉ, mục đích, làm rõ tôn chỉ, mục đích của từng cơ quan báo chí một. “Hiện nay, có tình trạng, nhiều báo, tạp chí cùng đưa tin về một việc, một sự kiện.
Đáng ra mỗi một tờ báo trong lĩnh vực của mình phải làm sâu về lĩnh vực đó để tạo ra một không gian toàn cảnh cho đất nước Việt Nam. Đây là vấn đề liên quan đến tôn chỉ mục đích. Sau đó, phải nhắc đến vấn đề xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Bộ lọc tin xấu, độc
Liên quan đến các thông tin độc, xấu mà các đại biểu tranh luận tại hội trường, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi: Hiện nay, có hai bộ lọc phải làm. Bộ lọc đầu tiên là của công ty cung cấp nền tảng, chúng ta hoàn toàn có thể dùng máy móc để tự động nhận ra.
Các mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là mạng xã hội mới xuất hiện như: Gapo, Lotus… Bộ TT&TT chỉ đạo ngay là, phải có công cụ tự động nhận dạng những thông tin xấu, độc và tự lọc để chặn luôn. Hiện nay, các nhà mạng mới của chúng ta đã có công cụ đó.
Bộ lọc thứ hai là chính quyền. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên lý rất quan trọng là muốn quản được thì phải nhìn thấy, không nhìn thấy được, không đo được thì không quản được.
Công cụ đo lường hiện nay là ở Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. “Bây giờ ai là người định nghĩa đó là rác, không thể một mình Bộ TT&TT, Bộ VH,TT&DL cũng phải dùng công cụ để rà soát, phát hiện đây là rác. Bộ Công Thương cũng phải nói đây hàng hóa quảng cáo rác.
Chính quyền địa phương cũng phải thấy đây là rác đối với chính quyền. Khi chúng ta dùng công cụ phát hiện đó là rác, chúng ta yêu cầu trực tiếp với nhà mạng” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đặt vấn đề.
Cũng theo lãnh đạo ngành Thông tin và Truyền thông, rất nhiều quốc gia coi câu chuyện: Mỗi người dân có khả năng phân biệt tin xấu, tin tốt, có khả năng phản biện, đấu tranh với các thông tin tiêu cực trên không gian mạng là giải pháp căn cơ.
“Trước đây chúng ta chỉ có một nguồn thông tin cho nên chúng ta tin gần như vô điều kiện vào thông tin do Nhà nước đưa ra, nhưng bây giờ có hàng triệu tin trên không gian mạng, ai cũng có thể đưa thông tin trên không gian mạng, nên mỗi một cá nhân, một con người phải có kỹ năng sống trên không gian mạng” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, nếu như chúng ta có kỹ năng phân biệt cái tốt, cái xấu thì tự nhiên cái xấu không tồn tại được. Trên không gian mạng có một logic là, nếu như bây giờ chúng ta lên không gian mạng đọc một tin xấu, tin độc là vô hình trung chúng ta đã trả tiền cho các thông tin xấu độc đó.
Tức là vô hình trung đã nuôi thông tin xấu độc đó. Nếu chúng ta nhận dạng được, chúng ta không xem thì những nguồn ấy không được tài trợ, dần dần nguồn đó cũng sẽ suy giảm đi.