Tôi có đứa cháu là công chức nhưng kiêm luôn… bán rau, hoa quả trên Facebook, tiêu thụ giúp bố mẹ những sản phẩm nông nghiệp sạch được trồng trong vườn. Ngày bán 5 - 10 cân gồm: Cải các loại, ngọn bí đỏ, rau muống, rau lang, đặc biệt là ổi.
Phải nói số lượng như thế là rất ít nhưng nếu mang toàn bộ ra chợ để bán mỗi ngày thì phải mất ít nhất là một công, và chưa chắc đã bán hết. Thế nhưng, rao trên mạng thì không đủ rau và ổi để bán hằng ngày.
Cách bán trên mạng như sau: Nếu ngày mai có loại rau gì thì tối đó, cháu “rao” trên Facebook của mình, từ loại rau cho đến số lượng. Ai có nhu cầu mua loại gì thì nhắn qua message để đóng gói và “giao tận tay” trước khi giờ làm hành chính bắt đầu. Sở dĩ bán rau nhanh và luôn “cháy hàng” như vậy là do rau sạch.
Những người mua đều là chỗ bạn bè quen biết và có người đã đến “tham quan” khu vườn của bố mẹ cháu. Họ chứng kiến quy trình trồng rau đậm chất oganic. Người nọ rỉ tai người kia về độ sạch đáng tin cậy của rau, thế nên bỏ tiền ra mua mà không lăn tăn gì.
Chủ khu vườn gần một hecta đất này từng nuôi một lúc vài chục con bò, toàn bộ phân bò đều được ủ cho hoai rồi mới bón rau. Vì vậy, rau đậu và các loại cây trái đều xanh tốt một cách tự nhiên. Đêm đến, chủ vườn dùng đèn pin soi từng cây ổi để bắt sâu rồi bọc trái ổi vào bọc vải. Với vườn rau cũng làm vậy nên người mua rau luôn an tâm về độ sạch của rau. Trong trường hợp này là mua bằng niềm tin được thực chứng chứ không chỉ là mua rau!
Giá cả luôn đắt gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi thứ rau mua ở chợ nhưng không đủ hàng để bán. Nhưng nếu sản xuất với số lượng nhiều gấp 10 - 20 lần thì liệu có tiêu thụ nhanh như hiện nay không? Chắc chắn là không! Không phải không có người mua mà cái chính là lấy ai để rao lên Facebook hàng ngày và giao tận tay người mua một khi chỉ có mình cháu làm việc này?
Mô hình vườn rau oganic “cò con” thì dễ quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nhưng một khi đã nâng lên quy mô thì phải thay đổi tư duy về tiêu thụ. Nhiều cửa hàng được gọi là “rau an toàn” chứ không dám nói là rau sạch, từng mọc lên ở nhiều thành phố một thời gian rồi nghỉ luôn. Vì sao? Vì người mua họ không tin đó là rau an toàn.
Không có một bằng chứng nào để chứng minh thứ rau ấy là “an toàn” ngoài tấm biển ghi ở cửa hàng cả. Bao nhiêu cửa hàng Bách hóa xanh, nơi được cho là làm ăn tử tế nhưng đã tiêu thụ hàng trăm tấn giá đỗ tẩm hóa chất ở Buôn Mê Thuột bị phát hiện hồi cuối năm rồi thì khó để lấy niềm tin với người tiêu dùng.
Để có một nền nông nghiệp xanh - sạch đúng nghĩa thì xây dựng niềm tin với người mua hàng là quan trọng nhất. Đi đôi với điều đó cần phải có cơ chế kiểm soát và có chế tài, như xét nghiệm rau nếu không đúng như quảng cáo là phạt nặng như Trung Quốc và Nhật Bản kiểm tra “sầu riêng sạch” của Việt Nam vậy.
Đi đâu cũng nghe nói cần xây dựng nền nông nghiệp xanh - sạch nhưng để thực hiện điều đó là không hề dễ dàng nếu như vẫn mang tư duy bán hàng “cò con” như đã nói ở trên.