Nóng nghị trường vấn đề tuyển dụng, sử dụng giáo viên

GD&TĐ - Thời gian qua, việc giám sát, quy hoạch dự báo nhu cầu về số lượng giáo viên chưa kịp thời và hiệu quả. Việc dừng tuyển dụng từ năm 2015, gây ra nhiều bất cập.

 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Quochoi.vn

Chiều 31/10, đại biểu Nguyễn Thị Phúc – đoàn Hưng Yên đặt câu hỏi chất vấn đến Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đồng thời nêu ý kiến: Việc điều động luân chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu gây xáo trộn, bức xúc, thậm chí là tiêu cực cho giáo viên, khiến giáo viên không yên tâm công tác.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm rõ hơn trách nhiệm của mình và của các địa phương trong vấn đề này. Nếu trách nhiệm thuộc về địa phương thì vai trò của Bộ nằm ở đâu. Các cơ quan chuyên môn là sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT không thể chủ động điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học vì vướng Thông tư liên tịch số: 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 29/5/2015 giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ.

“Nhiều cử tri cho rằng, để hạn chế tình trạng trên, cần giao cho cơ quan chuyên môn là Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT chủ trì trong việc sử dụng, tuyển dụng giáo viên, vì chỉ có cơ quan giáo dục mới nắm rõ, xử lý nhanh, kịp thời những biến động của giáo viên. Vậy quan điểm bộ trưởng về vấn đề này?” - đại biểu Nguyễn Thị Phúc đặt câu hỏi.

Đăng đàn trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ GD&ĐT để xây dựng tiêu chuẩn định mức biên chế đối với giáo viên.

Trong thời gian qua, hai bộ đã xây dựng Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 23/8/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo-Bộ Nội vụ “Hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập” và Thông tư liên tịch số 71/2007/TTLT- BGDĐT-BNV ngày 28/11/2007 của Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT “Hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập”.

Theo đó, Bộ Nội vụ có chức năng xây dựng quy định của Nhà nước trong việc tuyển dụng, sử dụng đối với viên chức nói chung, trong đó có giáo viên nói riêng.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng nhận khuyết điểm là trong thời gian qua, việc tổ chức kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên theo định mức biên chế được giao. Do đó, vẫn còn xảy ra tình trạng hợp đồng giáo viên để dạy, trong khi biên chế chưa sử dụng hết.

Về vấn đề trách nhiệm và thẩm quyền, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Chính phủ mới ban hành Nghị định số: 127/2018/NĐ-CP ngày 21/9/2018 quy định quản lý nhà nước về giáo dục.

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2018 và quy định trách nhiệm quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên; trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm và các cơ sở giáo dục khác theo quy định của pháp luật.

Nghị định này áp dụng với các bộ, cơ quan ngang bộ; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; UBND xã, phường, thị trấn; Sở GD&ĐT thuộc UBND cấp tỉnh; Phòng GD&ĐT thuộc UBND cấp huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

“Về vấn đề giao cho cơ quan nào tuyển dụng giáo viên, tôi đề nghị có hướng dẫn và có sự phối hợp chặt chẽ với nhau” – Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ