Nông dân Trần Công Danh thành công với mô hình luân canh phù hợp với biến đổi khí hậu

GD&TĐ - Từ một nông dân bao đời bám cây lúa, anh Trần Công Danh (49 tuổi, ngụ ấp Thới Phước 1, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ) đã tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, bằng việc đưa cây màu xuống ruộng, luân canh “2 lúa - 1 màu” mang lại thành công hơn mong đợi. 

Anh Danh thu hoạch vụ dưa hấu luân canh (áo xanh, bên phải)
Anh Danh thu hoạch vụ dưa hấu luân canh (áo xanh, bên phải)

Từ kinh nghiệm của bản thân, anh Danh đã thành lập Tổ hợp tác để giúp nhiều bà con nông dân trong xã cùng vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ mô hình luân canh phù hợp với biến đổi khí hậu...

Mạnh dạn đưa màu xuống ruộng

Sau thời gian dài làm lúa 3 vụ/ năm, đất càng bạc màu mưa, nắng thất thường và bị hạn hán kéo dài, năng suất giảm nên thu nhập của gia đình anh Danh không ổn định. Ngoài làm đồng nhà anh Danh phải đi sang các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang... để làm thêm, cũng trong thời gian đó, Anh Danh thấy bà con luân canh “2 lúa - 1 màu”, đặc biệt là cây dưa hấu xuống ruộng đạt hiệu quả kinh tế cao, đồng thời giúp cải thiện độ màu mỡ của đất nên quyết định học hỏi làm theo. “ Đầu tiên tôi trồng thí điểm 3 liếp dưa hấu trên ruộng lúa với chế độ phân, thuốc khác nhau. Khi thu hoạch, tôi chọn ra liếp dưa đạt năng suất cao nhất, lấy công thức đó áp dụng đại trà cho các vụ sau”, anh Danh nhớ lại.

Sau khi thu hoạch vụ lúa đông xuân, thay vì tiếp tục xuống giống vụ xuân hè, anh Danh chuyển đổi 1,3 ha đất sang trồng dưa hấu. Anh cho máy gặt đập liên hợp cắt sát gốc lúa, rồi tiến hành làm đất. Theo tính toán của anh Danh, thời gian trồng dưa từ 55 - 57 ngày, trong khi lúa khoảng 90 ngày mới cho thu hoạch. Năng suất trồng dưa hấu rất cao, từ 3 tấn/ công trở lên, có năm trúng vụ lên 4,5 tấn/công, giá từ 3.000- 7.000 đồng/kg (hiệu quả cao hơn gấp từ 3-5 lần trồng lúa).

Đặc biệt, từ năm 2018 tình hình thời tiết bất thường nên anh đã đầu tư chuyển sang trồng dưa hấu sử dụng màng phủ. Tuy mô hình này chi phí đầu tư cao, nhưng hiệu quả mang lại cao hơn trồng theo cách thông thường, Đặc biệt vụ dưa 2018 và đầu năm 2019 anh trúng mùa lại trúng giá nên đạt lãi rất cao.

“Sau vụ dưa, đất có thời gian để phơi khô, lượng phân còn sót lại cộng với dây dưa phân hủy sẽ trả lại lượng chất hữu cơ cho đất đáng kể. Nếu trồng lúa 3 vụ phải bón mỗi công 50 kg phân thì luân canh 2 vụ lúa - 1 vụ dưa hấu, tôi chỉ cần 30 kg mà năng suất lúa lại cao hơn khoảng 100 kg/công” anh Danh chia sẻ thông tin.

Thành lập tổ hợp tác để giúp nhiều người

Những năm qua, nhờ mô hình luân canh “2 lúa - 1 màu” mà gia đình anh Danh vươn lên khá giả, mỗi năm thu nhập lãi trên 1 tỷ đồng trên cánh đồng 6ha của gia đình. Nhiều bà con trong xã thấy mô hình của anh đạt hiệu quả cao đã đến học hỏi kinh nghiệm và được tận tình hướng dẫn.

Để thuận tiện cho việc hỗ trợ bà con, năm 2015, anh cùng với cán bộ Hội Nông dân xã Tân Thạnh thành lập Tổ hợp tác “2 lúa - 1 màu”, gồm 33 thành viên (nay 37 thành viên), với tổng diện tích hơn 42 ha, do mình làm tổ trưởng.

Từ khi thành lập đến nay, anh Danh đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn các thành viên đưa cây màu xuống ruộng. Ngoài hỗ trợ kỹ thuật luân canh lúa- dưa, anh Danh còn đứng ra bảo lãnh cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn mướn đất, mua thiếu phân thuốc đến cuối vụ mới thanh toán, từ đó giúp đỡ hàng chục tổ viên thoát nghèo bền vững.

Anh Trần Văn Trung, ấp Phước Thới 1, chia sẻ: “Trước đây gia đình tui thuộc hộ nghèo có sổ, nhà dột nát, không đất canh tác, sống bằng nghề chăn vịt. Năm 2015, tui mạo mụi đến nhờ anh Danh giúp đỡ và đã được anh đứng ra bảo lãnh thuê đất, mua giống và phân thuốc cho canh tác lúa và trồng dưa hấu. Sau 3 năm gia đình tui đã thoát nghèo, cất được nhà mới khang trang và mua được 5 công đất canh tác”.

Nhận xét về anh Trần Công Danh, bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Cần Thơ chia sẻ: “anh Danh bàn gì bà con cũng nghe theo, điều đáng quý, đáng trân trọng của người nông dân giỏi này là tinh thần đoàn kết, giúp đỡ người khác, chia sẽ kinh nghiệm, xem những khó khăn của bà con, cũng là khó khăn của mình nên luôn nhiệt tình giúp đỡ”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhóm tác giả nghiên cứu bột vỏ sầu riêng làm thức ăn cho vịt giúp nâng cao năng suất và chất lượng vật nuôi.

Vỏ sầu riêng làm thức ăn cho vịt

GD&TĐ - Thức ăn hữu cơ từ bột vỏ sầu riêng lên men giúp vịt mau lớn, tăng sức đề kháng là sản phẩm của nhóm HS Trường THPT Huỳnh Tấn Phát (Bình Đại, Bến Tre).