Đặc sản miền quê nghèo
Hải Phòng nức tiếng với thương hiệu vải Bát Trang. Theo các cụ bô lão trong làng, quả vải được du nhập về xã đã hơn 50 năm nay và trải qua thăng trầm của thời gian, đến nay cây vải là đặc sản quà quê của người Hải Phòng.
Trên khắp cánh đồng vải, bon bon trên những con đường nông thôn mới thẳng tắp, người bẻ vải, người thu mua, vận chuyển vải nói cười rộn vang.
Thôn Trực Trang, xã Bát Trang là nơi có nhiều diện tích vải sớm mang lại thu nhập khá cho bà con nông dân. Theo kinh nghiệm của bà con làm nông nghiệp thì nông sản thường được mùa sẽ mất giá, mà mất mùa thì giá cao. Những hoa trái đầu mùa thường sẽ được giá hơn chính vụ. Vải có nhiều loại như: vải u trứng trắng, vải thiều,... Vải u trứng thường ra hoa, kết trái sớm. Nắm bắt được quy luật, bà con Bát Trang có "bí quyết" để cây vải trứng ra hoa, kết trái sớm, bán được giá hơn.
Theo các hộ trồng vải sớm tại thôn Trực Trang, xã Bát Trang, thì năm nay vải sớm vẫn giữ được giá ở mức như năm ngoái. Tùy vào giống cây vải và chất lượng quả vải mà giá bán tại vườn dao động từ 45.000 – 80.000 đồng/kg. Năm nay do ảnh hưởng của thời tiết nên sản lượng vải sớm giảm từ 40 – 45 % so với năm trước.
Người dân bó vải để xuất cho thương lái. |
Anh Nguyễn Văn Cảnh, thôn Trực Trang, xã Bát Trang cho biết, gia đình anh đang trồng 1,4 mẫu vải sớm. Những quả vải đầu mùa đã được gia đình tiến hành thu lượm để bán giao cho thương lái và các cửa hàng hoa quả trên địa bàn thành phố. Vườn vải của gia đình anh Cảnh thu hoạch tới đâu được bán hết tới đó.
Vốn là địa phương trồng vải truyền thống, anh Cảnh rất say với cây vải và thường nghiên cứu các giống vải cho hiệu quả kinh tế cao. Anh Cảnh cho hay, gia đình anh là một trong những hộ trồng vải lâu năm nhất tại xã Bát Trang. Năm 1997, anh đã đầu tư nhiều giống vải sớm có giá trị như: u trứng trắng, trứng lai, u hồng… Theo nghiên cứu, những giống vải này thường chín sớm hơn so với vải chính vụ 30-40 ngày. Giống vải u trứng trắng, quả to, cùi dày, ăn ngọt vẫn liên tục "cháy hàng". Một cân quả vải trứng trắng dao động từ 20 - 22 quả / kg, nếu được chăm sóc đầy đủ.
Thương lái đến tận vườn nhập mua với giá 80.000 – 90.000 đồng/kg vải trứng trắng. Ngoài các loại vải trên, anh Cảnh cho hay có loại vải u trứng gai, hạt hơi to, cùi mỏng ăn có độ chua nên không được giá, thường dao động ở mức 35.000 – 40.000/kg. Bên cạnh đó, các giống vải sớm thường bán được giá cũng chỉ ở mức 50.000 – 60.000/ kg.
Nắm được quy luật phát triển của cây, nên anh Cảnh luôn tự tin trồng vải u trứng cho ra quả sớm đem lại thu nhập ổn định cho gia đình. Nhiều hộ gia đình tại xã Bát Trang cũng học theo mô hình nhà vườn của anh Cảnh nên kinh tế cũng khấm khá lên.
Nông dân thi nhau phát triển kinh tế
Cũng như nhiều hộ dân khác của xã Bát Trang, năm nay diện tích trồng vải nhà bà Hoàng Thị Vui, thôn Trực Trang bị mất mùa do ảnh hưởng từ thời tiết. Bà Vui cho hay, gia đình bà có 1/3 diện tích trồng vải thiều, còn lại phần lớn diện tích trồng vải u trứng sớm. Nếu thời tiết thuận lợi, hàng năm gia đình bà cũng thu về được từ 7 – 8 tấn vải sớm. Năm nay, sản lượng vải sớm của gia đình bà giảm 40 – 50% so với năm trước. Đáng nói dù kĩ thuật chăm bón vẫn như vậy nhưng nhiều cây không đậu quả. Đầu mùa, vải sớm của gia đình đang bán tại vườn với giá từ 55.000 – 65.000/ kg, gia đình thu về gần 300 triệu đồng từ tiền vải chín sớm.
Dù được chăm bón, kĩ thuật như nhau, nhưng do ảnh hưởng của thời tiết, nhiều cây không có quả. |
Ông Khúc Văn Thức, thôn Trực Trang cũng cho biết, vải u trắng là một trong những giống vải cho quả sớm nhất, bán được giá nhất.
Ông Thức chia sẻ thêm, thông thường vải chính vụ cho loạt quả chín đầu tiên cũng phải vào tháng đầu tháng 5 (âm lịch) giống vải sớm nhà ông bao giờ cũng thu hoạch sớm hơn vải chính vụ cả tháng.Giống vải u trứng thơm ngon đặc trưng, nó có vị ngọt thanh, cùi dày, quả to.
Ông Phan Viết Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Bát Trang cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 160 ha diện tích trồng cây thanh long và cây vải. Trong đó có 80 ha diện tích trồng vải các loại, ½ diện tích trồng vải sớm, tập trung chủ yếu tại thôn Trực Trang.
Nhiều năm nay, nông dân xã Bát Trang cũng đã tìm tòi những giống vải mới cải thiện hơn, quả to, cùi dày, ăn ngọt hơn trước. Cây vải sớm mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho các hộ dân nơi đây. Quả vải cũng là thứ quà quê được giá và người dân ưa chuộng nhất. Từ cây vải nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế, có của ăn của để.