Nông dân Quảng Ninh làm giàu từ nuôi vịt siêu trứng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Anh Bàn Văn Đại (51 tuổi) ở Quảng Ninh kiếm nửa tỷ mỗi năm nhờ nuôi vịt siêu trứng và trồng bưởi da xanh.

Khu vực nuôi vịt bằng nước suối ở trang trại của gia đình anh Đại.
Khu vực nuôi vịt bằng nước suối ở trang trại của gia đình anh Đại.

Dẫn nước suối về trang trại để nuôi vịt

Trang trại của gia đình anh Bàn Văn Đại rộng gần 4ha tại thôn Thác Cát, xã miền núi Hòa Bình, TP Hạ Long (Quảng Ninh).

Năm 2013, anh Đại mạnh dạn vay ngân hàng 700 triệu đồng đầu tư trang trại với đa dạng các loại hình trồng trọt chăn nuôi. Anh sang Hải Dương tìm giống vịt siêu trứng (còn gọi là vịt siêu đẻ), trong đó 100% là loại trắng chuẩn F1, F2.

Từ nuôi thử nghiệm đến đẩy mạnh gia tăng số lượng, với 500 con năm 2013 đến nay trang trại của anh Đại có gần 3.000 vịt siêu trứng. Thời kỳ đỉnh điểm số lượng vịt đạt tới hơn 7.000 con nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên quy mô chuồng trại giảm một nửa.

Để vịt đẻ nhiều và bảo quản trứng tốt, anh Đại xây dựng chuồng đẻ trứng kết hợp ngủ đêm cho vịt rộng hơn 200m2. Chuồng được xây bằng gạch xỉ, mái proximang, cao 3m, có các ô thoáng để lưu thông khí. Dưới nền chuồng trải trấu kết hợp vi sinh khử mùi và rắc vôi, đảm bảo sạch sẽ, đầy đủ hệ thống chiếu sáng.

Bên ngoài anh Đại làm thêm mái che nắng che mưa cho vịt và đặc biệt là bể tắm rộng hơn 100m2. Đây là bể tự đào, sâu 70cm, lấy hoàn toàn từ nước suối dẫn từ đầu nguồn xuống.

Quyết tâm nuôi vịt bằng nguồn nước sạch, anh Đại đầu tư hơn 100 triệu đồng lắp đường ống nhựa đen, dẫn nước hơn 3km xuống bể tắm cho vịt.

Theo anh Đại, nước sạch đóng vai trò rất quan trọng trong việc chăn nuôi gia súc gia cầm, nhưng không phải nơi nào cũng có mạch nước nguồn để tận dụng như ở thôn Thác Cát.

Hưởng ứng chủ trương làm hầm biogas của xã, anh Đại thiết kế bể chứa phân ngay cạnh bể tắm để bảo vệ môi trường. Phân vịt thải ra từ bể tắm sẽ được dẫn xuống bể chứa để giữ lại bên dưới, tận dụng bón cho các loại cây ăn quả.

“Trước đây khi chưa làm bể chứa, phân vịt thải ra gây ô nhiễm môi trường. Giờ áp dụng quy trình khép kín, kết hợp vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, rửa bể 3 lần/tháng và làm hệ thống thoát nước, thấy hiệu quả rất cao”, anh Đại nói.

Vấn đề thức ăn chăn nuôi cũng được anh Đại rất chú trọng để tăng năng suất đẻ cho vịt. Hàng ngày anh cho vịt ăn chủ yếu bằng ngô và cám viên CF88, kết hợp tiêm phòng định kì 2 lần/năm giúp vịt khỏe mạnh, ít dịch bệnh.

Nhờ được tắm tại bể chứa nước suối, môi trường sống cho vịt sạch sẽ nên trứng vịt tại trang trại của anh Đại không bị tanh mà rất thơm ngon, nhiều dinh dưỡng.

Anh Đại cho biết, mỗi ngày trang trại thu hơn 1.000 quả trứng.

Anh Đại cho biết, mỗi ngày trang trại thu hơn 1.000 quả trứng.

Vịt con nuôi hơn 4 tháng bắt đầu đẻ trứng. Tại cùng một thời điểm, cứ 1.000 con vịt thì có 750 con đẻ, 250 con cách đẻ. Mỗi ngày trang trại của anh Đại thu đều đặn hơn 1.000 trứng, giá trứng 3.000 đồng/quả, trừ chi phí cũng được hơn 800.000 đồng/ngày. Lợi nhuận bán trứng gần 30 triệu đồng/tháng, mang lại 300 triệu đồng mỗi năm cho gia đình anh Đại.

Ngoài bán trứng, anh Đại còn thu được lợi nhuận không nhỏ từ việc bán vịt già. Vịt sau 1-2 năm đến thời điểm năng suất đẻ trứng giảm đi sẽ bán cho thương lái với giá 70.000 đồng/con, mang về cho anh Đại nguồn lợi hơn 300 triệu mỗi đợt.

Trồng cam, bưởi hoàn toàn từ phân hữu cơ

Tận dụng phân vịt từ bể chứa để bón cây, anh Đại trồng thêm bưởi da xanh và cam vinh trên diện tích gần 3ha đất màu. Hiện, trang trại của anh Đại có gần 500 gốc bưởi và cam, chia làm 2 khu sát nhau, nằm bên cạnh khe suối.

Giống bưởi da xanh được lấy từ Hưng Yên, quả từ 1,3 đến 2,5kg, vỏ nhẵn xanh, bên trong lòng đào, ăn ngọt mà mọng nước. Cam vinh quả đẹp màu vàng chanh, loại to 4 đến 6 quả/kg, bổ ra thơm nồng và thanh mát.

Để khép kín quy trình, anh Đại làm hệ thống ống dẫn phế thải từ bể chứa xuống các gốc bưởi và cam, tuân thủ chặt chẽ hệ thống nước ra nước vào.

Phân chuồng được ủ với men vi sinh, tăng dinh dưỡng cho đất, mang lại chất lượng an toàn cho trái. Ngoài ra, anh Đại chú trọng làm tốt công tác phòng ngừa sâu bệnh, làm sạch thân cây, phun thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Bưởi da xanh tại trang trại của gia đình anh Đại.

Bưởi da xanh tại trang trại của gia đình anh Đại.

Bưởi da xanh trồng sau 7 năm, cam sau 4 năm mới cho thu hoạch quả. Đến nay, trang trại của anh Đại thu hoạch được hơn 4 năm, với sản lượng gần 4 tấn bưởi lẫn cam mỗi năm.

Giá tại trang trại 25.000 đồng/kg bưởi, 40.000 đồng/kg cam, hàng năm mang về cho gia đình anh Đại hơn 200 triệu đồng.

Nhờ việc đa dạng hóa mô hình trồng trọt chăn nuôi, chịu khó học hỏi kinh nghiệm để chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy trình khép kín, gia đình anh Đại thu lãi hơn nửa tỷ đồng mỗi năm.

Ông Vũ Văn Khương, Chủ tịch hội nông dân xã Hòa Bình cho biết, anh Bàn Văn Đại là một trong những nông dân chịu khó tìm tòi, đa dạng các mô hình chăn nuôi sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

UBND xã, hội nông dân xã thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về trồng trọt chăn nuôi, hỗ trợ người dân tập huấn kỹ thuật, cử cán bộ đến kiểm tra sâu bệnh cho cây trồng và phòng chống dịch bệnh cho gia súc gia cầm tại các trang trại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Lạc quan xây hạnh phúc

GD&TĐ - Chị đang lúi húi dưới bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, nghe tiếng gọi hoảng hốt của mấy đứa nhỏ đang chơi ngoài ngõ vội chạy ra.