Nông dân Fukushima và cuộc đấu tranh lấy lại lòng tin

GD&TĐ - Bí ngô được thái hạt lựu, gà được xẻo thành từng miếng và trứng được đánh ra để làm trứng tráng. Điều đặc biệt của bữa ăn này là chúng không phải được chuẩn bị bởi đầu bếp, mà là các nhà khoa học đang thử nghiệm sản phẩm đến từ vùng Fukushima Nhật Bản.

Khâu kiểm tra từng mẫu thực phẩm được thực hiện rất chặt chẽ tại Fukushima
Khâu kiểm tra từng mẫu thực phẩm được thực hiện rất chặt chẽ tại Fukushima

Hơn bảy năm sau thảm họa hạt nhân (tháng 3/2011) gây ra bởi cơn sóng thần khủng khiếp, quan chức và các chuyên gia sau hàng loạt cuộc thử nghiệm nghiêm ngặt đã công nhận là sản phẩm sản xuất tại Fukushima an toàn và không bị ảnh hưởng bởi hạt nhân. Tuy nhiên, các nhà sản xuất tại đây cho biết họ vẫn chưa thể lấy lại được lòng tin của người tiêu dùng.

Hơn 205.000 mặt hàng thực phẩm đã được kiểm nghiệm tại Trung tâm Công nghệ Nông nghiệp Fukushima từ thời điểm hậu thảm họa, với tiêu chuẩn qui định bởi Nhật Bản là không quá 100
becquerel phóng xạ trên 1 kilogram (Bq / kg). Trong khi đó, tiêu chuẩn của EU là 1.250 Bq/kg và của Mỹ là 1.200 Bq/kg.

Vào năm ngoái, trung tâm báo cáo không có sản phẩm canh tác hoặc chăn nuôi nông trại nào vượt ngoài tiêu chuẩn của chính phủ. Tổng chỉ có 9 mẫu bị vượt quá mức tiêu chuẩn của chính phủ trong hàng chục nghìn mẫu: 8 mẫu đến từ cá nuôi trong ao đất liền và 1 mẫu nấm hoang. Mỗi ngày có hơn 150 mẫu được chuẩn bị, mã hóa, cân và đưa qua máy dò chất bán dẫn germanium tại trung tâm. Quá trình kiểm tra gạo được diễn ra ở nơi khác.

Trong khi bức xạ cũng ảnh hưởng tại 1 số khu vực với các quy trình kiểm tra riêng biệt. Chương trình kiểm tra của Fukushima có tính hệ thống cao nhất, minh chứng cho thiệt hại nghiêm trọng về danh tiếng của khu vực sau thảm họa.

Kenji Kusano, nhân viên tại trung tâm kiểm tra trao đổi: “Một lượng người tiêu dùng Nhật Bản và nước ngoài vẫn còn lo lắng nên chúng tôi phải không ngừng giải thích với họ rằng sản phẩm của chúng tôi hoàn toàn an toàn”.

Phóng xạ đôi khi xuất hiện ở nấm cũng như các loài thực vật hoang dã và chúng được tiêu hủy ngay lập tức nếu độ phóng xạ vượt chuẩn qui định bởi chính phủ.

Kusano cho biết, việc kiểm tra sản phẩm sẽ vẫn còn quan trọng khi nhiều người dân trở lại và sống trong khu vực: “Khi mọi người quay trở lại những khu vực từng bị cấm để sinh sống và lại bắt đầu tự sản xuất rau củ, các sản phẩm này sẽ cần được kiểm tra”.

Thảm họa hạt nhân Fukushima đã tàn phá ngành nông nghiệp địa phương từng phát triển vô cùng mạnh mẽ và thịnh vượng trước đây.

Đại diện tỉnh Fukushima Nobuhide Takahashi cho biết lợi nhuận từ việc bán sản phẩm vẫn chưa đạt được đến ngang mức những năm trước 2011 và giá thành sản phẩm vẫn nằm dưới mức trung bình của quốc gia. Tình hình này còn tệ hơn đối với các ngư dân, trong đó nhiều người phải dựa dẫm hoàn toàn vào tiền bồi thường của nhà điều hành TEPCO ở Fukushima để sống tới tận bây giờ.

Kazunori Yoshida, người điều hành hợp tác xã đánh cá Iwaki cho biết cá được gửi ra thị trường ở Tokyo không còn được nhiều người ưa chuộng.

Kết quả là, ngư dân chỉ mang về 3.200 tấn hải sản từ khu vực trong năm ngoái, giảm mạnh so với con số của năm 2010 là 24.700 tấn. Vấn đề vẫn nằm ở nhận thức của người dân, bất chấp độ an toàn đã được chứng minh trong các phòng thí nghiệm của chính phủ. Giáo sư xã hội học từ ĐH Kitô giáo quốc tế Tokyo, Tomiko Yamaguchi cho biết, nhiều người tiêu dùng bị giằng xé giữa nỗi sợ các sản phẩm từ Fukushima và tình đoàn kết với người dân trong khu vực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ