Nóng chuyện “Dê vàng” vào lớp 10, “Heo vàng” vào lớp 6

GD&TĐ - Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 và lớp 6 tại Hà Nội năm nay dự báo sẽ căng thẳng vì tỉ lệ chọi rất cao. Đây là áp lực lớn không chỉ cho các thí sinh mà còn cho các trường THPT.

Nóng chuyện “Dê vàng” vào lớp 10, “Heo vàng” vào lớp 6

Năm 2003 (Dê vàng) và 2007 (Heo vàng) đều là những năm đẹp, số trẻ được nhiều gia đình chọn năm sinh này đã tăng đột biến.

Theo thống kê, năm nay sẽ có khoảng 109.000 học sinh (sinh năm Quý Mùi 2003) vào lớp 10, tăng hơn 24.000 em so với năm học trước.

Đồng thời sẽ có khoảng 125.000 học sinh (sinh năm Đinh Hợi 2007) bước vào lớp 6, tăng khoảng 11.000 thí sinh so với năm học trước.

Tiếp tục tuyển sinh trực tuyến

Năm học 2018-2019 Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai hình thức tuyển sinh trực tuyến vào các lớp mầm non, lớp 1, lớp 6 kết hợp song song với hình thức tuyển sinh trực tiếp.

Sở khuyến khích phụ huynh học sinh áp dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến để đăng ký dự tuyển cho học sinh vào các lớp mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học tới.

Trong trường hợp quá thời hạn tuyển sinh trực tuyến hoặc vì lý do nào đó mà không thể áp dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến, phụ huynh có thể đến trường nộp hồ sơ trực tiếp cho cán bộ tuyển sinh của nhà trường.

Sở chỉ đạo các trường trên địa bàn phối hợp, tham mưu UBND phường, xã, thị trấn phân bổ các khu dân cư mới vào các địa bàn dân cư theo địa giới hành chính để chuẩn bị cho công tác phân tuyến tuyển sinh được khoa học và hợp lý.

Để chuẩn bị các dữ liệu phục vụ cho hệ thống hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến, các đơn vị phối hợp rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục các trường từ mầm non đến THCS trên địa bàn. Ngoài việc phải phân công các cán bộ, chuyên viên phụ trách tuyển sinh có trách nhiệm trực trong thời gian chuẩn bị và tuyển sinh.

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng thống nhất thời gian các công tác chuẩn bị dữ liệu tuyển sinh đầu cấp và khảo sát chất lượng. Đến ngày 5/2, các phòng tổng hợp danh sách học sinh của các trường, tổ chức lưu trữ phục vụ công tác tuyển sinh năm học 2018 - 2019.

Ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Nếu Bộ GD&ĐT cho áp dụng việc đánh giá năng lực ở một số trường trong kỳ tuyển sinh lớp 6 năm học 2018-2019, Sở sẽ tổ chức khảo sát, đánh giá để có phương án phù hợp nhất.

Cân nhắc tăng chỉ tiêu tuyển sinh

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, dự kiến sẽ khá căng thẳng ở tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập, bởi năm học tới số lượng học sinh tham gia kỳ tuyển sinh tăng hàng vạn học sinh so với năm học trước. Sở cũng cơ bản giữ nguyên kỳ thi giống như năm 2017, chưa có chủ trương thêm môn thi vào lớp 10.

Ngoài ra, tuyển sinh đầu cấp sẽ giữ nguyên chủ trương “3 tăng, 3 giảm”: Tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học; đồng thời giảm số học sinh trái tuyến, giảm số học sinh trên một lớp, giảm số lớp ở những trường quá đông lớp học.

Số học sinh dự tuyển vào lớp 10 tăng vọt khiến áp lực tuyển sinh của các trường công lập cũng sẽ gia tăng nhiều hơn do điều kiện cơ sở vật chất có giới hạn, không cho phép nâng chỉ tiêu tuyển sinh.

Trước tình hình này, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đề xuất thành phố đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng trường, lớp mới.

Sở cũng đang cân nhắc tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường THPT công lập, nhất là các trường thuộc khu vực khó khăn, cũng như xem xét cho phép các trường THPT tự chủ tài chính, trường THPT ngoài công lập được tiếp nhận hồ sơ trúng tuyển vượt chỉ tiêu khoảng 10-20%, tùy theo quy mô, điều kiện cụ thể về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên.

Hiện nay, Sở GD&ĐT Hà Nội đang xây dựng phương án tuyển sinh vào lớp 10 cho năm học 2018-2019. Theo đó, Hà Nội giữ nguyên phương án tuyển sinh như các năm trước là thi kết hợp xét tuyển.

Thí sinh dự tuyển vào lớp 10 hệ không chuyên sẽ thi hai môn Ngữ văn và Toán (nhân hệ số 2) kết hợp xét kết quả học tập, rèn luyện ở bậc THCS, kết quả này được quy ra điểm với mức tối đa là 20 điểm (gồm 4 năm học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt).

Riêng thí sinh dự tuyển vào các trường chuyên của thành phố, sau khi đạt điều kiện tối thiểu (có 4 năm học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt) sẽ phải dự thi 4 môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ (môn điều kiện) và môn chuyên.

Bên cạnh đưa ra phương án tuyển sinh cho các trường công lập nói chung, Sở cũng đang tính toán để đưa ra phương án tuyển sinh hợp lý cho các trường "hot" khi có số hồ sơ nộp vào cao hơn so với chỉ tiêu.

Năm học trước, Hà Nội có 76.000 thí sinh dự thi nhưng chỉ có 57.000 thí sinh vào công lập. Trong đó, 67% học sinh được học công lập, hơn 20% học tư thục, 5% học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên và số còn lại học ở các trường trung cấp chuyên nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.