Thứ nhất: Hạn chế việc các địa phương tự đặt ra các cuộc thi không thực sự cần thiết, lãng phí thời gian, công sức, kinh phí của cả học sinh, cha mẹ các em và nhà trường, chưa nói đến ảnh hưởng đến việc học tập của các em chỉ vì mục đích muốn cho học sinh có thêm điểm trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10.
Nếu việc dạy học hàng ngày ở trường nghiêm túc, chất lượng thì vấn đề làm 2- 3 bài thi tuyển sinh với yêu cầu tối thiểu về kiến thức và kỹ năng đối với học sinh bình thường không phải là quá khó khăn chứ đừng nói đến học sinh khá, giỏi.
Thứ 2: Đưa việc dạy nghề phổ thông trong nhà trường trở lại đúng mục đích của nó chứ không phải là mục tiêu “kiếm” thêm điểm trong kỳ thi tuyển sinh.
Tất nhiên, không thể phủ nhận nội dung, chương trình dạy học nghề phổ thông hiện nay còn nhiều bấp cập, hạn chế.
Tuy nhiên, trong dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông mới mới quy định rõ, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc ở cấp THCS đều tích hợp nội dung giáo dục hướng nghiệp; ở lớp 8 và lớp 9, các môn học Công nghệ, Tin học, Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật, Giáo dục công dân, Hoạt động trải nghiệm và Nội dung giáo dục của địa phương có học phần hoặc chủ đề về nội dung giáo dục hướng nghiệp.
Thứ 3: Dù mức điểm chuẩn để trúng tuyển vào lớp 10 ở từng địa phương, ở từng trường THCS chắc chắn sẽ khác nhau, nhưng nếu bỏ quy định cộng điểm khuyến khích trong tuyển sinh sẽ góp phần sàng lọc học sinh trúng tuyển, tránh tình trạng một số em … rớt oan vì thua điểm khuyến khích so với một số bạn.
Thứ 4: Đối với học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, việc không cộng điểm khuyến khích không ảnh hưởng đến các em vì thông thường đề chỉ ra ở mức độ kiểm tra kiến thức và kỹ năng cơ bản mà thôi.
Đã có bao nhiêu học sinh vì tham gia bồi dưỡng thi học sinh giỏi mà không đỗ vào lớp 10? Chúng tôi mạnh dạn khẳng định rằng không có, nếu có thì là chuyện…vô cùng cá biệt và cần phải xem lại cách thức tuyển chọn, thực hiện bồi dưỡng của trường THCS đó.
Tuy nhiên, ông Bùi Quý Khiêm cũng cho rằng, việc thay đổi nào cũng cần có quá trình của nó để thích ứng với thực tiễn cuộc sống; đồng thời đề xuất Bộ GD&ĐT vẫn thực hiện chủ trương bỏ điểm khuyến khích trong tuyển sinh lớp 10 nhưng cần thực hiện có lộ trình.
Ví dụ như trong kỳ tuyển sinh lớp 10 năm 2018, chỉ cộng điểm khuyến khích cho học sinh đạt giải I trong kỳ thi chọn học sinh giỏi THCS cấp tỉnh; đối với nghề phổ thông, chỉ cộng điểm khuyến khích cho học sinh đạt loại “Giỏi” ở nhựng vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn. Đến kỳ thi tuyển sinh năm 2019, bỏ tất cả điểm khuyến khích…
Bỏ điểm khuyến khích không phải việc đột ngột
Ông Bùi Qúy Khiêm cho biết: Hiện nay, việc tuyển sinh đầu cấp THPT (lớp 10) thực hiện theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014 (Thông tư) của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT). Tại Khoản 3, Điều 7 của Thông tư quy định việc tuyển thẳng, chế độ ưu tiên, khuyến khích ghi rõ : “ Sở giáo dục và đào tạo quy định đối tượng và điểm cộng thêm cho từng loại đối tượng được hưởng chế độ khuyến khích.”.
Thực hiện khoản này, các Sở GDĐT đã quy định học sinh có chứng chỉ nghề phổ thông, đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi… cấp tỉnh sẽ được cộng điểm khuyến khích trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10.
Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã công bố Dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS và THPT đang được Bộ GD-ĐT công bố để trưng cầu ý kiến. Trong Dự thảo, Bộ GD&ĐT đã bỏ quy định các Sở GD&ĐT được quy định đối tượng và điểm cộng thêm cho từng loại đối tượng được hưởng chế độ khuyến khích.
Nếu dự thảo này được thông qua và chính thức ban hành thì có thể sẽ được áp dụng ngay cho năm học 2018-2019. Theo đó, học sinh dự tuyển vào các trường THPT sẽ không được cộng điểm khuyến khích như trước đây.
Về quy định trên của Bộ, có hai luồng dư luận khác nhau. Những người đồng tình thì cho rằng việc bỏ cộng điểm khuyến khích trong thi tuyển sinh lớp 10 để hạn chế đến mức thấp nhất các cuộc thi không cần thiết đã và đang được tổ chức tràn lan nhằm kiếm thêm điểm khuyến khích cho học sinh hay việc học sinh thi nghề phổ thông chỉ để kiếm thêm điểm khuyến khích trong kỳ thi tuyển sinh mà thôi vì có học sinh nào sau tốt nghiệp THCS có thể mang kiến thức về nghề đã được học trong trường để kiếm sống được đâu…
Những người không đồng tình thì cho rằng, nếu Bộ bãi bỏ quy định về điểm khuyến khích thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc dạy nghề phổ thông trong trường THCS và không nhiều cha mẹ mặn mà với việc cho con tham gia thi học sinh giỏi các cấp…
Ông Bùi Qúy Khiêm dẫn lời ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) trao đổi với báo chí: thực tế thời gian qua có quá nhiều cuộc thi dành cho học sinh ở các địa phương gây áp lực cho các em, ít nhiều ảnh hưởng tới việc học tập chính khóa của học sinh trong các nhà trường.
Trước đó, tháng 5/2017, Bộ GD&ĐT có văn bản yêu cầu các địa phương rà soát các cuộc thi và tuyệt đối không dùng kết quả các cuộc thi này để tính thành tích, cộng điểm hoặc xét tuyển thẳng khi tuyển sinh đầu cấp.
Tháng 12/2017, Bộ GD&ĐT tiếp tục có văn bản thông báo việc Bộ GDĐT không chủ trì tổ chức các cuộc thi Toán, Tiếng Anh, Vật lý qua mạng…và yêu cầu các sở GD&ĐT rà soát các cuộc thi do địa phương tổ chức để đảm bảo tính lành mạnh, thiết thực, tuyệt đối không thu phí, không thành lập đội tuyển và không lấy kết quả làm thành tích thi đua của học sinh và các nhà trường.
Việc bỏ quy định sở GD&ĐT xét cộng điểm khuyến khích trong tuyển sinh đầu cấp cũng là một trong những giải pháp để thanh lọc các cuộc thi bị biến tướng, chạy theo thành tích. Và đây không phải việc đột ngột mà đã có các văn bản chỉ đạo cho các sở GD&ĐT từ trước năm học 2017-2018.