Nới và thắt hợp lý cho người đẹp đi thi quốc tế

GD&TĐ - Mới đây, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, đang đề xuất sửa đổi Nghị định số 79/2012 và Nghị định số 15/2016 của Chính phủ về biểu diễn nghệ thuật, trong đó có nội dung thi người đẹp. 

Nới và thắt hợp lý cho người đẹp đi thi quốc tế

Mặc dù mới chỉ là dự kiến nhưng ý tưởng “cởi trói” sẽ tạo điều kiện cho người đẹp có nhiều cơ hội tỏa sáng tại các cuộc thi sắc đẹp quốc tế.

“Mở cửa” để vẻ đẹp Việt tỏa sáng

Trong những năm gần đây, không năm nào ở Việt Nam không có những trường hợp vượt rào “thi chui”. Những cái tên như: Cao Thùy Linh, Kim Duyên, Huỳnh Thúy Anh, Diệu Linh, Tường Vy, Lâm Thùy Anh, Oanh Yến... vẫn còn được lưu trong hồ sơ xử phạt “thi chui” của Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Theo quy định, chỉ 3 người đẹp đạt danh hiệu cao nhất tại các cuộc thi Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp… mới được cấp phép dự thi các cuộc thi quốc tế. Và điều này từng khiến nhiều chuyên gia lên tiếng gọi đó là “vòng kim cô”.

Mới đây, Cục Nghệ thuật biểu diễn đang rà soát tình hình thực tế, kiến nghị soạn thảo nghị định mới thay thế Nghị định 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc sân khấu, và Nghị định 15/2016/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 79/2012/NĐ-CP do có nhiều bất cập. Trong đó, thủ tục cấp phép cho người đẹp, người mẫu thi quốc tế là một phần được chú ý điều chỉnh, nhằm tạo điều kiện cho người đẹp Việt Nam tỏa sáng.

Ngày 9/6/2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 846/QĐ-TTg ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương năm 2017, trong đó có việc cấp phép đưa thí sinh đi tham dự cuộc thi người đẹp, người mẫu quốc tế. Từ tháng 9/2017, các tổ chức, cá nhân có thể xin phép cho công dân Việt Nam thi sắc đẹp ở nước ngoài qua cổng thông tin của Bộ VH-TT&DL và Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Thực tế, có rất nhiều người tài năng thực sự nhưng vì nhiều lý do khách quan và chủ quan nên họ có thể không thi trước đó hoặc không trong top 3 cuộc thi nào. Vì thế, việc mở rộng giới hạn sẽ tạo cơ hội cho những người đẹp khác, tạo tính công bằng trong thi chọn và có tính cạnh tranh cao làm cho việc chọn người được chính xác.

Quản sao để không “loạn” danh xưng?

Có thể thấy, các cuộc thi nhan sắc là một trong các kênh quảng bá du lịch Việt Nam một cách tốt nhất ra toàn thế giới, đã đến lúc các qui định liên quan cần được các nhà quản lý xem xét, chỉnh sửa để phù hợp hơn với thực tiễn.

Hiện nay phần lớn các cuộc thi sắc đẹp trên thế giới đều không thuộc quyền quản lý của các cơ quan Nhà nước, họ được tự do tổ chức các cuộc thi quốc gia và tiếp tục thi các cuộc thi quốc tế. Ví dụ, cuộc thi Miss Universe thuộc Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe Organization) được tạo thành bởi sự cộng tác giữa NBC và ông Donald Trump (nhiều năm trước khi thành Tổng thống Mỹ); cuộc thi Hoa hậu Thế giới thuộc Công ty TNHH Hoa hậu Thế giới là một công ty tư nhân do ông Eric Morley sáng lập và hiện nay bà Julia Morley (vợ ông) làm chủ tịch cuộc thi. Vì thế, họ được phép gửi thư mời trực tiếp cho các người đẹp ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến cho rằng, chỉ nên nới lỏng, điều chỉnh điều kiện cấp phép cho người đẹp đi thi quốc tế. Nếu bỏ qua khâu cấp phép từ cơ quan quản lý thì có thể dẫn tới một số hệ lụy, như để lọt thí sinh đang có vấn đề về pháp luật chẳng hạn.

Thực tế, không ít thí sinh coi việc tham gia các cuộc thi nhan sắc chỉ để dễ dàng bước chân vào showbiz. Nếu được “thả cửa”, liệu có gia tăng tình trạng lợi dụng danh hiệu để kiếm tiền? Vì thế, “cởi trói” không có nghĩa là buông, vấn đề đặt ra là cách thức khích lệ, quản lý người đẹp đi thi sao cho hiệu quả mà vẫn không cứng nhắc, hành chính hóa.

Ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL cho rằng, mỗi cuộc thi nhan sắc quốc tế đều có tiêu chí, quy định riêng. Thay vì khắt khe trong việc xét thủ tục cấp phép, cơ quan quản lý có thể chuyển trọng tâm sang khâu hậu kiểm. Nếu thí sinh nào đó gây điều tiếng, hoặc để lại hậu quả thì khi trở về sẽ xem xét xử lý.

Cơ quan quản lý Nhà nước nên đề cao trách nhiệm của các công ty quản lý người mẫu, người đẹp và các đơn vị cử thí sinh tham dự cuộc thi quốc tế. Các đơn vị này cần tăng cường giám sát, bảo đảm chất lượng thí sinh và nội dung biểu diễn, tránh để xảy ra hệ lụy, ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ