Nôi ươm mầm cách mạng

GD&TĐ - Mỗi dịp thu sang, thầy Lê Xuân Bột, nguyên GV Ngữ văn, Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (Cần Thơ) lại kể cho con cháu nghe công cuộc diệt giặc dốt, đào tạo các thế hệ HS làm nòng cốt tham gia phong trào cách mạng.

Lớp học của học sinh đồng bào dân tộc Tây Bắc được tổ chức sau Cách mạng tháng Tám.
Lớp học của học sinh đồng bào dân tộc Tây Bắc được tổ chức sau Cách mạng tháng Tám.

Còn mãi phong trào Bình dân học vụ

Tôi thuộc lớp người sinh ra trước Cách mạng tháng Tám (CMT8) một năm. Phong trào Bình dân học vụ (BDHV) được Bác Hồ phát động khi tôi được hơn một tuổi nên chưa biết gì. Song, nghe nói, ba tôi đi hoạt động cách mạng trong phong trào Việt Minh và tham gia dạy xóa mù chữ cho bà con trong xã. Cũng nhờ phong trào này mà mẹ và các anh chị tôi được đi học, biết chữ. Sau này lớn lên tôi càng hiểu rõ tầm quan trọng của việc diệt “giặc dốt”. Và bản thân, tiếp bước cha anh, tôi lại theo nghề dạy học, tham gia dạy bổ túc văn hóa (BTVH) cho tới ngày nghỉ hưu.

Biết bao kỷ niệm vui buồn theo tôi từ những lớp học BDHV sau CMT8 đến các lớp mẫu giáo, tiểu học, trung học và đại học… Ra trường, lên Tây Bắc khi dạy ở Trường Sư phạm Nghĩa Lộ, tôi lại tham gia dạy xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc. Khi dạy sư phạm, phổ thông, khi làm cán bộ chuyên môn ở phòng giáo dục, sở giáo dục, phụ trách trung tâm giáo dục thường xuyên (thực chất là các lớp BTVH cho cán bộ, công nhân và học sinh quá độ tuổi đi học phổ thông), tôi vẫn có duyên với BTVH.

Nhớ lại chỉ một ngày sau CMT8 thành công, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, ngày 3/9/1945 tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị mở chiến dịch “Chống nạn mù chữ”. Bác nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Đến ngày 8/9/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành ngay sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ. Việc học chữ Quốc ngữ bắt buộc cho tất cả mọi người.

Đầu tháng 10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi chống nạn thất học”. Bác viết: “Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí… Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ. Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức vào Bình dân học vụ. Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết…”.

Nhà giáo Lê Xuân Bột - Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên giáo viên Văn học.
Nhà giáo Lê Xuân Bột - Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên giáo viên Văn học.

Để thúc giục người dân học chữ, một số nơi còn dựng “cổng sáng” và “cổng mù” ở đầu chợ để “đố chữ”. Người muốn vào chợ phải đọc vài chữ, ai đọc được thì cho đi “cổng sáng” sạch sẽ. Ai không biết đọc thì phải đi “cổng mù”, “cổng tối” có sình lầy, cỏ gai để vào chợ.

Có những câu ca dao lấy tiêu chuẩn biết “xóa mù” làm nét đẹp hơn hình thức: “Hỡi cô má đỏ hồng hồng/ Vì cô mù chữ cho chồng cô chê”. Sau này lớn hơn khoảng 5 - 6 tuổi tôi được ba dạy 24 chữ cái rồi đưa đến nhà một ông “giáo làng” để xin học chữ Quốc ngữ và Toán. Mỗi tối, tôi thường cùng các bạn thiếu niên đi rước đuốc, gõ trống để kêu gọi người dân ra đình học lớp xóa mù.

Những năm học cấp 1 ở xã hay học cấp 2, cấp 3 ở huyện, dịp nghỉ hè, tôi lại tham gia dạy BTVH, hoặc đi viết khẩu hiệu trên tường, trên nong nia của mỗi nhà để ngoài cổng, cổ vũ cho phong trào “xóa mù”. Ví dụ viết những câu dao như: “Chúng ta vâng lệnh Cụ Hồ/ Cả nhà học tốt giành cờ thi đua”. Hay “Học là học để làm người/ Biết điều nhân nghĩa, biết lời thị phi”. Hoặc “Làm người muốn được khôn ngoan/ Phải ra sức học đàng hoàng mới hay”.

Tiếp nối con đường dạy chữ

Sau này khi đi dạy học, tôi vẫn tiếp tục tham gia dạy các lớp BTVH ban đêm cho nhiều đối tượng. Năm mới ra trường, tôi xung phong lên miền núi Tây Bắc dạy học theo phong trào “Ánh sáng văn hóa” đem chữ Cụ Hồ tới đồng bào vùng cao của Khu tự trị Tây Bắc, theo lời kêu gọi của Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc bấy giờ: “Tây Bắc là hòn ngọc ngày mai của Tổ quốc”.

Ngoài giờ lên lớp chính thức ở Trường Sư phạm dân tộc Nghĩa Lộ (nay là tỉnh Yên Bái), ngày Chủ nhật và tối thứ 7, tôi dạy lớp BTVH cho bà con dân tộc Thái, Tày ở các bản Đại Lịch, Thanh Lương, Phúc Sơn, Nghĩa Sơn… Làm sao để bà con nơi đây biết đọc, biết viết, biết ký các giấy tờ khi cần.

Những năm 1966 - 1975, dạy xóa mù theo phương pháp dạy bài thơ hay bài hát đơn giản cho họ thuộc trước. Sau đó mới phân ra từng chữ theo các câu. Với cách dạy này, chỉ sau 3 tuần người học có thể biết được 24 chữ cái và ghép vần để đọc. Chúng tôi thường lấy bài Quốc ca để dạy, một công đôi việc.

Người học vừa thuộc bài Quốc ca vừa biết được các chữ cái trong bài để ghi nhớ, rồi từ đó suy ra các chữ khác. Ví dụ câu: “Đoàn quân Việt Nam đi”, thì có các chữ cái: đ, o, a, n, q, u, â, v, i, ê, t, m… Từ đó tập ghép vần (Ví dụ chữ đoàn: thì đọc là: oa nờ oan, đờ oan đoan, huyền đoàn. Sau 3 tháng học, cơ bản người dân đã biết đọc, biết viết những câu đơn giản.

Những năm về làm cán bộ chuyên môn Phòng Giáo dục huyện Văn Chấn, tỉnh Nghĩa Lộ, tôi được phân công phụ trách mảng BTVH của các huyện, thị. Mỗi lần đi kiểm tra từ trung tâm thị xã tới các xã vùng cao. Nếu đi bộ phải mất gần 3 ngày mới tới, còn đi xe đạp thì vừa đi vừa dắt cũng mất hơn một ngày. Dọc đường thì vào nhà dân hoặc trường học, cơ quan nào gần đường xin nghỉ qua đêm. Sáng ra lại đi.

Có lần vượt đèo Lũng Lô khi lên 7km, khi xuống 5km, hoặc vượt đèo Khau Phạ ở huyện Mù Cang Chải cả lên và xuống dốc gần 30km. Rồi các đèo Ách, đèo Bẳn, đèo Cuồng… vất vả vô cùng. Nhưng khi đến với các lớp học BTVH ở vùng cao dù chỉ vài ba học viên ở trình độ khác nhau nhưng vẫn thấy vui, quên cả mệt nhọc vì các học viên thương các thầy cô giáo lắm. Nhà thơ Lê Đình Cánh đã viết: “Em đi “bán chữ” trên rừng/ Đã qua mặn ngọt, đã từng cay chua/ Đất nghèo, chữ ít người mua/ Ế hàng không nỡ phân bua nửa lời…” (Em đi).

Năm 2018, sau gần 40 năm xa Nghĩa Lộ, tôi trở lại thăm con người và mảnh đất nơi đây. Tất cả đã đổi thay nhiều. Nhà cao tầng, nhà hàng khách sạn mọc lên. Bản làng hầu như không còn túp lều lợp cỏ tranh mà thay vào đó là nhà lợp gỗ hay lợp ngói, lợp tôn...

Nhiều em học sư phạm, học BTVH khi xưa nay đã là cán bộ... Em Sùng A Vư, dân tộc Mông làm cán bộ huyện, em Lường Thị Yên làm ở Đài Phát thanh thị xã, em Nguyễn Thị Thuận, Trần Thị Nghĩa làm Hiệu trưởng trường tiểu học… và các thầy cô giáo trường sư phạm bên mâm cơm ly rượu ôn lại kỷ niệm xưa – một thời gian khổ, gắn bó với Tây Bắc. Vây quanh vòng xòe cùng múa, hát lại những bài ca năm xưa mà lòng thấy rưng rưng, lưu luyến…

Giờ dạy từ ngữ bằng phương pháp trực quan cho học sinh dân tộc của thầy Lê Xuân Bột. Ảnh: Mai Nam
Giờ dạy từ ngữ bằng phương pháp trực quan cho học sinh dân tộc của thầy Lê Xuân Bột. Ảnh: Mai Nam

Hành trang tiếp bước

Chiến tranh biên giới nổ ra, tôi được tăng cường cho Giáo dục miền Nam do Bộ điều động. Có lẽ tôi có duyên với BTVH, khi về Cần Thơ, Sở Giáo dục phân công về dạy Trường BTVH Công nông cấp 2-3 Lý Tự Trọng, Hậu Giang. Đây là ngôi trường có tiền thân là Trường BTVH Công nông Lý Tự Trọng từ trong chiến khu những năm 1962 - 1963, đóng ở huyện Phan Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau để dạy cho con em cán bộ, chiến sĩ, tạo nguồn cán bộ cho khu Tây Nam Bộ. Sau giải phóng miền Nam, trường được chuyển về Cần Thơ, thuộc tỉnh Hậu Giang.

Bấy giờ đối tượng đi học là cán bộ và con em gia đình thương binh - liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, Nhà nước nuôi hoàn toàn. Các em học 2 năm 3 lớp mà khi ra trường đều trưởng thành, là cán bộ cốt cán cho các sở, ban, ngành. Nếu kể cả các em học trong chiến khu cho tới năm 1990, có học sinh đã làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục như bà Đặng Huỳnh Mai (quê Vĩnh Long), bà Phạm Phương Thảo - Phó Bí thư Thành ủy TPHCM (quê Bạc Liêu), Trung tướng Nguyễn Việt Quân, Thiếu tướng Vũ Cao Quân (Quân khu 9), Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung, Giám đốc Sở Công an Cần Thơ Nguyễn Văn Thuận, Phó Chủ tịch tỉnh Cần Thơ Tô Minh Giới, Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ Huỳnh Thị Ngô Minh…

Ngoài dạy các lớp của Trường BTVH Công nông Lý Tự Trọng, tôi còn đi dạy thêm ban đêm cho các lớp BTVH của Trung tâm Giáo dục TP Cần Thơ theo lời mời của các trường. Dạy BTVH khó hơn dạy các lớp phổ thông, vì đa phần người học bị hổng kiến thức cơ bản ở lớp dưới, hoặc vì bận công việc mà không có thời gian ôn luyện. Người dạy phải biết tâm lý lứa tuổi các đối tượng học trong một lớp. Có em đang học dở cấp 2 vì hoàn cảnh phải nghỉ học, có anh chị là bộ đội, công an, công nhân xí nghiệp, có người trên dưới 60 tuổi… đa số là vừa đi học vừa đi làm. Tuy vậy, nhiều em rất thành đạt, sau này giữ các chức vụ chủ chốt ở các sở, ban, ngành, đoàn thể…

Cho tới năm 1990, Trường BTVH Công nông Lý Tự Trọng giải thể sau gần 30 năm làm nhiệm vụ đào tạo văn hóa cho hàng nghìn cán bộ nguồn của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Trang sử vàng của Trường BTVH Lý Tự Trọng, Cần Thơ khép lại bằng sự tuyên dương của Chính phủ với danh hiệu Anh hùng cho nhà trường. Trường lại đổi tên và mở ra một trang sử mới là Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, Cần Thơ, đào tạo học sinh giỏi, bồi dưỡng nhân tài cho Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhớ lại những ngày đã qua cùng lớn lên với phong trào Bình dân học vụ nói riêng và ngành Giáo dục nói chung, tôi thấy vui và tự hào mình đã góp một phần nhỏ bé để xóa nạn mù chữ, đem “ánh sáng văn hóa”, đem chữ Cụ Hồ cho đồng bào từ miền núi cao tới vùng đồng bằng hay đô thị. Mãi mãi đó là những kỷ niệm đẹp xanh cùng năm tháng, là hành trang tiếp bước tôi trên mỗi chặng đường dài. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thắng cử dễ, cầm quyền khó

GD&TĐ - Những nghi lễ nhậm chức trang trọng không còn lạ lẫm với ông Vladimir Putin khi chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ tổng thống lần thứ 5 ở nước Nga.