Nơi thần thoại giao thoa với đời thực

GD&TĐ - Từ thành Troia truyền thuyết đến đỉnh Olympus, cả rừng Sherwood lẫn thế giới của người Hobbit, tất cả đều thật sự tồn tại trên mặt đất. Chúng có thể dễ hoặc khó tiếp cận, nhưng không nơi nào là không thể đến. Và lẽ dĩ nhiên, những địa danh vốn đã đẹp như viễn tưởng trong miêu tả của thần thoại cũng vẫn đẹp vô hạn giữa đời thực, đủ để bất cứ ai cũng phải gật gù thừa nhận, chúng xứng đáng làm nền cho những tác phẩm huyền ảo.

Trận chiến thành Troia trong truyền thuyết
Trận chiến thành Troia trong truyền thuyết

1. Tàn tích thành Troia

Nếu mê mẩn thần thoại Hy Lạp, bạn chắc chắn biết đến thành Troia, địa điểm xảy ra chiến trận dữ dội nhất. Cả hai thiên sử thi đồ sộ của Homer, “Iliad” và “Odyssey” cũng lấy thành này làm bối cảnh.

Cái thú vị là thành Troia truyền thuyết lại tồn tại ngay giữa đời thường. Bây giờ, bạn vẫn có thể thấy tàn tích của nó nằm ở Anatolia, Thổ Nhĩ Kỳ. Troia được xây dựng trong khoảng 3000-2600 trước Công nguyên. Toàn bộ thành được bao bọc bởi một bức tường cao hơn 5m, xây bằng đá vôi, có hệ thống tháp canh nghiêm ngặt. Nó chính xác là một thành lũy nghiêng về phòng thủ, tương ứng với các miêu tả trong thần thoại Hy Lạp.

 
Thành Troia ngày xưa (ảnh trên) và tàn tích thành Troia ngày nay tại Anatolia, Thổ Nhĩ Kỳ (ảnh dưới)

Thành Troia ngày xưa (ảnh trên) và tàn tích thành Troia ngày nay tại Anatolia, Thổ Nhĩ Kỳ (ảnh dưới)

2. Đỉnh Olympus

Cũng theo thần thoại Hy Lạp, 12 vị thần tối cao của thiên địa sống trên đỉnh núi có tên là Olympus. Hầu hết các sự kiện quan trọng trong thế giới của các thần đều diễn ra tại đỉnh núi này.

Rất khó để tới đỉnh núi Olympus đời thực, nhưng nếu đủ chuyên nghiệp và đam mê, bạn vẫn có thể lên tới vị trí mà 12 vị thần tối cao ưa hội họp, đàm đạo. Olympus nằm trên biên giới giữa Hy Lạp và Macedonia, là một trong những đỉnh núi nổi danh của châu Âu. Nó cao tới hơn 3km so với mực nước biển, có hàng chục đỉnh khác nhau, và đỉnh cao nhất thì luôn được sương mù bao phủ hệt như những gì được nhắc tới trong thần thoại.

Đỉnh Olympus nằm giữa biên giới Hy Lạp và Macedonia
Đỉnh Olympus nằm giữa biên giới Hy Lạp và Macedonia
 

3. Hồ Loch Ness

Hầu hết chúng ta đều biết về câu chuyện quái vật hồ Loch Ness. Nó xuất hiện vào thập niên 1930, gây xôn xao dư luận và là đề tài nóng cho các báo chí cùng thời tha hồ giật title. Tuy nhiên, huyền thoại quái vật hồ Loch Ness thực ra có từ lâu hơn nhiều. Nó bắt đầu từ tận Thế kỷ VI, trong hồ Loch Ness, một hồ sâu thuộc Cao nguyên Scotland.

Độ sâu trung bình của hồ Loch Ness rơi vào tầm 122m. Rất dễ để hiểu tại sao người Scotland xưa lại tưởng tượng dưới lòng hồ sâu và tối ấy có nuôi một con quái vật. Vấn đề là vào những năm 1930, có người lại chụp được cả ảnh của con quái vật ấy, đánh thức huyền thoại ngủ yên trong lòng hồ. Dù chẳng rõ bức ảnh đó là thật hay giả, nhưng rõ ràng hồ Loch Ness đã trở thành địa điểm du lịch nổi danh nhờ có nó. Bạn có thể không gặp quái vật hồ Loch Ness, nhưng nếu muốn ngắm nhìn hồ Loch Ness thì chỉ việc đến Cao nguyên Scotland tìm thăm mà thôi.

 
Hồ Loch Ness nằm trong vùng Cao nguyên Scotland
Hồ Loch Ness nằm trong vùng Cao nguyên Scotland

4. Hobbiton

Kể từ khi loạt truyện “Chúa tể của những chiếc nhẫn” của J.R.R. Tolkien được chuyển thể thành phim, New Zealand cũng được biết đến trên toàn cầu. Lý do rất đơn giản, vì nhiều địa điểm của quốc gia này đã được dùng làm trường quay. Trong các địa điểm ấy, nổi bật hơn cả là Hobbiton ở Matamata, Đảo Bắc.

Trước khi trở thành Hobbiton, vùng đất của những người tí hon Hobbit, khu vực này chỉ đơn giản là một trang trại cừu. Nó rộng chừng 500 hecta, là đồng cỏ thuộc quyền sở hữu của nhà Alexander, nuôi tổng cộng 13.000 con cừu và 300 con bò. Nhưng vào năm 1998, khi đạo diễn Peter Jackson tìm đến đây, ông đã thấy được ở đồng cỏ tẻ nhạt ấy một tiềm năng ghi hình vô hạn. Jackson liền thương thảo với chủ đất. Khi ông ngã giá xong, Hobbiton cũng được khởi công. Chẳng bao lâu sau đó, 37 hốc nhà tí hon trong lòng đất được hình thành. Bên ngoài các ngôi nhà ngầm là những bậc thang đá, cổng gỗ xinh xẻo cùng vườn tược bát ngát hoa tươi và cỏ non xanh tốt.

Sau khi phần “Người Hobbit” trong “Chúa tể của những chiếc nhẫn” lên sóng, Hobbiton nổi danh rần rần. Du khách nườm nượp kéo đến, khiến cho Matamata không tiếc tiền đầu tư thêm, điểm tô cho Hobbiton đã đẹp lại vạn phần đẹp hơn nữa.

Mảnh đất của người tí hon Hobbit nằm tại Matamata, Đảo Bắc, New Zealand

Mảnh đất của người tí hon Hobbit nằm tại Matamata, Đảo Bắc, New Zealand

5. Rừng Sherwood

Bạn đã từng nghe kể về Robin Hood, nhân vật anh hùng trong các giai thoại dân gian của người Anh chưa? Đó là một cung thủ kiêm kiếm khách cừ khôi, ưa “cướp của nhà giàu chia cho dân nghèo”. Chính vì sự “hành hiệp trượng nghĩa” này mà dù Robin Hood có chính xác là một gã cướp, người ta vẫn hết sức nể phục. Nghe đâu cái danh Robin Hood đã bắt đầu từ Thế kỷ XIII, sau đó thì sống mãi trong văn học nghệ thuật Anh.

Và bạn có biết đến Robin Hood thường ẩn nấp trong khu rừng có tên là Sherwood không? Nhưng khác với Robin Hood nửa hư nửa thật, Sherwood là thật toàn phần. Tuy bây giờ nó nhỏ bé hơn so với thời Robin Hood tung hoành rất nhiều, nhưng vẫn giữ được cây sồi già nhất Major Oak, 1000 tuổi. Suốt từ thời trung cổ, rừng Sherwood luôn là nơi diễn ra lễ hội Robin Hood thường niên. Sau loạt phim truyền hình “Robin Hood”, khu rừng này lại càng trở nên nổi tiếng. Hiện tại, nó đang được xem là khu vực đặc biệt của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Quốc gia Anh.

Cây sồi Major Oak 1.000 tuổi của rừng Sherwood và nhân vật anh hùng Robin Hood
Cây sồi Major Oak 1.000 tuổi của rừng Sherwood và nhân vật anh hùng Robin Hood 

6. Giant’s Causeway

Truyền thuyết Ireland kể rằng, ngày xửa ngày xưa, ở Ireland có một chiến binh cao to, khỏe mạnh vượt trội tên là Finn McCool. Còn ở đất nước láng giềng Scotland thì có một gã khổng lồ tên là Benandonner. Vì Scotland và Ireland ngăn cách với nhau bởi biển nên Benandonner và Finn McCool cũng không nhìn thấy nhau. Dẫu vậy, cả hai vẫn cứ gào thét, thách thức nhau từ hai bên bờ đối diện.

Thế rồi chịu hết xiết, Finn McCool nổi điên bê đá đắp đê vượt biển để đến được bên kia. Ông gồng mình chuyển những tảng đá lớn từ vùng Antrim xuống biển, nhưng khi đã đến nơi, nhìn thấy Benandonner thì Finn McCool kinh hãi đến rụng rời. Trong khi Finn McCool chỉ là một người cao to hơn kẻ khác, thì Benandonner thực sự là gã khổng lồ. Ông ta lớn gấp nhiều lần Finn McCool. Lập tức, Finn McCool bỏ cuộc. Ông chỉ ước sao có thể êm thấm rút lui mà không đánh động gã khổng lồ đang vừa dẫm những bước chân rung động cả mặt đất vừa la hét đòi giết chết mình trên bờ Scotland.

Vừa rút chạy, Finn McCool vừa phá hủy con đê mới đắp để Benandonner không thể theo đó mà tóm được mình. Nhưng xui xẻo cho Finn McCool, gã không lồ đã phát hiện thấy ông “chuồn êm” và co giò rượt đuổi. Finn McCool cũng phải co giò bỏ chạy, nên thành ra mới để lại Giant’s Causeway (Đê của người khổng lồ) dở dang trên biển Ireland như bây giờ.

Tất nhiên là Giant’s Causeway thật sự không thể nào là sản phẩm của một người được. Nó là công trình của tạo hóa, được nhiên tạo sau một vụ phun trào núi lửa từ thời tiền sử, bao gồm khoảng 40.000 cột đá hình lục giác màu đen, xếp ngay ngắn trên bờ biển hạt Altrim, Bắc Ireland.

Giant’s Causeway và Finn McCool
Giant’s Causeway và Finn McCool
Theo Mnn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ