Nỗi oan của vị Thái sư Khai khoa “hóa hổ”

GD&TĐ - Lê Văn Thịnh là người đầu tiên đỗ thủ khoa của nền khoa bảng Việt Nam và được phong chức Thái sư. Tuy có nhiều công trạng nhưng ông lại vướng phải vụ án “hóa hổ giết vua” ở hồ Dâm Đàm.

Đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh.
Đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh.

Ở đỉnh cao danh vọng và quyền lực, nỗi oan khuất mà Thái sư Lê Văn Thịnh phải đón nhận vẫn khiến hậu thế đau xót.

“Trạng nguyên” đầu tiên

Sau khi Lý Công Uẩn thành lập nhà Lý và dời đô ra Đại La. Để vực dậy đất nước, nhà Lý chú trọng đến phát triển nền giáo dục nước nhà. Năm 1075, dưới thời vua Lý Nhân Tông, triều đình tổ chức khoa thi Nho học đầu tiên, gọi là “Minh kinh bác học và Nho học tam trường”.

Tại kỳ thi này, người đỗ đầu là Lê Văn Thịnh, mặc dù chưa có danh xưng là “Trạng nguyên” nhưng ông đã trở thành bậc khai khoa của các nhà khoa bảng nước ta.

Ông sinh ngày 11 tháng Chạp năm Canh Dần (1050) và nổi tiếng là người hiếu học từ nhỏ. Sau khi đỗ đầu kỳ thi, ông được vào hầu vua học, sau đó thăng chức Nội cấp sự, rồi Thị lang bộ binh vào năm Bính Thìn (1076) và cũng là người có công lớn trong công cuộc kháng chiến chống quân Tống năm 1077.

Trong suốt cuộc đời mình, ông đã đem hết tài năng, trí tuệ cống hiến cho công cuộc xây dựng, đổi mới triều đại và canh tân đất nước.

Khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Tống, năm Mậu Ngọ (1078) ông cùng Đào Tông Nguyên được triều đình cử dẫn đầu phái bộ nhà Lý tranh biện với nhà Tống về chủ quyền biên giới Đại Việt.

Bằng tài năng và sự cương trực của mình, Thái sư Lê Văn Thịnh buộc nhà Tống phải trả lại những châu, huyện thuộc miền Cao Bằng mà họ chiếm trước đây và cho thông sứ như cũ.

Song khi đang ở đỉnh cao của danh vọng và quyền lực, ông lại rơi vào tấn thảm kịch với vụ án “hóa hổ” ở hồ Dâm Đàm đầy oan nghiệt, dẫn đến kết cục bi thảm năm Ất Hợi (1096). 

Tượng Thái sư Lê Văn Thịnh trong đền thờ tại xã Đông Cứu.
Tượng Thái sư Lê Văn Thịnh trong đền thờ tại xã Đông Cứu.

Mưu đồ hạ bệ nhân tài

Sách Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn như sau: “Bấy giờ, vua ra hồ Dâm Đàm, ngự trên thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người sợ tái mặt, nói: Việc nguy rồi!.

Người đánh cá là Mục Thận quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Ông bị bắt và định tội. Vua nghĩ ông là đại thần có công lớn, lại là thầy vua nên không nỡ giết.

Ông bị tước hết quan chức, bị đày ở Thao Giang (thuộc Tam Nông, Phú Thọ ngày nay). Trước kia, trong nhà Lê Văn Thịnh có tên đầy tớ là người Đại Lý (Vân Nam, Trung Quốc ngày nay) giỏi làm ảo thuật, Lê Văn Thịnh học được phép của nó và đến đây thì làm phản”.

Về vụ án này, đa phần giới sử học đều nhận định rằng, việc “hóa hổ giết vua” là chuyện hoang đường và Thái sư Lê Văn Thịnh chỉ là nạn nhân của một màn kịch chính trị đương thời. Mà ở đây, sự tranh giành quyền lực giữa các thế lực trong Tam giáo về quyền lợi là nguyên nhân chính gây nên nỗi oan khuất này cho ông.

Theo lưu truyền, sau khi mãn hạn đi đày, ông tìm về quê hương. Khi đến chợ Điềng, xã Đình Tổ (Thuận Thành - Bắc Ninh), ông dừng chân nghỉ và mất tại đây. Do mến phục công lao to lớn của ông với đất nước, nên người dân địa phương đã chôn cất và sau đó tôn ông làm Thành Hoàng làng.

Sang thời Lê sơ, vua Lê Thái Tổ và các vị vua thời Lê Trung hưng đã gia phong và khẳng định công lao của Thái sư qua các sắc phong, bi ký ở đền thờ nơi quê hương ông.

Nhà sử học Ngô Sĩ Liên từng đặt câu hỏi: Tại sao tội giết vua lại có thể tha? Câu hỏi ấy đã minh chứng oan khiên tày liếp của Lê Văn Thịnh nằm trong “mưu đồ hạ bệ” người tài. Khi đó, Thái sư Lê Văn Thịnh đứng dưới một người mà trên vạn người. Dù có muốn chiếm ngôi của vua Lý Nhân Tông thì cũng phải dè chừng Hoàng Thái hậu Ỷ Lan và Thái úy Lý Thường Kiệt.

Đại học sĩ hàn lâm Viện Đông Các dưới triều Hậu Lê là Nguyễn Bính đã đánh giá, ghi nhận công lao của Lê Văn Thịnh, nhưng dường như vẫn chưa chạm tới chân lý của vụ nghi án. Đến những năm 1990, dưới ánh sáng khoa học, vụ án hồ Diêu Đàm mới được xem xét một cách thấu đáo và trọn vẹn. Tròn 30 năm trước, khi những người dân xã Đông Cứu tìm ra bức tượng rồng oan khiên, cũng là lúc nỗi oan của Lê Văn Thịnh được hoàn toàn cởi bỏ.

Tượng rồng cắn thân đã được công nhận là bảo vật quốc gia.
Tượng rồng cắn thân đã được công nhận là bảo vật quốc gia.

Rồng cắn thân – sự ân hận của vua

Cụ Nguyễn Đức Đam, Thủ từ  đền Lê Văn Thịnh cho biết, vào năm 1990 khi Tiến sĩ Lê Viết Nga dẫn đoàn khảo sát của Sở Văn hoá Hà Bắc (cũ) thì cũng là lúc tìm được rồng đá. Khi rồng đá được đưa lên mặt đất, ai nấy đều phải kinh ngạc lẫn sợ hãi. Bức tượng nặng hàng tấn trong tư thế rồng rất kỳ dị. Miệng rồng cắn vào thân một cách đau đớn, các móng vuốt bấu chặt vào cơ thể với sự giằng xé uất ức đến tột cùng.

Hồ sơ của tỉnh Bắc Ninh ghi rõ: “Đây là pho tượng rồng độc đáo, hình dáng tượng nửa mình rắn, nửa mang tư thế và móng vuốt như rồng... Hình ảnh này chưa từng có trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam và các nước Đông Nam Á”.

Ngay khi tìm được bức tượng, nhiều người đã đặt câu hỏi: Ai là tác giả của bức tượng và được tạc vào thời nào? Đây là tuyệt tác mô tả sự giằng xé nội tâm do chính Lê Văn Thịnh tạo nên hay học trò của ông – vua Lý Nhân Tông? Sở dĩ, câu hỏi ấy được đặt ra vì nhiều nhà nghiên cứu căn cứ vào bên tai lành, tai điếc của rồng đá mà cho đó là sự ân hận của vua vì đã nghe lời xiểm nịnh mà hại oan người thầy đáng kính.

Trong quyết định công nhận bảo vật quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 30/12/2013, thì bức tượng rồng đá cắn thân là hiện vật số 15 có tới 2 tên gọi. Cụ thể, bảo vật này được ghi: “Rồng đá (Xà thần), thời Lý, hiện ở tại đền thờ Lê Văn Thịnh, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh”. Cách định danh bằng cả hai tên gọi này cho thấy việc xác định đây là rắn hay là rồng vẫn còn chưa thống nhất.

Tại hội thảo khoa học được tổ chức cuối năm 2015 (kỷ niệm 940 Thái sư Lê Văn Thịnh đỗ đầu khoa thi), các nhà nghiên cứu, khoa học một lần nữa nhận định: Thái sư Lê Văn Thịnh - vị thủ khoa của khoa thi chọn hiền tài đầu tiên của Việt Nam thời Lý (1075) đã mở đầu cho sự nghiệp khoa cử hơn 900 năm ở nước ta và có nhiều cống hiến lớn lao cho dân tộc.

Ông vừa là vị quan khoa bảng thời Lý vừa là một nhà giáo mẫu mực, đức độ của nước Đại Việt. Lịch sử cũng ghi nhận ông là một nhà ngoại giao xuất chúng, một danh nhân văn hóa kiệt xuất và là Thái sư có tài kinh bang tế thế, một nhà cải cách chính trị, kinh tế đại tài đưa đất nước phát triển cường thịnh.

Để tưởng nhớ công lao của người Khai khoa đỗ đầu Lê Văn Thịnh, hàng năm, nhân dân trong vùng Gia Bình tổ chức lễ hội vào ngày 7 tháng Giêng. Ngoài ra, vào các ngày từ mồng 5 - 7/2 âm lịch hàng năm diễn ra lễ hội “Thập đình” - lễ hội của 10 làng cùng tôn vị Khai khoa Lê Văn Thịnh làm Thành Hoàng làng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Dấu hiệu rạn nứt

GD&TĐ - Quan hệ đồng minh thân cận giữa Mỹ và Israel đang có dấu hiệu rạn nứt do bất đồng quan điểm trong kế hoạch quân sự tại Gaza của quân đội Do Thái.