Nỗi niềm Tết của người xa quê

Tặng mẹ chiếc áo mới, phụ cha sửa soạn bàn thờ gia tiên, quây quần bên mâm cơm ngày Tết... là mong ước nhỏ nhoi nhưng khó thực hiện của nhiều người xa quê.

Nỗi niềm Tết của người xa quê

Đi làm trên Sài Gòn hơn chục năm, đây là năm đầu tiên anh Thành Công (35 tuổi) ăn Tết xa nhà. Cuộc sống thợ hồ vất vả, anh ăn uống tằn tiện, chắt chiu từng đồng để gửi về phụ giúp vợ con và bố mẹ già. Quê anh mãi tận Quảng Trị, cách Sài Gòn gần 1.200 cây số. Nhớ thương gia đình là vậy, nhưng cả năm nay anh không dám về, chỉ để chắt bóp thêm chút tiền tàu xe chờ dịp Tết đoàn viên.

Thế nhưng, năm nay chủ thầu cần hoàn thành gấp dự án, hứa hẹn sẽ trả gấp đôi lương cho anh em công nhân nếu làm xuyên Tết. Anh Công tiếc rẻ, tính tới tính lui rồi cũng đành lỗi hẹn với gia đình. Nghe đứa nhỏ thút thít qua điện thoại, anh tủi lắm, nhưng nghĩ đến món tiền làm thêm có thể mua quần áo mới, đóng học phí cho 2 con anh lại gắng động viên mình.

Tài chính không eo hẹp như anh Công, song, công việc bận rộn cũng khiến anh Mạnh (43 tuổi) phải ăn Tết nơi xứ người. Mỗi khi nhớ lại thời sinh viên gian khó, phải nhảy tàu chợ trốn vé từ Hà Nội về Nghệ An ăn Tết, anh thường chạnh lòng. Thời trai trẻ ham chơi nên những sinh viên như anh chẳng mảy may nhớ nhà. Tuy nhiên, sau nhiều năm bươn chải, gây dựng gia đình và định cư tại Pháp, anh mới thấm thía nỗi nhớ cội nguồn.

Tháng Chạp, khi quê hương rộn ràng đón Tết thì ở Pháp mọi người vẫn làm việc như ngày thường. Nhiều khi, anh bàn vợ bồng con về Việt Nam để bé được trải nghiệm không khí Tết cổ truyền, thăm ông bà thân sinh, nhưng do không thu xếp được công việc nên vợ anh lại bàn lùi.

Family-CNY-Asian-5097-1422530560.jpg

Sum vầy ngày Tết là mong ước của nhiều người xa quê.

"Chẳng người con hiếu thảo nào lại không nhớ tới gia đình mỗi khi Tết cận kề", chị Thanh Mai (Hà Nội) tâm sự. Phận con gái lấy chồng xa quê khiến chị ba năm nay không được về ngoại ăn Tết. Năm kia thì do nghĩa vụ nhà chồng, năm ngoái vì bầu bí, năm nay thì con nhỏ ốm. Mỗi lần gọi điện về nhà chị lại dấm dúi khóc, mẹ chị vẫn để dành con gà ngon để mùng 4, mùng 5 đón cả gia đình về ăn Tết.

Có thể về quê mọi ngày trong năm, trừ lễ Tết lại là tình cảnh của chị Phương. Làm biên tập viên cho một đài truyền hình lớn trên Hà Nội, mấy ngày Tết là thời điểm chị phải túc trực công việc cho cả nhóm. Chị hóm hỉnh kể, có năm thèm quá một bữa cơm gia đình, chị chạy xe máy từ Hà Nội về Hải Phòng ngay tối mùng Một, ôm mẹ ngủ một đêm rồi sáng sớm lại chạy xe lên Thủ đô. Sự liều lĩnh của con gái Hải Phòng ngấm vào máu thịt từ lâu, dù bố mẹ có ngăn cản nhưng chị vẫn đi đêm về hôm cho thỏa mong ước sum vầy.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ tâm lý học Huỳnh Văn Sơn - Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, không phải ngẫu nhiên Tết của người Việt được gọi là Tết sum họp, Tết đoàn viên. Bởi Tết không chỉ là khoảng thời gian nghỉ ngơi sau một năm dài vật lộn với gánh nặng mưu sinh, mà còn là giây phút tìm về nơi bình yên và quây quần bên cạnh người thân. Buồn vui cả năm cũng cho qua hết, sự giận hờn trong lòng cũng tan biến theo tiếng cười giòn giã suốt ba ngày Tết.

Ngày Tết đoàn viên có giá trị tinh thần quý gía mà không thứ vật chất nào ngang giá. Nỗi niềm "Xuân này con không về" của người xa quê cũng được nhóm nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân bày tỏ từ thời chiến. Người không về chạnh lòng một, người ở nhà chờ đợi buồn mười. Vì "Con biết bây giờ mẹ chờ tin con, khi thấy mai đào nở vàng bên nương" nên nhiều người trẻ vẫn gắng thu xếp trở về nơi chôn rau cắt rốn đón Tết. Chị Phương vẫn cứ chạy xe tranh thủ về ăn Tết sớm với mẹ; chị Thanh Mai thu xếp về mùng Bốn; qua Rằm, anh Thành Công sẽ mang quần áo mới về cho đứa nhỏ; vợ chồng anh Mạnh cũng gắng xin nghỉ phép để Tiết Thanh minh tháng 3 kịp về tảo mộ cho ông bà.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh tỉnh Điện Biên hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ. Ảnh: Báo Điện Biên.

Xây dựng những 'đại sứ' lịch sử

GD&TĐ - Nhiều địa phương, trường học tổ chức các hoạt động giáo dục hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Minh họa/INT

Truyền cảm hứng

GD&TĐ - Lịch sử là môn học góp phần giúp học sinh hình thành nhân cách, nhân sinh quan cũng như lòng yêu nước, ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...