Nỗi niềm nhà giáo vùng biên viễn

GD&TĐ - Yêu nghề và quyết tâm gắn bó với nghề là tâm sự chung của các nhà giáo nơi núi cao, đảo xa của tỉnh Quảng Ninh. Vượt qua những nhọc nhằn của điều kiện địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu họ vẫn bám trường bám lớp dạy chữ cho học sinh. Niềm vui đong đầy, nhưng nỗi niềm cũng không vơi, những tâm sự về nghề đã phần nào nói lên tình yêu nghề lớn lao của các thầy cô giáo.

Ảnh MH (Nguôn Internet)
Ảnh MH (Nguôn Internet)

Móng Cái xưa và nay

Ngày 1/2/2007, 78 giáo viên hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế của thị xã Móng Cái khi đó rụng rời nhận được quyết định quay trở lại hợp đồng thử việc với 85% lương bậc 1. Quyết định này đồng nghĩa với việc xóa bỏ mọi quyền lợi chính đáng của các thầy cô giáo. Trong đó có nhiều người đang dạy ở biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn đã 5 - 6 năm.

Điều đáng trách khi đó, Phòng GD&ĐT là cơ quan sử dụng lao động đã không làm hết trách nhiệm của mình, bỏ quên các thầy cô. Báo GD&TĐ ngày đó lên tiếng bảo vệ quyền lợi của họ; thị xã Móng Cái phải sửa sai, quyền lợi của các nhà giáo được bảo vệ. Nhiều thầy cô giáo ngày đó giờ đã trưởng thành, tiếp tục yêu và gắn bó với nghề. Nhắc lại chuyện này người viết muốn nói rằng, các cấp quản lý trực tiếp phải quan tâm, đừng bỏ quên giáo viên của mình, ít nhất là để họ không bị thiệt thòi.

Gặp lại Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục thị xã Móng Cái khi đó là ông Đặng Văn Trúc, ông có nhắc lại chuyện 78 thầy cô giáo. Ông cũng là người liên đới bị kỷ luật với chức trách là cán bộ làm tổ chức. Ông nói vui, cho dù mình bị kỷ luật nhưng quyền lợi nhà giáo, những đồng nghiệp trẻ ông yêu thương như con được bảo vệ. Tâm sự của ông là thật, bởi trong vụ việc 78 giáo viên Móng Cái ông chỉ là cán bộ chịu trách nhiệm liên đới chứ quyền hành gì mà tuyển người.

Nhớ trước đó, có lần tôi đã về làm việc với ông, ông từng tâm sự về những cô giáo cắm bản ở vùng núi cao biên giới Hải Sơn với tất cả lòng trìu mến và trăn trở. Ngày đó, Hải Sơn còn là vùng biên viễn heo hút, đường sá đi lại cách trở, lương lĩnh xong rồi để đấy vì chợ chỉ đi được 1 lần trong tuần. Thức ăn của các thầy cô cắm bản chủ yếu là cá khô.

Quà gia đình gửi lên hay mỗi dịp về xuôi thăm nhà, đồ ăn mang theo của các thầy cô cũng là cá khô. Nước nổi thì thuyền nổi, các thầy cô giáo với tình yêu nghề luôn thích ứng tốt với mọi hoàn cảnh – nếu được các cấp chính quyền và ngành Giáo dục quan tâm, bảo vệ quyền lợi cho các cô, được hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan khác, nhưng đó là niềm động viên khích lệ để các thầy cô gắn bó với nghề.

Tại cuộc phát động xây dựng xã hội học tập được tỉnh Quảng Ninh tổ chức vào sáng ngày 5/10/2018 tại UBND xã Hải Sơn, TP Móng Cái tôi được giới thiệu gặp một cô giáo để hỏi chuyện. Cô tâm sự về chuyện nghề, những niềm vui với học trò, cùng sáng kiến của những thầy cô giáo vùng núi cao, nơi rừng núi và cỏ cây có giá trị cảm quan nhiều khi hơn cả những đồ dùng dạy học theo danh mục. Rồi cô kể về những ngày trèo đèo, lội suối đi vận động học sinh đến trường.

Thuyết phục phụ huynh đã khó, không còn cách nào để từ chối việc cho con đi học thì phụ huynh lại đẩy sang học sinh. Hỏi học sinh thì các em hoặc là không trả lời, hoặc là nguây nguẩy tránh... Mãi mới hiểu ra rằng các em không muốn đi học vì ở nhà theo bố mẹ đi rừng hái củi, sang biên giới làm thuê kiếm được tiền nên thích ở nhà hơn đi học.

Vui chuyện trường lớp, chuyện nghề cô giáo cũng kể về một khó khăn về cơ sở vật chất. Chia tay cô giáo chuẩn bị lên xe để về thì tôi bị cô chặn lại mong muốn đừng đưa việc cơ sở vật chất xuống cấp của trường lên báo. Chứng kiến chuyện này, bà Đoàn Thị Thu Hiền – Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Quảng Ninh hết sức ngạc nhiên vì nội dung việc cũng không có gì nhưng sao giáo viên lại sợ như vậy.

Sẻ chia và đồng cảm

Cô giáo trẻ Bùi Thị Hương nhà ở TP Móng Cái, sinh năm 1989 tốt nghiệp CĐSP Quảng Ninh năm 2011, về dạy ở Trường Tiểu học Hải Hòa được 5 năm, “đi nghĩa vụ” lên dạy ở Trường Tiểu học & THCS Hải Sơn từ năm 2016. Nhà ở phường Hải Hòa, TP Móng Cái cách trường 52 km, cô giáo vẫn ngày ngày đúng 6 giờ kém 15 dắt xe ra khỏi nhà lên trường, chiều 16 giờ kém 15 lên xe rời khỏi cổng trường.

Cô giáo tâm sự, ở đây khó khăn nhất là huy động học sinh ra lớp. Mọi năm rất vất vả nhưng năm nay đỡ hơn nhiều do phụ huynh được phân tích và hiểu việc học có lợi cho con em mình. Nếu nghỉ học chủ yếu vào ngày mưa, do thời tiết xấu, đã có nhiều phụ huynh chủ động đến gặp cô giáo xin cho con nghỉ học chứ không như trước nghỉ là nghỉ không cần ý kiến gì. Cô tâm sự: “Em không phải người địa phương, nhà ở xa nên đi lại rất vất vả, cực nhất là những ngày mưa rét. Mong muốn là được lãnh đạo quan tâm để hết nghĩa vụ được về xuôi gần nhà”.

Trường Tiểu học Vĩnh Thực nằm ở xã đảo Vĩnh Thực, TP Móng Cái có 5 thầy cô giáo đang ở diện “đi nghĩa vụ”. Do đi lại thuận lợi hơn nên các thầy cô mua vé tháng tàu cao tốc đi về trong ngày, chỉ có điều lương hơn 6 triệu thì tiền vé tháng hết 1,8 triệu. Cô giáo Lê Thị Ngọc Hà sinh năm 1992, tốt nghiệp ĐHSP Hà Nội 2 về dạy ở Trường Tiểu học Hải Xuân được 2 năm, được điều đi dạy ở đảo Vĩnh Thực 3 năm, còn 1 năm nữa là kết thúc nghĩa vụ. Về lý thì cô sẽ được về đất liền, nhưng cái này còn phụ thuộc vào quyết định của các cấp lãnh đạo.

Cô giáo tâm sự: “Ra ngoài này cũng thuận lợi lắm, điện nước, đi lại đều tốt, học sinh thì chăm ngoan và ý thức tốt nên kết quả khá giỏi nhiều. Gắn bó với đảo, với các em cũng đã 3 năm, kỷ niệm nhiều nhưng mong muốn của em là hết nghĩa vụ được về đất liền”. Được biết cô giáo Hà sau khi tốt nghiệp đại học năm 2013 đã ở lại trường học tiếp thạc sĩ cùng chuyên ngành, với những kiến thức có được cô là tâm điểm của đổi mới, sáng tạo trong dạy và học ở xã đảo Vĩnh Thực.

Là người chứng kiến những đổi thay của giáo dục miền núi và biển đảo Quảng Ninh, cô Lê Thị Thành - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Thực, tâm sự: “Tôi ở trong nghề đã hơn 30 năm, đi dạy từ xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên rồi về đảo Vĩnh Thực, ở trường nào cũng vậy, lãnh đạo nhà trường biết đồng cam cộng khổ, chia sẻ yêu thương với giáo viên thì nơi đó nhà trường sẽ là mái ấm tình thương hướng đến mục tiêu cao cả là dạy chữ, rèn người.

Giờ đây, giáo viên của trường không còn vất vả như trước, đi lại đã thuận tiện hơn. Nhưng thuận thì thuận chứ dạy ở xã đảo biên giới cách xa thành phố, cho dù có trợ cấp thì các thầy cô, nhất là cô giáo cũng không muốn. Trường có cả giáo viên người gốc địa phương và giáo viên nghĩa vụ, là ai thì trong họ cũng đều cháy bỏng tình yêu nghề. Mong muốn của chúng tôi là các cấp quản lý hãy quan tâm chăm lo đến đời sống để giáo viên yên tâm công tác, cống hiến với nghề”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ