Nỗi niềm cùng con chữ

Nỗi niềm cùng con chữ

(GD&TĐ) - Thầy rất muốn truyền con chữ, trò rất muốn nhận con chữ. Nhưng, hoàn cảnh khó khăn của hiện tại đã khiến cho tinh thần ấy ở những lớp xóa mù  chữ dành cho người dân làng chài bên phá Tam Giang huyện Quảng Điền có nguy cơ ngừng hoạt động.

Trước đây, do hoàn cảnh khó khăn với đặc thù của cuộc sống lênh đênh vùng sông nước, không có thời gian cũng như điều kiện để học hành, nên hầu hết người dân làng chài bên phá Tam Giang đều không biết đến con chữ. Giờ đây, xã hội phát triển đòi hỏi những nhu cầu bức thiết thì người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của việc biết chữ.

Nỗi niềm cùng con chữ ảnh 1
Thầy Thăng đang truyền con chữ cho bà con.

 Đến với con chữ, đến với nguồn sáng

Cô Hồ Thị Thủy (46 tuổi) - Lớp trưởng lớp xóa mù chữ thôn Ngư Mỹ Thạnh (xã Quảng Lợi) ấm ức kể lại: “ Cách đây 2 năm, tui đi nuôi con gái vừa mới sinh ở bệnh viện. Bệnh viện thì lớn, đứng trước khoa sản mà vì không biết chữ nên tui không dám vô. Gặp cô y tá, tui hỏi khoa sản ở mô liền bị cằn nhằn với vẻ mặt khó chịu. Vì rứa, tui ao ước được biết chữ để không bị ai coi thường nữa”. Thế là, sau đó, cô Thủy liền vận động 5 cặp thanh niên không biết chữ khác trong làng đến tìm thầy Hồ Quang Chính (45 tuổi - Giáo viên Trung tâm thường xuyên Quảng Điền) để mong muốn thầy truyền cho con chữ giải tỏa nỗi bực tức đó.

Từ đó, lớp học của thầy Chính thu hút số lượng lớn “học sinh” tới xin học. Có thời điểm, số lượng “học sinh” lên đến hơn 50 người. Do học ở nhà cộng đồng văn hóa thôn nên không đủ sức chứa, đành phải chia thành 2 lớp. Cứ thế, 2 năm trôi qua, không biết bao nhiêu người dân làng Ngư Mỹ Thạnh được tiếp cận với con chữ. Hỏi cô Thủy nếu giờ đây vô bệnh viện thì cô có còn hỏi như vậy không? Cô ngắt lời: “Giờ mà vô lại bệnh viện đố mà tui không biết cái khoa nào!”.

Lân la về thôn Vạn Hạ Lang (xã  Quảng Phú) khi trời đã sập tối, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những chú, những bác, cô, dì dắt theo con, cháu cầm trên tay cuốn vở đến ngôi trường Tiểu học số 1 Vạn Hạ Lang cũ khi mái tóc chưa kịp khô do mới tắm khi đi làm về. Chưa kịp chào, chị Phan Thị Hương (36 tuổi) hớn hở: “Mấy cô chú thấy tụi tui lớn tuổi như ri mà như con nít không. Được đi học khi con cái đã lớn sướng lắm mấy cô chú à. Thú thật, ban đầu bước vô lớp, tui ngại mà run lắm nhưng chừ thì hết ngại rồi. Tui còn khuyên mọi người đi học nữa.” Chị Hương là một trong những người tham gia lớp học ở thôn Vạn Hạ Lang do thầy Lê Công Thăng (50 tuổi) đảm trách cách đây 2 năm. Khi được đề cập đến vấn đề vì sao lớn tuổi rồi mà vẫn học, chị quả quyết: “Học chứ. Học để biết chữ. Học để ra đường còn biết những biển cấm không thôi bị phạt vô duyên, rồi còn để tìm được đường nữa chứ.”

Nỗi niềm cùng con chữ ảnh 2
Tuy số lượng “học viên” không nhiều nhưng lớp học vẫn cố duy trì hoạt động.

Nhiều năm liền người dân nơi đây đều phải dùng cách “lăn tay” (điểm chỉ) để thay cho việc kí tên xác nhận pháp nhân vào các loại giấy tờ. Gắn với cái mác mù chữ của dân vạn đò. Nhiều người dân không cam tâm chịu thiệt đã nuôi ý chí đến với cái chữ bằng sự nhiệt tình trong việc học và tự học. Giờ đây khi đã đã biết đọc và kí tên của mình, mọi người ai cũng hào hứng, phấn khởi. Với anh Hoàng Minh Nam (40 tuổi), anh đến với con chữ để ghi chép lại khi buôn bán chứ lớn tuổi rồi không thể nhớ nỗi.

 Nỗi lòng của thầy trò

Công việc gắn liền với sông nước nên thời gian của bà con cũng không cố định. Bởi vậy, việc sắp xếp lịch học là rất khó khăn. Để thu xếp 1 tuần học 3 buổi, học sáng hay chiều là cả một vấn đề nan giải. Thầy Thăng cho biết thêm: “Thường bà con làm việc suốt ngày, chập tối mới về nên không thể sắp xếp được vào ban ngày để học cho tiện. Đành phải học vào buổi tối. Mà học buổi tối thì bất tiện nhiều điều như cúp điện, mưa gió, tối tăm…” Lớp thầy Chính thì đỡ hơn chút ít. Hầu hết người dân thôn Ngư Mỹ Thạnh đều đánh bắt thủy hải sản vào buổi khuya. Họ giao lưu buôn bán lúc 3 giờ sáng. Tới chừng 6 giờ thì chợ tan. Tiện đó xếp học buổi sáng để bà con khỏi mất thời gian. Tuy vậy, một tuần lớp cũng duy trì chỉ được 3 buổi.

Sắp xếp lịch học đã khó, làm sao ổn định được lớp mới là vấn đề lớn. Thầy Chính tâm sự: “Do gia đình đông con, điều kiện kinh tế lại không khá giả gì nên khi biết ít chữ, bà con thường nghỉ học. Số lượng “học sinh” dao động bất thường. Chúng tôi dạy phải phụ thuộc vào thời gian của bà con. Bởi thế, không nhất quán về chương trình dạy được. Ngoài ra, trình độ mỗi người khác nhau. Chúng tôi không thể dạy gộp được. Một lớp học chung như vậy nhưng có khi phân ra thành cấp độ lớp từ lớp 1 đến lớp 5 nên rất khó trong việc truyền con chữ”.

Huyện Quảng Điền có tất cả  5 lớp xóa mù chữ như vậy do Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức, dành cho 102 cư  dân vạn đò trên địa bàn toàn huyện. Độ tuổi “học viên” dao động từ 25-55 tuổi.

Cơ sở vật chất, dụng cu học tập thiếu phần nào ảnh hưởng đến việc dạy và  học. Hầu hết người dân khó khăn, rất khó để họ bỏ tiền ra mua sách vở, bút… Thường mỗi thầy đều bỏ tiền ra để photo sách rồi phát cho mỗi “học sinh”. “Chỉ có học sách nguyên bản thì bài học mới đến với các bà con hiệu quả hơn. Nhưng không có thì đành học sách photo. Mỗi lần photo sách như vậy tôi phải bỏ ra khoảng 500 ngàn. Một số tiền tương đối lớn với một thầy giáo còn phải nuôi cả gia đình như tôi” - Thầy Thăng chia sẻ.

Dù biết tầm quan trọng của con chữ  với đời sống nhưng bà con còn phải lao động để kiếm sống, nuôi gia đình, con cái ăn học. “Tụi tui rất muốn theo học một cách ổn định để biết nhiều hơn còn về bảo ban con cái. Mà mấy cô chú thấy đấy. Nhà thì nghèo, lại đông con. Phải làm việc cả ngày, mệt lắm chứ. Chừ kiếm được đôi ba chữ, nghỉ học cái đã. Khi mô quên thì học tiếp thôi chú à! Khổ thế đấy!”  - Anh Nam tâm sự.

 Trang Trần

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ